Thượng viện Mỹ do Đảng Dân chủ kiểm soát hôm thứ Ba (14/12, giờ Mỹ) đã bỏ phiếu duyệt tăng trần nợ công lên thêm 2,5 nghìn tỷ USD, tới mức 31,4 nghìn tỷ USD cho đến năm 2023.

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật nâng mức trần nợ công
Tòa nhà Quốc hội Mỹ. (Nguồn ảnh: Colin Dewar, Shutterstock).

Theo Reuters, cuộc bỏ phiếu vào tối 14/12 hoàn toàn là phe phái (50-49), không có thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa nào tán thành dự luật tăng trần nợ công sẽ tăng giới hạn nợ cho đến sau mốc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào 8/11 năm tới.

Dự luật này cũng cần phải được Hạ viện do Đảng Dân chủ chiếm đa số thông qua trước khi chuyển tới bàn của Tổng thống Joe Biden để được ký thành luật.

Trong vài tháng qua, hai đảng đã tranh cãi căng thẳng về vấn đề tăng trần nợ công. Tuần trước lãnh đạo hai bên đã đạt được thỏa thuận về loại bỏ thủ tục yêu cầu 60 phiếu, để Thượng viện có thể thông qua giới hạn nợ với đa số tối thiểu. Dự luật về thủ tục bỏ phiếu này đã được Thượng viện thông qua hôm 9/12 và trước đó được Hạ viện duyệt hôm 8/12. Động thái đó đã mở đường cho Đảng Dân chủ đơn phương thông qua dự luật tăng trần nợ công.

Theo The Epoch Times, trong bức thư do Thượng nghị sĩ Ron Johnson (Đảng Cộng hòa, bang Wisconsin) soạn thảo và được tất cả nghị sĩ của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện cùng ký tên, đảng này đã bảo vệ lập trường không ủng hộ tăng trần nợ công. Họ lập luận rằng với việc sử dụng tiến trình hòa giải cho phép Thượng viện thông qua một dự luật với đa số tối thiểu tán thành, Đảng Dân chủ đã công khai thừa nhận đơn phương điều hành việc này.

Trong các tuyên bố của mình về trần nợ công, Đảng Cộng hòa cũng đã nhấn mạnh đến lập luận tương tự nêu trên, khẳng định rằng họ không muốn nước Mỹ rơi vào tình huống vỡ nợ kỹ thuật. Đảng Cộng hòa cho rằng thông qua việc sử dụng tiến trình hòa giải, Đảng Dân chủ có thể đơn phương điều hành giới hạn mức nợ và tránh để chính phủ Mỹ vỡ nợ.

Xuân Thành

Xem thêm: