Hôm Chủ nhật (10/10) Taliban thông báo, Hoa Kỳ đã đồng ý cung cấp viện trợ cho đất nước Afghanistan nghèo đói tuyệt vọng đang trên bờ vực thảm họa kinh tế, trong khi từ chối công nhận chính trị đối với Taliban, nhà cầm quyền mới của nước này.

Embed from Getty Images

Thông báo của Taliban được đưa ra vào cuối cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa hai cựu thù Taliban – Hoa Kỳ kể từ sau cuộc rút quân hỗn loạn của Hoa Kỳ khỏi Afghanistan hồi cuối tháng 8.

Thông báo của Hoa Kỳ kém rõ ràng hơn, chỉ cho hay hai bên “đã thảo luận về việc Hoa Kỳ cung cấp hỗ trợ nhân đạo mạnh mẽ, trực tiếp cho người dân Afghanistan”.

Taliban tiết lộ, các cuộc đàm phán được tổ chức tại Thủ đô Doha của Qatar “đã diễn ra tốt đẹp”. Washington sẽ cung cấp viện trợ nhân đạo cho Afghanistan, sau khi đồng ý không gắn việc hỗ trợ đó với việc công nhận chính thức Taliban.

Hoa Kỳ tuyên bố rõ ràng, các cuộc phàm phán không phải là tiền đề để công nhận Taliban, tổ chức đã lên nắm quyền vào ngày 15/8 sau khi chính phủ Afghanistan – đồng minh của Hoa Kỳ sụp đổ.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price gọi các cuộc thảo luận giữa hai bên là “thẳng thắn và chuyên nghiệp”. Phía Hoa Kỳ nhắc lại, Taliban sẽ được đánh giá dựa trên hành động của họ, chứ không chỉ là lời nói.

Trong một thông báo, ông Price nhấn mạnh: “Hoa Kỳ tập trung thảo luận về các vấn đề an ninh và khủng bố và sự rời đi an toàn cho các công dân Hoa Kỳ, công dân nước ngoài khác [còn mắc kẹt tại Afghanistan] và những đối tác Afghanistan của chúng tôi, cũng như các vấn đề nhân quyền, bao gồm sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em gái trong mọi khía cạnh của xã hội Afghanistan.”

Phát ngôn viên chính trị của Taliban Suhail Shaheen cũng trao đổi với hãng tin Associated Press (AP), ngoại trưởng lâm thời của tổ chức này đã đảm bảo với Hoa Kỳ trong các cuộc đàm phán rằng Taliban cam kết không cho phép những kẻ cực đoan lợi dụng Afghanistan để phát động các cuộc tấn công chống lại các quốc gia khác.

Tuy nhiên, hôm thứ Bảy (9/10), Taliban đã loại trừ khả năng hợp tác với Washington trong việc ngăn chặn nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) đang hoạt động ngày càng tích cực tại Afghanistan.

IS, kẻ thù của Taliban, đã lên tiếng nhận trách nhiệm về một số vụ tấn công gần đây, bao gồm vụ đánh bom tự sát hôm thứ Sáu (8/10) khiến 46 người Hồi giáo dòng Shiite thiểu số thiệt mạng. Washington coi IS là mối đe dọa khủng bố lớn nhất xuất phát từ Afghanistan.

Khi được hỏi liệu Taliban có hợp tác với Hoa Kỳ để ngăn chặn chi nhánh Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan hay không, phát ngôn viên Shaheen của Taliban khẳng định: “Chúng tôi có thể đối phó Daesh một cách độc lập.” Ông đã sử dụng một từ viết tắt tiếng Ả Rập “Daesh” để chỉ IS.

Ông Bill Roggio, giảng viên chính của Tổ chức Bảo vệ các nền dân chủ (Foundation for Defense of Democracies), người chuyên theo dõi các tổ chức chiến binh, đồng ý rằng Taliban không cần sự giúp đỡ của Washington để truy lùng và tiêu diệt chi nhánh IS ở Afghanistan, được gọi là Nhà nước Hồi giáo ở Tỉnh Khorasan (ISKP).

Ông Roggio, cũng là chủ bút của Tạp chí Chiến tranh Dài hạn (Long War Journal) nhận định, Taliban “đã chiến đấu 20 năm để loại bỏ Hoa Kỳ và điều cuối cùng mà tổ chức này cần là sự trở lại của Hoa Kỳ. Họ cũng không cần sự giúp đỡ của Hoa Kỳ. Taliban phải thực hiện nhiệm vụ khó khăn và tốn thời gian để diệt sạch các phần tử ISKP và cơ sở hạ tầng hạn chế của tổ chức này. Họ có đủ kiến thức và công cụ cần thiết để thực hiện điều đó.”

Ông Roggio cho rằng, chi nhánh của IS ở Afghanistan không có lợi thế về những nơi trú ẩn an toàn ở Pakistan và Iran mà Taliban đã có trong cuộc chiến chống lại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ông cảnh báo, sự ủng hộ lâu năm của Taliban dành cho al-Qaeda khiến Hoa Kỳ không thể tin tưởng tổ chức này là một đối tác chống khủng bố.

Trong giai đoạn cầm quyền trước đây (1996-2001), Taliban đã cung cấp nơi trú ẩn ở Afghanistan cho al-Qaeda trước khi tổ chức khủng bố này thực hiện vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 vào Hoa Kỳ. Điều đó đã khiến Hoa Kỳ phát động cuộc xâm lược vào Afghanistan vào năm 2001, lật đổ chế độ cầm quyền Taliban lúc đó.

Ông Roggio nói: “Do sự ủng hộ lâu dài của Taliban dành cho al-Qaeda, thật điên rồ để Hoa Kỳ nghĩ rằng Taliban có thể là một đối tác chống khủng bố đáng tin cậy.”

Trong cuộc họp, các quan chức Mỹ đã dự kiến sẽ gây sức ép để Taliban cho phép người Mỹ và những người khác rời khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, trong thông báo của mình, Taliban tuyên bố nhưng không nêu rõ chi tiết về việc sẽ “tạo điều kiện cho việc di chuyển có nguyên tắc của các công dân nước ngoài.”

Gia Huy (Theo AP)

Xem thêm: