Sau làn sóng phản đối và trừng phạt từ cộng đồng quốc tế đối với Nga vì xâm lược Ukraine, có phân tích chỉ ra dường như chính sách thân Nga của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có biểu hiện lung lay.

Embed from Getty Images

Ngày thứ hai của Diễn đàn Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ hai ở Bắc Kinh (26/4/2019), Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay nhau tại lễ tốt nghiệp của Đại học Thanh Hoa tổ chức ở Cung Hữu nghị – Bắc Kinh – Trung Quốc (Nguồn: Getty).

Hôm 8/4, Nhân dân Nhật báo đã đăng một bài bình luận có tiêu đề “Không ngừng tạo ra cục diện mới trong ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc”. Bài viết tóm tắt cái gọi là “thành tựu” của ông Tập Cận Bình trong chính sách đối ngoại, và ca ngợi đề xuất tiên phong của ông nhằm thúc đẩy kiểu quan hệ quốc tế mới trên cơ sở “tôn trọng lẫn nhau, công bằng chính nghĩa và hợp tác cùng có lợi”, trả lời cho Trung Quốc về “quan hệ quốc tế đang đi về đâu” bằng con đường ngoại giao mới: “Đối thoại chứ không đối đầu, đối tác chứ không liên minh”.

Kể từ ngày 24/2 khi Nga xâm lược Ukraine, hơn 30 nước trên thế giới, dẫn đầu là Mỹ và Liên minh châu Âu, đã công bố các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Các biện pháp trừng phạt bao gồm loại các ngân hàng lớn của Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga, đưa các công ty Nga vào danh sách đen; hạn chế dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, quặng niken, ngũ cốc… của Nga

Cộng đồng quốc tế thậm chí còn lên án ĐCSTQ cung cấp hỗ trợ quân sự và tài chính cho Nga. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trước đó đã chỉ ra rằng ông Tập Cận Bình đã cho ông Putin can đảm để hành động, và rằng Trung Quốc đã giúp Nga về mặt chính trị, bao gồm cả việc truyền bá những lời nói dối trắng trợn và tin tức sai sự thật.

Nhưng ĐCSTQ ủng hộ Nga đã không thể giúp được Nga tránh thất bại thảm hại, vì thế vấn đề chính sách đối ngoại liên quan của ĐCSTQ tại Đại hội 20 trong mùa thu năm nay đang được cộng đồng quốc tế chú ý hơn hết.

Ngày 8/4, học giả độc lập Ngô Tác Lai (Wu Zuolai) nói với tờ Deutsche Welle (Đức) rằng bài bình luận của Nhân dân Nhật báo biện minh cho thái độ của Bắc Kinh. Ông nhận định: “Một nước đã xâm lược nước khác, vi phạm nhân quyền và gây thương vong đối với hàng chục ngàn người, vấn đề phải trái rõ ràng như vậy đã được ngụy biện bằng ngôn ngữ ngoại giao cẩu thả như ‘đối thoại chứ không đối đầu’, để che đậy đạo nghĩa và nguyên tắc cần có, cùng sự kiên trì của bản thân trong cộng đồng quốc tế. Còn cái gọi là ‘không kết liên minh’ của ĐCSTQ cũng là lời dối trá. ĐCSTQ đã hỗ trợ Nga về nhiều mặt trong cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine. Những phát biểu ngoại giao của ĐCSTQ đều là lừa dối cộng đồng quốc tế, nói một đằng làm một nẻo”.

Khi sự tức giận của quốc tế về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine bùng lên, lập trường thân Nga của ĐCSTQ đã liên tục bị quốc tế chỉ trích.

Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung – Nga gần đây đã chuyển từ “Hợp tác chiến lược không có giới hạn” hạ xuống “Đối thoại chứ không phải đối đầu, đối tác chứ không liên minh”, cho thấy chính sách đối ngoại thân Nga của Tập Cận Bình đã bị thách thức trong ĐCSTQ.

Cùng quan điểm, trong một bài báo vào ngày 6/4 của Nikkei (Nhật Bản), chuyên gia Katsuji Nakazawa cho biết các chính trị gia Trung Quốc nói rằng sẽ là một kịch bản ác mộng đối với ông Tập Cận Bình nếu cuộc xâm lược Ukraine của ông Putin thất bại, qua đó nhấn mạnh những lãnh đạo độc tài khi nắm quyền quá lâu sẽ thường đưa ra quyết định sai lầm.

Ông Tập dự kiến ​​sẽ phá bỏ quy tắc lãnh đạo cao nhất chỉ 2 nhiệm kỳ của ĐCSTQ, bằng cách tiếp tục tại vị nhiệm kỳ thứ ba trong Đại hội 20 vào mùa thu năm nay. Chuyên gia Katsuji cho rằng viễn cảnh nêu trên sẽ là cú đánh mạnh vào tham vọng của ông Tập trước thềm Đại hội 20 ĐCSTQ: “Một kịch bản ác mộng đối với ông Tập là việc ông Putin (xâm lược Ukraine) thất bại và lan truyền ấn tượng rằng một nhà lãnh đạo độc tài nắm quyền quá lâu có xu hướng đưa ra quyết định tồi vào những thời điểm quan trọng”.

Cũng có phân tích chỉ ra, cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine đã khiến năm nay là năm quan trọng nhất trong việc xác định ý nghĩa và vị thế chính trị của ông Tập Cận Bình. Bởi vì trước đó, nhiều vấn đề như chính sách ‘Zero COVID’ ảnh hưởng kinh tế Trung Quốc và việc thanh trừng loại bỏ các phe phái có thể chống lại ông Tập đã tích tụ, bây giờ thêm một thất bại có thể dẫn đến xu thế chống đối ông Tập trong ĐCSTQ trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.