Một nhà lập pháp Hoa Kỳ, cũng là thành viên của các ủy ban Thương mại và Dịch vụ vũ trang ở Thượng viện đã đến Đài Loan hôm 25/8. Đây là chuyến thăm thứ ba trong tháng này của quan chức Hoa Kỳ tới Đài Loan, bất chấp áp lực từ Bắc Kinh yêu cầu hủy bỏ lịch trình.

Embed from Getty Images

Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn đã đến thủ đô Đài Bắc của Đài Loan trên một chiếc máy bay quân sự Mỹ, theo đoạn phim trực tiếp từ Sân bay Tùng Sơn (Songshan) ở trung tâm thành phố. Bà được ông Douglas Hsu, Tổng giám đốc Bộ Ngoại giao Đài Loan, ra đón trên đường băng sân bay, văn phòng của bà Blackburn cho hay.

“Đài Loan là đối tác mạnh nhất của chúng tôi ở Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Các chuyến thăm cấp cao thường xuyên tới Đài Bắc là chính sách lâu đời của Hoa Kỳ,” bà Blackburn tuyên bố. “Tôi sẽ không bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt nạt để mà quay lưng lại với hòn đảo này.”

ĐCSTQ vẫn luôn tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của riêng mình, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của chính phủ dân cử dân chủ ở Đài Bắc. Đầu tháng 8, Bắc Kinh đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự gần hòn đảo sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan.

Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết, bà Blackburn sẽ gặp Tổng thống Thái Anh Văn trong chuyến công du kết thúc vào ngày 27/8 của mình, cũng như quan chức an ninh hàng đầu Wellington Koo và Bộ trưởng Ngoại giao Ngô Chiêu Nhiếp (Joseph Wu).

“Hai bên sẽ trao đổi quan điểm sâu rộng về các vấn đề như an ninh Đài Loan-Hoa Kỳ, cũng như quan hệ kinh tế và thương mại,” Bộ này nêu rõ trong một tuyên bố ngắn gọn.

Văn phòng tổng thống Đài Loan thông báo, bài Thái sẽ gặp thượng nghị sĩ Blackburn trong ngày 26/8.

Phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu) tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ thực hiện “các biện pháp đối phó kiên quyết” để đáp lại điều mà ông gọi là “các hành động khiêu khích” của Hoa Kỳ.

Thượng nghị sĩ Blackburn trước đó đã lên tiếng ủng hộ chuyến thăm của bà Pelosi.

“Chúng ta phải đứng về phía Đài Loan, và tôi hoan nghênh bà Pelosi đã không lùi bước trước ông Biden hoặc ĐCSTQ,” TNS Blackburn viết trong một bài đăng trên Twitter vào thời điểm đó.

Chuyến thăm của bà Pelosi đã khiến Trung Quốc tức giận và đáp trả bằng các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo lần đầu tiên qua Đài Bắc, đồng thời cắt đứt một số đường dây đối thoại với Washington.

Khoảng một tuần sau chuyến đi của bà Pelosi là chuyến thăm của nhóm năm nhà lập pháp khác của Hoa Kỳ. Quân đội Trung Quốc đã đáp trả bằng cách thực hiện nhiều cuộc tập trận hơn gần Đài Loan.

Chính quyền Biden không muốn đẩy căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh sau các chuyến thăm bùng phát thành xung đột, nhấn mạnh rằng các chuyến đi quốc hội như vậy là thường lệ.

“Các thành viên Quốc hội và các quan chức đã đến Đài Loan trong nhiều thập kỷ và sẽ tiếp tục làm như vậy, và điều này phù hợp với chính sách Một Trung Quốc lâu đời của chúng tôi,” phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho biết khi trả lời câu hỏi về chuyến thăm của bà Blackburn.

Hoa Kỳ không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng vẫn cung cấp cho hòn đảo này các phương tiện tự vệ thông qua Đạo luật Quan hệ Đài Loan.

ĐCSTQ chưa bao giờ loại trừ việc sử dụng vũ lực để đưa Đài Loan vào tầm kiểm soát của mình.

Về phía Đài Loan, Chính phủ tuyên bố, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa bao giờ cai trị hòn đảo này và vì vậy không có quyền tuyên bố chủ quyền tại đây, và rằng chỉ 23 triệu dân của Đài Loan mới có thể quyết định tương lai của họ.

Minh Ngọc (Theo Reuters)