‘Tìm thấy thiết bị theo dõi của Trung Quốc được giấu trong xe của Chính phủ Anh‘, theo một sĩ quan tình báo như The Sun đưa tin hôm 7/1.

sim trung quoc
(Ảnh ghép minh họa, nguồn: Shutterstock)

Ít nhất một thẻ SIM có khả năng tiết lộ vị trí (định vị) đã được tìm thấy trong một cấu kiện của xe ô tô. Cấu kiện đó được đóng kín, nhập khẩu từ một nhà cung cấp ở Trung Quốc và được lắp đặt bởi nhà sản xuất xe.

Một sĩ quan an ninh tình báo đương chức cho biết, mãi đến khi quyết định tháo dỡ “đến từng đai ốc và bu-lông cuối cùng” các xe ô tô thường được sử dụng bởi các nhà ngoại giao và các thành viên cấp cao của chính phủ, xuất phát từ lo ngại ngày càng tăng về hoạt động gián điệp của Trung Quốc và Nga, thì thiết bị lén theo dõi đó mới bị phát hiện.

“Những thứ thật đáng lo ngại” (disturbing things) là lời miêu tả về thiết bị theo dõi này, như tờ inews của Daily Mail and General Trust dẫn lời của bên an ninh khi họ muốn Anh quốc hãy xem xét khẩn cấp “các mối đe dọa mang tính hệ thống” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

“Thuần túy là tin đồn và vô căn cứ” là lời miêu tả của các quan chức Trung Quốc khi họ bác bỏ tin tức này, và nói thêm: “Chúng tôi kiên quyết phản đối việc thao túng chính trị đối với hợp tác kinh tế và thương mại bình thường hoặc bất kỳ hành vi bôi nhọ nào đối với các doanh nghiệp Trung Quốc.”

Thành viên Quốc hội Iain Duncan Smith đã có tweet sau khi biết việc này: “Hiển nhiên đã đến lúc thay đổi một cái nhìn tổng hợp và coi Trung Quốc là mối đe dọa mang tính hệ thống [cho Anh quốc].”

Mối đe dọa về an ninh

Tờ inews trích dẫn lời từ bên an ninh, “Nó [các SIM lén đưa vào đó] cho phép khả năng theo dõi Chính phủ trong khoảng thời gian hàng tháng và hàng năm, liên tục lập hồ sơ về các chuyển động, không ngừng xây dựng một bức tranh phong phú về hoạt động.”

Sau khi xe ô tô “được phẫu thuật tháo dỡ đến từng đai ốc và bu-lông cuối cùng”, người ta đã phát hiện chiếc SIM có khả năng cung cấp thông tin định vị trong một cấu kiện gọi là Bộ Điều khiển Điện tử (ECU).

Đây là bộ phận chịu trách nhiệm cho hoạt động trơn tru của động cơ, mà từ trước đến nay được nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc trong trạng thái niêm phong đóng kín. Tuân thủ các điều khoản về bảo hành và thương mại với công ty cung cấp Trung Quốc, thiết bị này được lắp vào xe mà không mở ra.

Nguồn tin nhận xét với phóng viên tờ báo rằng cách làm này có khả năng là nhắm vào các xe của các quan chức cấp cao, từ đó cung cấp cho ĐCSTQ các tình báo về hoạt động của xe.

Một số phân tích khác cảnh báo rằng sự xuất hiện của SIM được đưa lén vào trong ô tô của chính phủ là một ví dụ về sự thâm nhập của Trung Quốc vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất ô tô lớn, và có thể mục đích của ĐCSTQ còn rộng hơn.

“Đó là về lượng lớn chứ không phải cụ thể,” như lời một cựu chuyên gia phân tích của GCHQ (Tổng bộ Truyền thông Chính phủ Anh quốc). “Mục đích là đưa thiết bị theo dõi vào càng nhiều ô tô càng tốt và sau đó xác định chính xác các điểm đáng được quan tâm.”

Các chương trình AI (trí tuệ nhân tạo) của ĐCSTQ hoàn toàn có thể dựa vào thông tin dòng xe —loại xe, tốc độ, hướng đi, điểm dừng, đỗ bao nhiêu lâu, v.v.— để từ đó phán đoán ra các loại tình huống khác nhau, và ra các quyết định tương ứng, ví như cần điều tra sâu hơn một số điểm đáng quan tâm.

Chuyên gia đó ví dụ, “Bạn thử lùi lại một chút và nói ra hiện có những chiếc xe nào đang đỗ bên ngoài GCHQ hoặc một nơi nào đó như Porton Down, thì bạn có cả kho thông tin ở đó nếu bạn cần.”

Một cựu sĩ quan tình báo cấp cao cho biết mối đe dọa tiềm ẩn là “cực kỳ lớn”, bởi vì các cơ quan tình báo nước ngoài tìm cách khai thác “cửa hậu” (backdoor) của công nghệ Trung Quốc.

Tuy cấu kiện như chiếc ECU là do Trung Quốc sản xuất và có chức năng lén đưa thông tin cho ĐCSTQ, nhưng chức năng đó có thể có lỗ hổng hoặc cửa hậu mà kể cả các cơ quan tình báo khác, hoặc thậm chí hacker cũng có thể lợi dụng.

Tương tự như trường hợp lắp camera ở nhà cho phép có thể theo dõi tình hình của ngôi nhà trong khi chúng ta đang đi làm ở công sở hoặc đang đi du lịch. Nhưng chính những camera đó có thể bị kiểm soát để các hacker trộm thông tin và tống tiền.

Cựu sĩ quan đó nói với tờ báo, “Liệu người Trung Quốc có thể theo dõi các chính trị gia của chúng ta nếu họ muốn không? Có. Người Nga có thể theo dõi các chính trị gia của chúng ta nếu họ muốn không? Có. Họ có thể nghe lén những gì đang diễn ra trong ô tô không? Nếu họ đang theo dõi và họ muốn làm điều đó, thì hiển nhiên họ có thể làm được.”

Trong các cấu kiện của ô tô là có những phần cứng và phần mềm xử lý số liệu. Nhưng khách hàng và nhà sản xuất ô tô không ai muốn gặp tình huống bị cài đặt lén.

Tuy nhiên theo nguồn tin từ bên an ninh, các SIM do nhà cung cấp Trung Quốc cài trong ECU trong tình trạng các nhà sản xuất ô tô không hề hay biết, dường như cho phép khả năng thu thập số liệu, trong đó có vị trí của ô tô, thời gian hoạt động hay dừng động cơ, và thậm chí cả cách mà nó đã được điều khiển.

Thắt chặt an ninh

Việc rà soát các xe ô tô của quan chức Chính phủ này là nằm trong một loạt các động thái về thắt chặt an ninh trong những tháng gần đây, sau những lo ngại về việc gián điệp Trung Quốc và Nga nhắm vào các bộ trưởng.

Những người được tuyển dụng để làm việc cùng với các bộ trưởng được xem xét kỹ lưỡng về mối liên hệ của họ với “các chủ thể nhà nước thù địch” ví như Trung Quốc.

Các cơ quan của Chính phủ được khuyến khích ngắt kết nối các thiết bị do Trung Quốc sản xuất khỏi các mạng máy tính quan trọng.

Sự việc xảy ra sau khi Thủ tướng Anh xác định Trung Quốc nên được chính thức coi là “mối đe dọa” đối với Anh quốc.

Phản ứng của ĐCSTQ

“Chúng tôi kiên quyết phản đối việc thao túng chính trị đối với hợp tác kinh tế và thương mại bình thường, hoặc bất kỳ hành vi bôi nhọ nào đối với các doanh nghiệp Trung Quốc,” người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc cho biết.

“Chính phủ Trung Quốc luôn khuyến khích các công ty Trung Quốc thực hiện hợp tác thương mại và đầu tư nước ngoài phù hợp với luật pháp địa phương, cũng như các nguyên tắc thị trường và quy tắc quốc tế. Chúng tôi kiên quyết phản đối động thái của một số người, nhằm cố tình mở rộng quá mức khái niệm an ninh quốc gia để làm suy yếu các doanh nghiệp Trung Quốc.”

“Chuỗi công nghiệp và cung ứng toàn cầu hình thành là kết quả của cả quy luật thị trường và sự lựa chọn của các doanh nghiệp.”

“Bôi nhọ và đàn áp các doanh nghiệp Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy việc tách rời và phá vỡ chuỗi cung ứng và công nghiệp không chỉ làm suy yếu nghiêm trọng các quy tắc thương mại quốc tế, mà còn sẽ chia cắt thị trường toàn cầu, đồng thời phá hoại an ninh và sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu.”

Thiên Đức