Mỹ và Philippines hôm 3/5 đã đồng ý và công bố các hướng dẫn mới cho Hiệp ước Phòng thủ Chung 1951. Động thái này được tiến hành sau khi Philippines dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đã nhiều lần đề nghị Mỹ phải làm rõ những điều kiện nào để Washington tới bảo vệ Manila.

Tại sao Philippines muốn làm rõ Hiệp ước Phòng thủ Chung với Mỹ?

Mặc dù Mỹ đã tái khẳng định với Philippines rằng mối quan hệ đối tác phòng thủ chung là “vững chắc”, nhưng Manila vẫn thúc giục phải cập nhật hiệp ước đã tồn tại 7 thập kỷ để nó phản ánh đúng môi trường an ninh toàn cầu khác biệt hiện nay.

Bản hướng dẫn nêu trên được công bố vào thời điểm Tổng thống Ferdinand Marcos Jr tới thăm Washington và họp thượng đỉnh với người đồng cấp Mỹ Joe Biden. Thời gian gần đây, Manila cũng nhiều lần phàn nàn về cách hành xử gây hấn gia tăng của hải cảnh và tàu cá Trung Quốc trên Biển Đông, vùng biển mà Manila gọi là Biển Tây Philippines.

Philippines vốn là quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng hiện cũng rất muốn bắt đầu khai thác trữ lượng khí tự nhiên tại vùng đặc quyền kinh tế trên biển (EEZ), khu vực mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.

Trong quá trình tìm cách làm rõ về việc khi nào Mỹ sẽ đến giải cứu Philippines, quốc gia Đông Nam Á này muốn Washington cam kết rõ ràng và Trung Quốc cũng biết mà lùi ra.

Bản cập nhật đã thay đổi những gì?

Các hướng dẫn phòng thủ chung do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hôm 3/5 đề cập cụ thể rằng những cam kết phòng thủ chung sẽ được viện dẫn nếu có một cuộc tấn công vũ trang vào một trong hai nước ký hiệp ước “tại bất kỳ đâu trên Biển Đông”. Một chi tiết bổ sung nữa là các tàu hải cảnh cũng nằm trong số những đối tượng cần được bảo vệ.

Bản hướng dẫn cũng đề cập đến việc Mỹ và Philippines cần phải làm việc cùng nhau để xem xét đến “chiến tranh bất đối xứng, hỗn hợp và bất quy tắc, cũng như các chiến thuật vùng xám”.

Cụm từ “chiến thuật vùng xám” thường được sử dụng để mô tả việc Trung Quốc sử dụng các tàu hải cảnh và tàu đánh cá để khẳng định chủ quyền rộng lớn mà họ tuyên bố trên Biển Đông thông qua các biện pháp phi quân sự, trong đó có chặn đường, bắt nạt và di chuyển để ngăn chặn hoạt động đánh cá và khai thác năng lượng.

Tại sao Mỹ và Philippines lại công bố bản hướng dẫn phòng thủ chung vào thời điểm này?

Căng thẳng với Trung Quốc đã đang gia tăng thời gian gần đây. Tháng trước, Philippines đã cáo buộc hải cảnh Trung Quốc “di chuyển nguy hiểm” và sử dụng “chiến thật gây hấn” trong suốt thời gian một tàu hải cảnh Philippines tuần tra gần Second Thomas Shoal, bãi đá do Philippines kiểm soát, cách bờ biển nước này 105 hải lý (195 km).

Hồi tháng Hai, Philippines cho biết một tàu Trung Quốc đã chiếu laser quân sự vào một trong những tàu tiếp vận của hải quân Philippines cũng trong vùng biển nêu trên.

Philippines và một số quốc gia láng giềng cũng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông trong những năm qua đã nhiều lần lên án cách hành xử của hải cảnh và ngư dân Trung Quốc. Họ tố cáo hải cảnh và ngư dân Trung Quốc dùng thuyền lớn đâm, chặn hoặc phun nước vào các thuyền nhỏ hơn của các nước láng giềng.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với các đảo, bãi đá và vùng nước cách bờ biển của họ tới 932 dặm (1.500 km), trong đó có các vùng đặc quyền kinh tế của 5 nước láng giềng. Bắc Kinh thường cáo buộc tàu của các quốc gia khác khiêu khích hoặc đi vào khu vực cấm.

Tình hình thay đổi như thế nào sau khi Mỹ, Philippines công bố bản hướng dẫn phòng thủ chung?

Có ý kiến cho rằng khi Trung Quốc biết rõ các điều kiện mà Mỹ sẽ can thiệp, thì họ có thể xem xét lại một số chiến lược trên Biển Đông để tránh đụng độ trực tiếp với Washington. Bắc Kinh có thể sẽ thay đổi cách hành xử của lực lượng hải cảnh.

Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng tàu để thử những giới hạn trong cam kết phòng thủ của Mỹ và cố gắng gây tổn hại tới liên minh Mỹ – Philippines, đẩy Washington vào tình thế khó xử khi họ có thể lưỡng lự can thiệp vì lo ngại về leo thang xung đột hoặc tính toán sai.