Hôm thứ Năm, Taliban đã kỷ niệm Ngày Độc lập của Afghanistan bằng cách tuyên bố rằng họ đã đánh bại Hoa Kỳ. Tuy vậy, sau chiến thắng, Taliban đang phải đối mặt với những thách thức để điều hành đất nước, từ việc các khoản ngân sách bị đóng băng, cho đến việc chống lại phe đối lập có vũ trang đang manh nha xuất hiện. 

Embed from Getty Images

Thứ Năm ngày 19/8 đánh dấu Ngày Độc lập của Afghanistan, kỷ niệm hiệp ước năm 1919 chấm dứt sự cai trị của Anh ở quốc gia Trung Á.

Nhân ngày này, nhiều người dân ở một số thành phố đã tổ chức các cuộc biểu tình nhỏ, hạ cờ Taliban và thay thế bằng cờ ba màu của Afghanistan. Tại Jalalabad, Taliban đã đàn áp bạo lực cuộc biểu tình, khiến ít nhất một người thiệt mạng.

Tại Khost, chính quyền Taliban đã thiết lập lệnh giới nghiêm 24 giờ trong tỉnh sau khi dẹp bỏ một cuộc biểu tình tương tự.

Theo hãng tin AP, Taliban đang phải đối mặt với mọi thách thức của chính phủ dân sự trong khi không còn mức viện trợ quốc tế, từ việc máy ATM hết tiền đến nỗi lo về lương thực cho quốc gia 38 triệu dân vốn phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Trong khi đó, các nhân vật đối lập đang chạy đến Thung lũng Panjshir của Afghanistan và đang manh nha phát động một cuộc kháng chiến vũ trang dưới ngọn cờ của Liên minh phương Bắc – liên minh đã phối hợp với Hoa Kỳ trong cuộc chiến năm 2001.

Taliban cho đến nay vẫn chưa đưa ra kế hoạch nào cho chính phủ mà họ dự định lãnh đạo, ngoài việc nói rằng nó sẽ được hướng dẫn bởi luật Hồi giáo Sharia. 

Taliban cũng đã kêu gọi mọi người trở lại làm việc, nhưng hầu hết các quan chức chính phủ vẫn trốn trong nhà hoặc cố gắng chạy trốn khỏi Taliban. 

Phần lớn dự trữ ngoại hối trị giá 9 tỷ đô la của Afghanistan hiện đang bị đóng băng ở Mỹ. Người đứng đầu Ngân hàng Trung ương của nước này cảnh báo nguồn cung đô la Mỹ của nước này “gần bằng 0”, điều này sẽ khiến lạm phát gia tăng, trong khi làm mất giá đồng nội tệ – afghani.

Mary Ellen McGroarty, người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới ở Afghanistan cảnh báo: “Một cuộc khủng hoảng nhân đạo với quy mô không thể tin được đang diễn ra trước mắt chúng ta.”

Hạn hán đã khiến hơn 40% mùa màng của đất nước bị mất trắng, bà McGroarty nói. Nhiều người đã chạy trốn khi Taliban tấn công tỉnh thành của họ và hiện sống vất vưởng trong các công viên ở Kabul.

Hai trong số các cửa khẩu biên giới quan trọng của Afghanistan với Pakistan, Torkham gần Jalalabad và Chaman gần Spin Boldak, hiện đã mở cửa cho thương mại xuyên biên giới. Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Sheikh Rashid Ahmed cho biết hàng trăm xe tải đã đi qua. Tuy nhiên, các thương nhân vẫn lo sợ mất an toàn trên đường, hoang mang về thuế hải quan và bị ép giá hàng hóa cao hơn.

Trong khi đó, các video từ Thung lũng Panjshir ở phía bắc Kabul, một thành trì của lực lượng dân quân Liên minh phương Bắc, dường như cho thấy các nhân vật đối lập tiềm năng đang tụ tập ở đó. Khu vực đó là tỉnh duy nhất chưa rơi vào tay Taliban.

Những nhân vật tại đây bao gồm các thành viên của chính phủ bị lật đổ – Phó Tổng thống Amrullah Saleh, người khẳng định trên Twitter rằng ông là tổng thống hợp pháp của đất nước, và Bộ trưởng Quốc phòng, Tướng Bismillah Mohammadi; cũng như Ahmad Massoud, con trai của lãnh đạo Liên minh phương Bắc đã bị sát hại Ahmad Shah Massoud.

Trong một bài báo được đăng tải bởi The Washington Post, ông Massoud đã yêu cầu cung cấp vũ khí và viện trợ để chống lại Taliban.

“Tôi viết từ Thung lũng Panjshir hôm nay, sẵn sàng tiếp bước cha tôi, với các chiến binh mujahideen, những người đã sẵn sàng để một lần nữa chống lại Taliban,” ông viết. “Taliban không phải là vấn đề của riêng người dân Afghanistan. Dưới sự kiểm soát của Taliban, Afghanistan chắc chắn sẽ trở thành cứ điểm của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan; những âm mưu chống lại các nền dân chủ sẽ lại được nở ra ở đây một lần nữa”.

Xuân Lan (theo AP)

Xem thêm: