Cảnh sát Myanmar đã đệ đơn cáo buộc nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi vì nhập khẩu trái phép thiết bị liên lạc và bà sẽ bị giam giữ cho đến ngày 15/2 để điều tra, theo hãng tin Reuters.

Embed from Getty Images

Động thái này diễn ra sau một cuộc đảo chính quân sự vào sáng sớm thứ Hai, khi quân đội vây bắt và giam giữ vị cố vấn quốc gia từng đoạt giải Nobel Hòa bình Suu Kyi và các chính trị gia dân sự khác của đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Quân đội cho rằng cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái có gian lận và đất nước cần bầu cử lại. 

Mỹ đã tuyên bố đây là một cuộc “đảo chính quân sự” và đe dọa trừng phạt Myanmar. Nhiều quốc gia phương Tây cũng đã lên án vụ đảo chính, cho rằng nó đã cắt đứt nỗ lực dân chủ hóa của đất nước Myanmar.

Hôm 3/2, cảnh sát đã đưa hồ sơ lên tòa án, trong đó nêu chi tiết các cáo buộc chống lại bà Suu Kyi, hiện đã 75 tuổi. Hồ sơ cho hay 6 bộ đàm đã được tìm thấy trong khi khám xét nhà bà ở thủ đô Naypyidaw. Cáo trạng cho rằng các thiết bị phát thanh đã được nhập khẩu bất hợp pháp và đã được sử dụng mà không được phép.

Hồ sơ cũng đã yêu cầu giam giữ bà Suu Kyi “để thẩm vấn nhân chứng, tìm kiếm bằng chứng và cố vấn pháp lý sau khi thẩm vấn bị cáo”.

Một hồ sơ khác được cảnh sát đệ trình lên tòa án đã buộc tội Tổng thống bị lật đổ Win Myint “vi phạm các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona trong quá trình vận động bầu cử vào tháng 11 năm ngoái.”

Với các tội danh bị cáo buộc, bà Suu Kyi và ông Win Myint sẽ đối mặt với mức án 3 năm tù cho mỗi người.

Hôm 3/2, người phát ngôn Liên Hợp quốc Stephane Dujarric nói với các phóng viên rằng những cáo buộc chống lại bà Suu Kyi “chỉ làm tăng thêm việc phá hoại pháp quyền và tiến trình dân chủ ở Myanmar.”

“Chúng tôi tiếp tục kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho bà ấy, tổng thống và tất cả những người khác đã bị quân đội giam giữ trong vài ngày qua,” ông nói.

Chủ tịch Nghị sĩ Nhân quyền ASEAN, ông Charles Santiago, cho biết các cáo buộc mới là lố bịch.

Ông nói: “Đây là một động thái vô lý của chính quyền nhằm cố gắng hợp pháp hóa việc chiếm đoạt quyền lực bất hợp pháp.”

Bà Suu Kyi đã trải qua khoảng 15 năm bị quản thúc tại gia từ năm 1989 đến năm 2010 khi lãnh đạo phong trào dân chủ của đất nước và bà vẫn rất nổi tiếng ở quê nhà bất chấp danh tiếng quốc tế bị tổn hại do các cáo buộc liên quan đến việc đàn áp người Rohingya vào năm 2017.

Cuộc đảo chính đã đánh dấu lần đầu tiên quân đội trở lại điều hành Myanmar sau 10 năm trao quyền lực cho một chính quyền bán dân sự. Hiện tướng Min Aung Hlaing sẽ tạm nắm quyền điều hành đất nước trong thời gian ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm trước khi tổ chức một cuộc bầu cử mới.

Tại Myanmar, các hành động phản đối chính quyền mới đã bắt đầu nổi lên. 

Nhân viên tại các bệnh viện của chính phủ trên khắp đất nước đã ngừng làm việc hoặc đeo dải băng đỏ như một phần của chiến dịch bất tuân dân sự.

Phong trào Bất tuân dân sự Myanmar mới được thành lập cho biết các bác sĩ tại 70 bệnh viện và bộ phận y tế ở 30 thị trấn đã tham gia cuộc biểu tình. Họ cáo buộc quân đội đặt lợi ích của mình lên trên đại dịch virus coronavirus đã giết chết hơn 3.100 người, một trong những nước có tỷ lệ tử vong cao nhất ở Đông Nam Á.

Nhóm 7 nền kinh tế phát triển lớn nhất (G7) đã lên án cuộc đảo chính hôm thứ Tư và nói rằng kết quả bầu cử phải được tôn trọng.

G7 cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi quân đội Myanmar chấm dứt ngay tình trạng khẩn cấp, khôi phục quyền lực cho chính phủ được bầu cử dân chủ, trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ bất công và tôn trọng quyền con người và pháp quyền.”

Trung Quốc đã không lên án cụ thể cuộc đảo chính ở nước láng giềng nhưng Bộ Ngoại giao đã bác bỏ đề xuất rằng họ ủng hộ hoặc đồng ý ngầm với nó.

“Chúng tôi mong muốn rằng tất cả các bên ở Myanmar có thể giải quyết một cách phù hợp những khác biệt của họ và duy trì sự ổn định chính trị và xã hội”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân nói trong một cuộc họp báo.

Tin đồn về vai trò của Trung Quốc trong cuộc đảo chính tại Myanmar xuất hiện sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi tháng trước có chuyến thăm Myanmar và gặp nhiều quan chức nước này, trong đó có tướng Min Aung Hlaing – người hiện đang tạm nắm quyền.

Lê Xuân (t/h)

Xem thêm: