Gần đây, việc Mỹ nhắm mục tiêu vào ứng dụng chia sẻ video nổi tiếng TikTok đã đặt ra lo ngại đối với sự phát triển của các công ty công nghệ Trung Quốc đang tìm kiếm mở rộng thị trường toàn cầu. Người ta cũng đặt ra câu hỏi về sự ảnh hưởng của ĐCSTQ đối với các doanh  nghiệp công nghệ trong nước, cũng như vấn đề an ninh, an toàn thông tin cá nhân.

tiktok va zalo gian diep
(Ảnh: Shutterstock)

ByteDance, công ty sở hữu TikTok đã trở thành một trong những câu chuyện thành công đầu tiên trong giới công nghệ Trung Quốc ở phạm vi toàn cầu. Ứng dụng này được cho là có tới 70 triệu người dùng ở Hoa Kỳ, 200 triệu ở Ấn Độ và 10 triệu ở Nhật Bản, theo truyền thông Trung Quốc.

ByteDance hiện được xếp hạng là ‘kỳ lân’ lớn nhất thế giới được CB Insights định giá khoảng 140 tỷ USD. Mặc dù nhỏ hơn các ông lớn công nghệ Trung Quốc khác như Baidu, Alibaba Group Holding và Tencent Holdings, công ty đang nhanh chóng bắt kịp và quan trọng hơn là phụ thuộc rất ít vào thị trường nội địa.

Nhưng sự phát triển nhanh chóng của TikTok đã gây ra nhiều mối lo. Mỹ quan ngại rằng TikTok có thể đe dọa đến an ninh quốc gia vì các nhà mạng Trung Quốc bắt buộc phải hợp tác với các cơ quan điều tra nhà nước theo Luật an ninh mạng ban hành năm 2017. Tất cả các tổ chức và cá nhân ở Trung Quốc cũng phải hợp tác với các cơ quan tình báo nhà nước.

Washington cho rằng điều này có nghĩa là TikTok và các ứng dụng khác của Trung Quốc sẽ có thể chuyển dữ liệu về người dùng Mỹ cho Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Hôm 2/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trên Fox News rằng TikTok có thể [gửi] các dữ liệu liên quan đến nhận dạng khuôn mặt, hay thông tin về nơi cư trú, số điện thoại, bạn bè, cùng những người mà người dùng đã kết nối về cho chính quyền Trung Quốc. 

Microsoft đang tìm cách mua lại TikTok trong phạm vi hoạt động tại Mỹ, Canada, Úc và New Zealand. Tổng thống Donald Trump cho biết hôm 3/8 rằng TikTok sẽ bị cấm ở Hoa Kỳ trừ khi Microsoft hoặc một công ty khác mua nó trước ngày 15/9. 

Trước đó vào cuối tháng 6, chính phủ Ấn Độ đã ra quyết định cấm 59 ứng dụng di động, hầu hết đều của Trung Quốc, trong đó có TikTok của Bytedance và WeChat của Tencent, tuyên bố các ứng dụng Trung Quốc “xâm hại tới chủ quyền, sự toàn vẹn, quốc phòng, an ninh nhà nước và trật tự công cộng của Ấn Độ”.

Sau Ấn Độ, Nhật Bản cũng đang cân nhắc cấm hàng loạt ứng dụng có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong đó có cả TikTok, Baidu, WeChat. Nhiều nhà lập pháp Nhật Bản lo ngại sự riêng tư và dữ liệu cá nhân của người dùng Nhật Bản có thể bị chính phủ Trung Quốc thu thập thông qua TikTok. Dự kiến đơn đề nghị cấm TikTok và các ứng dụng Trung Quốc sẽ được các nhà lập pháp đề xuất lên chính phủ Nhật Bản vào đầu tháng 9 tới đây, theo hãng tin NHK.

Hiện TikTok được ví như “ứng dụng đáng sợ nhất thế giới”, lọt vào “tầm ngắm” của chính phủ nhiều nước. Thậm chí, nhóm hacker nổi tiếng Anonymous vào đầu tháng 7 vừa qua đã gọi ứng dụng mạng xã hội TikTok là “công cụ gián điệp“, đồng thời kêu gọi người dùng gỡ bỏ ứng dụng này khỏi thiết bị của mình.

Nghị sĩ Mỹ lo lắng Trung Quốc sử dụng TikTok để can thiệp bầu cử

Tại Mỹ, cũng có luật cho phép các chính phủ có được thông tin cá nhân mà không cần sự đồng ý của đối tượng, nhưng thường chỉ để điều tra tội phạm và khủng bố. Còn ở Trung Quốc, mệnh lệnh của Đảng Cộng sản là tuyệt đối, đảng có thể yêu cầu cung cấp bất cứ thông tin gì mà không cần lý do.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người nắm quyền cai trị Đảng Cộng sản từ năm 2012, tiếp tục thắt chặt kiểm soát trực tuyến. Ông thành lập và lãnh đạo một đảng ủy chuyên về an ninh Internet. 

“Đảng, chính phủ, quân đội, dân sự, và học thuật; đông, tây, nam, bắc, và trung tâm, Đảng lãnh đạo tất cả.” Đây là một trong những khẩu hiệu được phê chuẩn tại hội nghị quốc gia lần cuối của đảng trong năm 2017.

Theo các nhà phân tích, cấu trúc nhà nước cộng sản tại Trung Quốc đã trở thành lực cản chính đối với các công ty công nghệ Trung Quốc đang có hoạt động kinh doanh tại nước ngoài.

Ngày 16/7, Chính phủ Mỹ đã ra lệnh cấm các cơ quan chính phủ mua sắm thiết bị và dịch vụ của bất cứ doanh nghiệp nào sử dụng sản phẩm từ 5 công ty công nghệ Trung Quốc, bao gồm Huawei, ZTE, Hytera Communications, Hangzhou Hikvision Digital Technology và Dahua Technology với lý do “rủi ro an ninh.” Lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày 13/8.

Lê Xuân

Xem thêm: