Ngày 2/5, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, ông dự định thăm Hàn Quốc vào tuần tới để hội đàm với Tổng thống Yoon Suk-yeol, khi hai đồng minh của Mỹ đang thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn.

Embed from Getty Images

Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên tới Hàn Quốc của một thủ tướng Nhật Bản kể từ năm 2018, diễn ra sau khi hai nhà lãnh đạo Kishida và Yoon đồng ý chấm dứt các biện pháp kiềm chế thương mại “ăn miếng trả miếng” tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 3 ở Tokyo.

Seoul và Tokyo đã tranh chấp gay gắt trong nhiều năm về việc Nhật Bản sử dụng lao động cưỡng bức trong Thế chiến II.

Tuy nhiên ông Yoon rất muốn chấm dứt tranh chấp và thành lập một mặt trận thống nhất nhằm ứng phó với những thách thức trong khu vực, bao gồm cả Triều Tiên.

“Chúng tôi đang lên lịch cho chuyến thăm (của tôi) tới Hàn Quốc vào ngày 7 và 8/5, nếu hoàn cảnh cho phép,” ông Kishida nói tại Ghana, chặng thứ hai của chuyến công du tới bốn quốc gia châu Phi và Singapore.

Ông nhấn mạnh với các phóng viên, chuyến thăm, trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, là “cơ hội tốt để trao đổi ý kiến ​​thẳng thắn về việc thúc đẩy mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, trong bối cảnh tình hình quốc tế đang thay đổi nhanh chóng”.

Về phía ông Kishida, ông hy vọng chuyến đi sẽ “tạo động lực cho ‘ngoại giao con thoi'” giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hồi tháng 3, các nhà lãnh đạo đã cam kết sẽ bắt đầu lại các chuyến thăm thường xuyên giữa hai quốc gia, một thông lệ đã bị đình chỉ trong hơn một thập kỷ. Ông Kishida đã mời ông Yoon tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 vào ngày 19 – 21/5.

Quan hệ Nhật-Hàn đã xuống cấp nghiêm trọng dưới thời cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, sau khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc năm 2018 ra lệnh cho các công ty Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời chiến.

Căng thẳng trong quan hệ hai nước đã dần hạ nhiệt khi Hàn Quốc đề xuất giải pháp cho vấn đề này vào đầu tháng 3.

Trong những nỗ lực hơn nữa để cải thiện mối quan hệ, tuần trước, Bộ Thương mại Nhật Bản tuyên bố, họ đã bắt đầu quá trình đưa Hàn Quốc trở lại “danh sách trắng” gồm các đối tác thương mại đáng tin cậy, sau khi đã hạ cấp vào năm 2019.

Nhật Minh (Theo AFP)