Vào ngày 9/3 vừa qua, một thẩm phán đã bác đơn kiện bôi nhọ chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump đối với tờ The New York Times liên quan đến bài báo được đăng tải vào năm 2019 có tựa đề: “The Real Trump-Russia Quid Pro Quo (tạm dịch: Mối quan hệ đôi bên cùng có lợi giữa Trump và Nga).”

Donald Trump
Ông Donald Trump. (Ảnh: Gage Skidmore/Wikimedia)

Cụ thể, thẩm phán New York James d’Auguste đã đồng ý bác vụ kiện chống lại NY Times vào ngày 9/3, trong đó yêu cầu tờ báo này phải bồi thường hàng triệu USD.

Max Frankel, cựu tổng biên tập của NY Times, đã cáo buộc trong một bài báo rằng ông Donald Trump đã có “một thỏa thuận bao quát” với “chính thể đầu sỏ của [Tổng thống Nga] Vladimir Putin” trong cuộc bầu cử diễn ra vào năm 2016.

Bài báo dường như là một phần nằm trong chiến dịch được giới truyền thông không ngừng dẫn dắt nhằm cáo buộc mối quan hệ giữa ông Trump với ông Putin. Tuy nhiên, vào năm 2019, cố vấn đặc biệt lúc đó là Robert Mueller nhận thấy rằng chiến dịch tranh cử của ông Trump đã không hợp tác với Moscow sau một cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng.

D’Auguste, đảng viên Dân chủ, đã đưa ra ba lý do để bác đơn kiện. Đầu tiên, ông nói rằng ý kiến được nêu ra trong bài báo là “​​không thể kiện được,” đồng thời lưu ý về “bối cảnh tổng thể mà bài báo được xuất bản, trong phần ý kiến ​​của tờ báo.”

Thứ hai, “các tuyên bố bị phản đối không phải liên quan đến nguyên đơn, đây là một yếu tố cần thiết cho một hành động phỉ báng,” ông viết.

Khi giải thích chi tiết, thẩm phán cho biết bài báo của Frankel có nội dung liên quan đến các thành viên trong gia đình và cộng sự của ông Trump, chứ không dính líu đến bản thân chiến dịch.

“Thứ ba, ngay cả khi bài bình luận của ông Frankel có thể bị kiện nếu nó được xem như những khẳng định thực tế, và ngay cả khi những khẳng định đó có liên quan chiến dịch tranh cử của ông Trump, thì đơn khiếu nại cũng không thể viện dẫn đủ các thông tin để xác thực rằng tờ Times đã đăng những tuyên bố ác ý thực sự,” trích nội dung phán quyết của ông D’Auguste.

Tuy nhiên, thẩm phán cũng bác “đơn xin áp dụng các biện pháp trừng phạt” của NY Times.

Trước đây, chiến dịch tranh cử của ông Trump đã đệ đơn kiện CNN và The Washington Post về những câu chuyện thông đồng tương tự với Nga. Vụ kiện chống lại CNN đã bị bác vào năm 2020.

Tờ The Epoch Times đã liên hệ với nhóm của ông Trump để đưa ra bình luận về sự việc này.

Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Trump nhiều lần chỉ trích một cách gay gắt các câu chuyện cáo buộc ông thông đồng với Nga, và thường xuyên ví đây là “cuộc săn phù thủy” chính trị lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ John Ratcliffe nói trong tuần này rằng cựu Luật sư Mỹ John Durham, người đang dẫn đầu cuộc điều tra về nguồn gốc của cuộc điều tra mối quan hệ giữa ông Trump và Nga trong phạm vi quyền hạn của Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Bộ Tư pháp Mỹ, đồng ý rằng không có thông tin tình báo nào cho thấy ông Trump hoặc chiến dịch của ông thông đồng với Điện Kremlin.

“Mùa hè năm 2020, chúng tôi đã xem xét thông tin tình báo, và tất cả chúng tôi nhất trí rằng không có thông tin tình báo nào từ cộng đồng tình báo phản ánh sự thông đồng trên thực tế giữa Nga với chiến dịch của ông Trump, nhưng có thông tin tình báo rằng nó được tạo ra bởi chiến dịch của bà Hillary Clinton, và rằng không có thông tin xác thực nào về sự bắt đầu của cái gọi là chiến dịch Crossfire Hurricane,” Ratcliffe, người được ông Trump bổ nhiệm, cho biết trong một lần xuất hiện trên chương trình “Sunday Morning Futures” của kênh Fox News.

Theo The Epoch Times,

Phan Anh

Xem thêm: