Ngày 31/3, Thủ tướng Fumio Kishida cho hay, Nhật Bản sẽ không rút khỏi dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) Sakhalin-2 ở Nga bất chấp sự rút lui của các công ty khác do Nga xâm lược Ukraine.

Embed from Getty Images

Tờ Kyodo News trích lời ông Kishida trong một cuộc họp quốc hội: “Đây là một dự án cực kỳ quan trọng về mặt an ninh năng lượng vì đã góp phần tạo ra nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng giá rẻ ổn định và lâu dài.”

Ông Kishida nói thêm, Nhật Bản sẽ tăng cường nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga thông qua việc phối hợp với kế hoạch của Nhóm G7.

Nga hiện là nhà cung cấp LNG lớn thứ năm của Nhật Bản, chiếm khoảng 8% lượng tiêu thụ của cả nước. Dự án dầu khí Sakhalin-2 ở vùng Viễn Đông của Nga là một trong những nguồn cung cấp LNG chính của Nhật Bản, với công suất hàng năm lên đến 9,6 triệu tấn.

Hai hãng Mitsui và Mitsubishi của Nhật Bản, mỗi bên nắm giữ 12,5 và 10,5% cổ phần trong dự án Sakhalin-2, trong khi Gazprom PJSC của nhà nước Nga sở hữu 50%. Shell, công ty nắm giữ 27,5% cổ phần đã rút khỏi dự án để đáp trả cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Công ty ExxonMobil có trụ sở tại Hoa Kỳ cũng đã rút khỏi dự án dầu khí Sakhalin-1 ở Nga, theo sau hai công ty phương Tây là BP và Equinor.

Ngày 31/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh yêu cầu các công ty ngoại quốc từ “các quốc gia không thân thiện”, như Nhật Bản và Hoa Kỳ, phải thanh toán bằng đồng rúp cho khí đốt của Nga bắt đầu từ ngày 1/4 hòng trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên họ.

Ông Putin tuyên bố, người mua cần phải mở tài khoản đồng rúp tại các ngân hàng của Nga để chuyển khoản thanh toán, và hợp đồng sẽ bị chấm dứt nếu họ không tiến hành thanh toán. Trong khi đó, các quốc gia G7 khẳng định, điều này là “sự vi phạm rõ ràng các thỏa thuận hiện có”.

Theo Nikkei Asia, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Koichi Hagiuda cho biết hôm 1/4, chính phủ sẽ theo dõi tình hình chặt chẽ, mặc dù ông tin rằng sắc lệnh sẽ không ảnh hưởng ngay lập tức đến Nhật Bản.

Nhật Bản đã gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và tổ chức của Nga vì cuộc chiến ở Ukraine, đồng thời hạn chế xuất khẩu một số hàng hóa sang Nga và cấm các ngân hàng Nga tham gia vào mạng lưới liên ngân hàng toàn cầu SWIFT.

Bộ trưởng Ngoại giao Hayashi Yoshimasa lưu ý tại cuộc họp G7 hôm 23/3, Nhật Bản đang “xem xét các biện pháp khả thi” để thực hiện việc thu hồi quyền tối huệ quốc của Nga, điều này sẽ dẫn đến việc đánh thuế hàng hóa Nga cao hơn.

Đáp lại, Nga đã đưa Nhật Bản vào danh sách “các quốc gia không thân thiện” và đình chỉ các cuộc đàm phán hiệp ước hòa bình với Nhật Bản để trả đũa các lệnh trừng phạt của Tokyo áp đặt lên Nga.

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)