Thượng viện Mỹ hôm thứ Năm (8/10, giờ địa phương) đã bỏ phiếu thông qua dự luật để tạm thời tăng hạn mức nợ chính phủ lên 28,4 nghìn tỷ USD và tránh rủi ro rơi vào tình trạng vỡ nợ lịch sử trong tháng này. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời và các nhà lập pháp hai đảng sẽ phải tiếp tục đàm phán để đạt được giải pháp tăng hạn mức nợ dài hạn trước đầu tháng Mười Hai.

A1 2
Tòa nhà Quốc hội Mỹ (Ảnh: Li Chen / Epoch Times)

Theo Reuters, Thượng viện đã bỏ phiếu thông qua dự luật tạm thời tăng hạn mức nợ với 50 phiếu tán thành, 48 phiếu phản đối. Trước đó, 11 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã tham gia cùng toàn bộ Đảng Dân chủ để bỏ phiếu ủng hộ một cuộc bỏ phiếu thủ tục chỉ yêu cầu đa số tối thiểu nhằm cho phép phê duyệt nhanh dự luật này.

Dự luật vừa được Thượng viện thông qua sẽ tiếp tục được đưa tới Hạ viện và sau đó sẽ cần được Tổng thống Joe Biden ký duyệt thành luật. Lãnh đạo số hai của Đảng Dân chủ tại Hạ viện, Dân biểu Steny Hoyer nói rằng viện này sẽ tổ chức bỏ phiếu tăng tạm thời hạn mức nợ vào thứ Ba (12/9). Nhà Trắng cũng lên tiếng cho biết ông Biden sẽ ký duyệt dự luật này ngay khi nó được chuyển tới bàn tổng thống.

Dự luật sẽ nâng hạn mức nợ của chính phủ Mỹ thêm 480 tỷ USD, tới mức 28,9 nghìn tỷ USD. Chi tiêu chính phủ dự kiến sẽ vượt mức này vào ngày 3/12/2021, thời điểm mà hầu hết các chương trình chi tiêu liên bang đến hạn phải chi trả sau khi được trì hoãn bằng một giải pháp luật tạm thời khác đã được lưỡng viện phê duyệt hồi đầu tháng này.

Dự luật tạm thời tăng hạn mức nợ nêu trên được đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội Mỹ sau khi Bộ Tài chính dự đoán rằng họ sẽ không còn đáp ứng được các khoản chi tiêu công từ ngày 18/10 tới đây nếu hạn mức nợ không được tăng thêm.

Kế hoạch tăng hạn mức nợ tạm thời do Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Đảng Cộng hòa, bang Kentucky) đề xuất hôm thứ Tư (7/10). Ông McConnell đưa ra đề xuất này với lý giải là để bảo vệ quy định filibuster, trong đó yêu cầu 60 trong số 100 thượng nghị sĩ phải đồng ý để thông qua hầu hết các luật. Quy định này có nguy cơ bị Đảng Dân chủ xúc tiến xóa bỏ và mới đây Tổng thống Biden cũng đã dấy lên khả năng Thượng viện do Đảng Dân chủ kiểm soát sẽ tìm cách bỏ qua quy định filibuster để duyệt tăng hạn mức nợ công, cũng như thông qua nhiều gói chi tiêu khổng lồ khác.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nghị sĩ Đảng Cộng hòa đều hài lòng với động thái nhượng bộ của ông McConnell. Do đó, đảng này đã phải mất nhiều thời gian để đàm phán kín trước khi đảm bảo có đủ 10 nghị sĩ tham gia cùng Đảng Dân chủ bỏ phiếu hôm 7/10 nhằm xúc tiến thông qua nhanh dự luật tăng trần nợ công với yêu cầu chỉ cần quá bán số thượng nghị sĩ tán thành.

Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Đảng Cộng hòa, bang Texas) hôm 8/10 nói với báo giới rằng: “Lãnh đạo Đảng Cộng hòa đã lẩn tránh vấn đề. Tôi cho rằng đó là sai lầm”.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (Đảng Cộng hòa, bang Nam Carolina) cũng đã lên án thỏa thuận của ông McConnell với Đảng Dân chủ và gọi đó là “sự đầu hàng hoàn toàn”. Ông Graham nhấn mạnh: “Chúng ta [Đảng Cộng hòa] đã có chiến lược, nhưng chúng ta đã từ bỏ nó”.

Trong thời gian tới, Đảng Dân chủ sẽ tiếp tục xúc tiến thông qua hai gói chi tiêu khổng lồ theo đề xuất của Tổng thống Biden: gói chính sách xã hội 3,5 nghìn tỷ USD và gói cơ sở hạ tầng 1,2 nghìn tỷ USD.

Sau đó, đến cuối tháng Mười Một, Đảng Dân chủ sẽ lại phải tập trung vào vấn đề chi tiêu chính phủ và họ cần phải đàm phán với Đảng Cộng hòa để đạt được một biện pháp dài hạn hơn nhằm tăng trần nợ công, đảm bảo chi tiêu chính phủ không bị gián đoạn ít nhất đến hết năm tài khóa 2022 vào 30/9/2022.

Xuân Thành (Theo Reuters)

Xem thêm: