Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ron Johnson (tiểu bang Wisconsin) nhận định, nỗ lực thách thức kết quả bỏ phiếu Đại cử tri từ một số tiểu bang quan trọng vào ngày 6/1 tới của các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa chính là một biện pháp nhằm để khôi phục lòng tin về quá trình bầu cử.

Embed from Getty Images

Vài ngày trước, một nhóm gồm 11 thượng nghị sĩ Cộng hòa do Thượng nghị sĩ Ted Cruz (tiểu bang Texas) dẫn đầu cho biết, họ sẽ phản đối kết quả bỏ phiếu đại cử tri trừ khi một cuộc kiểm tra lưỡng đảng khẩn cấp được tiến hành trước các cáo buộc gian lận bầu cử. Trước đó, Thượng nghị sĩ Josh Hawley (tiểu bang Missouri) thông báo rằng ông sẽ trở thành thượng nghị sĩ đầu tiên tham gia nỗ lực của các thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện do dân biểu Mo Brooks khởi xướng.

“Chúng tôi không phải là cố cản trở tiến trình dân chủ, chúng tôi đang hành động để bảo vệ điều đó,” ông Johnson nói với NBC News hôm 3/1.

Trước đây, các nhà lập pháp Dân chủ đã từng tham gia vào những thách thức tương tự khi cả hai viện của Quốc hội họp để kiểm phiếu Đại cử tri, đáng chú ý nhất là trường hợp của cựu Thượng nghị sĩ Dân chủ California Barbara Boxer và dân biểu Dân chủ Stephanie Tubbs, tuy nhiên cuối cùng họ vẫn thất bại khi ông George W. Bush chiến thắng ứng viên Đảng Dân chủ là ông John Kerry vào tháng 1/2005.

Ông Johnson, người đứng đầu Ủy ban An ninh Nội địa của Thượng viện, cho biết ông muốn “ủy ban lưỡng đảng sắp xếp tất cả các cáo buộc … thừa nhận những vấn đề vẫn chưa được giải thích để chúng tôi có thể khôi phục niềm tin vào hệ thống bầu cử.”

“Chừng nào vẫn còn có ai đó sẽ phản đối điều này, hãy đề xuất một giải pháp minh bạch, điều tra và có một ủy ban tiến hành,” ông nói thêm.

Một số thành viên Đảng Cộng hòa ở Thượng viện đã cam kết không tham gia thách thức cuộc bầu cử của Đại cử tri đoàn, bao gồm Thượng nghị sĩ Mitt Romney (tiểu bang Utah), Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski (tiểu bang Alaska) và Thượng nghị sĩ Pat Toomey (tiểu bang Pennsylvania). Ngày 3/1, Thượng nghị sĩ Tom Cotton (tiểu bang Arkansas) cho biết ông cũng sẽ không tham gia nỗ lực này.

Ông Tom Cotton nói rằng, mặc dù ông chia sẻ những quan ngại về các bất thường bầu cử trong cuộc tổng tuyển cử 2020, nhưng ông tin rằng Quốc hội sẽ vượt quá quyền hạn nếu cơ quan lập pháp này cố gắng đảo ngược các kết quả Cử tri đoàn và điều đó đặt ra những tiền lệ “không khôn ngoan”.

Ông nhấn mạnh: “Các Nhà lập quốc đã trao cuộc bầu cử của chúng ta chủ yếu cho các tiểu bang – chứ không phải là Quốc hội. Họ trao việc bầu cử tổng thống của chúng ta cho người dân, hành động thông qua Cử tri đoàn – chứ không phải là Quốc hội. Và họ trao việc phân xử các tranh chấp bầu cử cho tòa án – chứ Không phải Quốc hội.”

Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell (tiểu bang Kentucky) và Lãnh đạo Đa số Thượng viện John Thune (tiểu bang South Dakota) đã cảnh báo các đồng nghiệp Đảng Cộng hòa về thách thức bầu cử, nói rằng điều đó là có vấn đề về mặt chính trị.

Trong khi đó, ít nhất 40 dân biểu Cộng hòa tại Hạ viện và 11 thượng nghị sĩ Cộng hòa tại Thượng viện xác nhận họ sẽ tham gia vào thách thức kết quả bỏ phiếu Đại cử tri đoàn. 

Dân biểu Adam Kinzinger (tiểu bang Illinois) thậm chí còn nhận định rằng có tới hơn 100 dân biểu Đảng Cộng hòa tại Hạ viện sẽ tham gia vào nỗ lực này, trong khi một nguồn tin ẩn danh đưa ra con số đó là hơn 140.

Các nhà lập pháp ủng hộ thách thức phiếu Cử tri đoàn nói rằng hành động đó là trách nhiệm của Quốc hội nhằm khôi phục niềm tin của công chúng vào các tiến trình dân chủ.

Vào phiên họp hỗn hợp của Quốc hội ngày 6/1, các phản đối sẽ có hiệu lực khi có ít nhất một dân biểu và một thượng nghị sĩ ký tên vào kiến nghị phản đối phiếu Cử tri đoàn bằng văn bản. Nếu điều kiện đó được đáp ứng, phiên họp hỗn hợp sẽ tạm dừng và mỗi viện sẽ tách ra họp riêng để thảo luận trong ít nhất hai giờ. Sau khi thảo luận, mỗi viện sẽ bỏ phiếu với quy tắc đa số tối thiểu để đồng ý hoặc bác bỏ kiến nghị phản đối phiếu Cử tri đoàn.

Minh Ngọc (T/h)

Xem thêm: