Tối cao Pháp viện (TCPV) Hoa Kỳ hôm thứ Sáu (24/6) đã bỏ phiếu 6-3 chính thức bãi bỏ án lệ Roe v. Wade. Án lệ năm 1973 có ảnh hưởng sâu rộng này đã hủy đi hàng loạt các luật liên bang và tiểu bang về hạn chế phá thai và đã hợp pháp hóa phá thai trên toàn nước Mỹ trong 49 năm qua.

Embed from Getty Images

Phán quyết dày 116 trang của TCPV ban hành hôm 24/6 cũng đã đảo ngược một án lệ song hành khác năm 1992, được biết đến là vụ án Planned Parenthood v. Casey. Án lệ này đã cho rằng các tiểu bang không thể áp đặt các hạn chế đáng kể về phá thai trước khi thai nhi có khả năng sinh tồn nếu ra ngoài bụng mẹ.

Phán quyết trong vụ án Planned Parenthood v. Casey đã không nêu cụ thể về thời gian mà bào thai có khả năng sinh tồn bên ngoài bụng mẹ, nhưng nó cho rằng đó là vào khoảng thai tuần thứ 24.

TCPV đưa ra phán quyết hôm 24/6 cho vụ án Dobbs v. Jackson Women’s Health Organization (Dobbs v. Tổ chức Sức khỏe Phụ nữ Jackson), số hiệu vụ án trong hồ sơ tòa án là: 19-1392.

Trong vụ án này, phòng khám phá thai được cấp phép duy nhất tại tiểu bang Mississippi đã phản đối Đạo luật Tuổi thai kỳ của tiểu bang, trong đó chỉ cho phép phá thai sau tuần thai thứ 15 đối với các trường hợp y tế khẩn cấp hoặc thai nhi có dấu hiệu bất thường nghiêm trọng. Các tòa án cấp dưới đã viện dẫn án lệ Roe v. Wade để tuyên bố rằng luật nêu trên của tiểu bang Mississippi là vi hiến.

Thẩm phán TCPV Samuel Alito đã viết ý kiến đa số trong phán quyết hôm 24/6. 5 thẩm phán TCPV có quan điểm bảo hiến khác cũng đã đồng tình với phán quyết của tòa.

Chánh án TCPV John Roberts đã đồng thuận với phán quyết của tòa nhưng ông đã đệ trình một bản ý kiến riêng. Thẩm phán TCPV Stephen Breyer viết một bản bất đồng ý kiến và có sự tham gia của hai thẩm phán TCPV khác có quan điểm cấp tiến.

Thẩm phán Alito đã giải thích trong bản ý kiến về lý do tại sao đa số thẩm phán TCPV tin Roe v. Wade đã bị quyết định sai từ 49 năm trước.

Phá thai là một vấn đề đạo đức có ảnh hưởng sâu xa, trong đó người Mỹ đã có những quan điểm rất xung đột nhau”, Thẩm phán Alito viết.

Một số tin tưởng nhiệt thành rằng một con người được hình thành từ lúc thụ thai và rằng phá thai là kết thúc một sinh mệnh vô tội. Những người khác cảm thấy mạnh mẽ rằng tất cả các quy định về hạn chế phá thai là xâm phạm quyền được kiểm soát cơ thể của chính mình của phụ nữ và các quy định đó ngăn cản phụ nữ đạt được sự bình đẳng đầy đủ”, ông Alito viết tiếp.

Vẫn có những người khác trong nhóm thứ ba nghĩ rằng phá thai nên được phép trong một số trường hợp nhưng không phải là tất cả các trường hợp, và những người trong nhóm này giữ nhiều quan điểm về việc những hạn chế đặc biệt nên được áp đặt”, Thẩm phán Alito viết.

Trong suốt 185 năm đầu tiên sau khi Hiến pháp Hoa Kỳ được ban hành, “mỗi tiểu bang được phép giải quyết vấn đề [phá thai] phù hợp với quan điểm của người dân trong tiểu bang của họ”, nhưng sau đó Tối cao Pháp viện 1973 đã đưa ra phán quyết Roe v. Wade. Bất chấp thực tế rằng Hiến pháp không đề cập đến phá thai, nhưng TCPV khi đó đã kết luận rằng “[Hiến pháp] mang đến cho người dân quyền rộng lớn để [phá thai]”.

Thẩm phán Alito nhấn mạnh rằng một học giả hiến pháp nổi tiếng, ông John Hart Ely đã viết rằng theo quan điểm của ông, phán quyết Roe v. Wade là “không hợp hiến” chút nào.

Trong bản bất đồng ý kiến, Thẩm phán TCPV Byron White viết rằng Roe v. Wade “đại diện cho ‘hành xử quyền lực tư pháp hiển nhiên’ và nó đã làm bùng nổ tranh luận trên toàn quốc mà đã làm gay gắt văn hóa chính trị của đất nước ta trong nửa thế kỷ”.

Trong bản bất đồng ý kiến, Thẩm phán TCPV Stephen Breyer đã lên án quan điểm của đa số. “[Quan điểm đa số] nói rằng từ thời khắc thụ thai, một người phụ nữ không có quyền gì đáng kể. Một tiểu bang có thể ép cô ta mang thai đến khi sinh, ngay cả khi việc đó có chi phí cá nhân và gia đình cực kỳ cao”, Thẩm phán Stephen Breyer viết.

Xuân Thành