Giải vô địch bóng đá châu Âu (UEFA EURO) 2020 đã khởi tranh vào hôm 11/6 vừa qua (dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 11/7) tại Rome, Ý, sau khi bị hoãn 1 năm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trên thực tế, 1/3 số nhà tài trợ cho giải đấu này đến từ các công ty Trung Quốc, và điều này đã gây ra những mối lo ngại ở châu Âu.

UEFA
(Ảnh minh họa: Par rafapress/Shutterstock)

Cụ thể, 4 công ty lớn của Trung Quốc (Hisense, Alipay, Vivo và Tiktok) nằm trong số 12 nhà tài trợ cho giải UEFA EURO 2020, qua đó khiến Trung Quốc trở thành nhà tài trợ lớn nhất về tài chính cho sự kiện thể thao này, trong đó Nga đứng thứ 2. Các nhà tài trợ khác là những công ty của Mỹ và các doanh nghiệp đến từ thế giới Ả Rập. Volkswagen là công ty châu Âu duy nhất nằm trong số các nhà tài trợ.

UEFA EURO 2020 là giải đấu có lượng người xem rất lớn cả ở châu Âu và châu Á. Việc tài trợ này sẽ giúp cho các công ty Trung Quốc (vốn ít được nhiều người biết đến) nhận được sự chú ý trên trường quốc tế, trong bối cảnh các logo của họ có ở khắp mọi nơi và các quảng cáo của họ liên tục được phát tại những sân vận động cũng như trên TV trong suốt thời gian diễn ra sự kiện thể thao này.

Các phương tiện truyền thông và cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc coi đây là một thắng lợi của Trung Quốc. Họ đã tuyên bố rằng: “COVID-19 và địa chính trị không thể ngăn cản được các thương hiệu vươn ra toàn cầu thông qua việc tài trợ”.

Dẫu vậy, sự tài trợ của các công ty đến từ những quốc gia độc tài đang gây ra các mối lo ngại ở châu Âu. Theo truyền thông Thụy Sĩ, các giá trị của châu Âu đã không được hiện diện trong sự kiện này bởi các công ty tài trợ. Chuyên gia truyền thông Thomas Koch cho biết: “UEFA (Liên đoàn bóng đá châu Âu) đã ở rất xa người xem”.

Ngoài ra, mặc dù các công ty của Trung Quốc và Nga đang bị nghi ngờ, nhưng về cơ bản UEFA đang chấp nhận “tiền bẩn” từ họ. Cả công ty Hisense và Vivo đều bị cáo buộc là đã hưởng lợi từ việc sử dụng lao động cưỡng bức là người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương, Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo UEFA, họ không giải quyết các vấn đề chính trị, mà chỉ chấp nhận lời đề nghị nào tốt nhất trên thị trường khi lựa chọn các nhà tài trợ.

Cao ủy Liên bang Đức về Khởi nghiệp đã cảnh báo rằng: “Đối với một số nhà tài trợ, chẳng hạn như đến từ Trung Quốc và Nga, các khía cạnh về chính trị và chiến lược cũng có thể được ưu tiên”.

Truyền thông Thụy Sĩ cũng chỉ ra một điều khoản trong hợp đồng đề cập đến trách nhiệm xã hội, dẫu vậy, UEFA dường như không áp dụng bất kỳ tiêu chuẩn tối thiểu nào đối với các nhà tài trợ.

Trung Quốc cũng từng là nhà tài trợ lớn nhất cho giải đấu World Cup 2018, dù cho đội tuyển Trung Quốc không đủ điều kiện tham gia giải đấu này.

Theo The Epoch Times,

Phan Anh

Xem thêm: