Hãng thông tấn Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tân Hoa Xã đã đăng ký làm “Đại diện nước ngoài” theo luật pháp Hoa Kỳ, hơn hai năm sau khi Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) ra lệnh đăng ký.

tan hoa
Màn hình quảng cáo khổng lồ của Tân Hoa Xã tại Quảng trường Thời đại, Mỹ. (Ảnh: Anton_Ivanov/ Shutterstock)

Theo dữ liệu của phòng cơ quan đối ngoại Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, chi nhánh Tân Hoa Xã tại Hoa Kỳ đã nộp hồ sơ đăng ký theo Đạo luật Đăng ký Đại lý Nước ngoài”(FARA) hôm thứ Tư tuần trước (ngày 5/5), trở thành tổ chức truyền thông nhà nước thứ ba của Trung Quốc đăng ký làm đại diện nước ngoài, sau CGTN – chi nhánh Hoa Kỳ của Đài Truyền hình Trung ương (CCTV) và China Daily – một tờ báo tiếng Anh dưới sự giám sát của bộ phận tuyên truyền của ĐCSTQ.

Vào tháng 9/2018, tờ Wall Street Journal đưa tin, các quan chức Hoa Kỳ đang đẩy mạnh nỗ lực chống lại các ảnh hưởng của nước ngoài và củng cố lập trường của họ về các chính sách của ĐCSTQ. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã ra lệnh cho hai tổ chức truyền thông lớn của ĐCSTQ là Tân Hoa Xã và CGTN, đăng ký làm đại lý nước ngoài. Sau đó, CGTN đã hoàn thành đăng ký vào tháng 2/2019, còn Tân Hoa Xã trì hoãn việc đăng ký đến ngày 5/5/2021.

Các tài liệu của FARA cho thấy từ tháng 3/2020 đến tháng 4/2021, trụ sở chính tại Bắc Kinh của Tân Hoa Xã đã trả hơn 8,6 triệu USD chi phí hoạt động cho chi nhánh Bắc Mỹ của họ. Chi nhánh này có 8 văn phòng tại New York, Washington, Chicago, Los Angeles, Houston và San Francisco.

Kể từ năm 2011, Tân Hoa Xã đã thuê một màn hình lớn ở Quảng trường Thời đại New York để phát quảng cáo, được gọi là “màn hình Trung Quốc”. Vào tháng Hai năm nay, màn hình đã phát quảng cáo kêu gọi đoàn kết trong cuộc chiến chống lại đại dịch, đồng thời thúc đẩy những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) trong việc chống lại virus Trung Cộng (còn gọi là viêm phổi Vũ Hán, Covid-19) trên quy mô toàn cầu. Nhưng cùng lúc đó, ĐCSTQ đang bị nhiều quốc gia chỉ trích là thiếu minh bạch, bao gồm việc từ chối cung cấp dữ liệu quan trọng cho đoàn chuyên gia của WHO đến Vũ Hán để điều tra nguồn gốc của virus.

Hồ sơ FARA do Tân Hoa Xã đệ trình không có thông tin về các chi phí liên quan đến thuê biển quảng cáo, nhưng cho biết, họ đã trả hơn 130.000 USD cho “phí truyền bá thông tin” (communication fees) “không xác định” trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 5/2021. Tài liệu không cho biết những khoản phí này được trả cho ai.

Trong những năm gần đây, vấn đề liệu các hoạt động truyền thông của ĐCSTQ tại Hoa Kỳ có tuân thủ “Đạo luật Đăng ký Đại diện Nước ngoài” hay không đã làm dấy lên mối quan tâm của các thành viên Quốc hội Hoa Kỳ. Trước khi các nhà lập pháp yêu cầu Bộ Tư pháp điều tra, Tân Hoa Xã đã không gửi đơn hoặc tiết lộ mối quan hệ giữa truyền thông và ĐCSTQ cho Chính phủ Hoa Kỳ.

Dân biểu Đảng Cộng hòa Liên bang Jim Banks cho biết trong một bức thư gửi tới Bộ trưởng Tư pháp William Barr vào tháng 1/2020 rằng kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ Tân Hoa Xã vẫn chưa tuân thủ Đạo luật Đăng ký Đại diện Nước ngoài, “vấn đề này là rất đáng lo ngại”, và nói thêm rằng “Tân Hoa Xã và ĐCSTQ có mối quan hệ sâu sắc và lâu dài.”

Ngay từ năm 2017, Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung của Quốc hội Hoa Kỳ đã chỉ ra trong một báo cáo, rằng Tân Hoa Xã “không chỉ tham gia vào công tác tuyên truyền mà còn thu thập thông tin về các sự kiện trong nước và quốc tế, cũng như viết các báo cáo mật  cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đóng một phần chức năng của các cơ quan tình báo.”

Cựu phóng viên Tân Hoa Xã người Canada, ông Mark Bourrie cho biết, trong thời gian từ năm 2010 đến 2012, ông đã được cơ quan này yêu cầu thu thập thông tin tình báo về những người chỉ trích chế độ ở nước ngoài. Một lần, ông được yêu cầu chuẩn bị hồ sơ của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại một cuộc họp báo ở Ottawa, và cũng được yêu cầu tìm hiểu những gì Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thảo luận trong cuộc gặp riêng với Thủ tướng Canada Stephen Harper.

Khi ông Bourrie hỏi trưởng phòng liệu những tài liệu này có được sử dụng để báo cáo tin tức hay không, vị trưởng phòng trả lời là không.

Ông Bourrienói với tờ Epoch Times: “Khi họ đến dự một hội nghị hai ngày về Tây Tạng, họ đã chụp ảnh và sao chép mọi thứ. Đó sẽ không phải là một ấn phẩm đặc biệt mà là thuộc về tình báo Trung Quốc.”

Tân Hoa Xã Bắc Mỹ vẫn chưa trả lời yêu cầu bình luận từ tờ Epoch Times, còn Bộ Tư pháp Hoa Kỳ thì từ chối bình luận.

Hoa Kỳ đã thông qua “Đạo luật Đăng ký Đại lý Nước ngoài” (FARA) vào năm 1938, yêu cầu bất kỳ thực thể nào tham gia vào hoạt động vận động hành lang hoặc quan hệ công chúng cho các tổ chức nước ngoài phải đăng ký với Bộ Tư pháp và gửi các bản cập nhật thường xuyên. Mặc dù việc đăng ký không ảnh hưởng đến nội dung biên tập của các kênh truyền thông, nhưng yêu cầu tổ chức đã đăng ký phải tiết lộ ngân sách và chi tiêu hàng năm của mình.

Cathy He, Epoch Times

Xem thêm: