Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 22/6, thế giới ghi nhận thêm khoảng 322.589 ca mắc COVID-19 mới và 6.984 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 179.563.523 ca, trong đó có khoảng 3.891.663 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par Adirach Toumlamoon/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, các quốc gia ghi nhận số ca mắc mới nhiều nhất thế giới gồm: Brazil (84.847 ca), Ấn Độ (54.393 ca), và Argentina (21.387 ca); về số ca tử vong mới, Brazil dẫn đầu với 1.900 ca, tiếp theo là Ấn Độ (1.129 ca) và Argentina (791 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là khoảng 34.432.422 triệu người, trong đó có 617.824 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 30.027.850  ca nhiễm, bao gồm 390.691 ca tử vong. Brazil xếp thứ 3 với 18.054.653 ca bệnh và 504.717 ca tử vong.

Ngày 22/6, Ấn Độ ghi nhận thêm 42.640 ca nhiễm mới và 1.167 ca tử vong. Đây cũng là ngày đầu tiên trong hơn 90 ngày qua, số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày tại nước này dưới 50.000 ca.

Trong 24 giờ tính đến 6h sáng 23/6, Ấn Độ ghi nhận 54.393 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh vượt ngưỡng 30 triệu.

Tại Nga, tình hình đang trở nên xấu đi do biến thể Ấn Độ lây lan mạnh. Cụ thể, ban phòng chống COVID-19 của LB Nga cho biết trong vòng 1 ngày qua tính đến sáng 22/6, nước này đã ghi nhận 16.715 ca mắc mới COVID-19. Các địa phương có số ca mắc mới nhiều nhất trong ngày là thủ đô Moskva với 6.555 ca, tỉnh Moskva (1.871 ca) và thành phố St.Petersburg (1.065 ca).

Trong ngày qua tại Nga cũng có 546 ca tử vong mới – số ca tử vong cao nhất trong ngày kể từ ngày 11/2 (553 người). Đáng chú ý trong 24 giờ qua, thủ đô Moskva đã ghi nhận tới 86 ca tử vong, con số kỷ lục trong toàn bộ thời kỳ đại dịch, vượt kỷ lục ngày 19/1 là 84 ca. Đến nay Nga ghi nhận tổng cộng 5.350.919 người nhiễm virus corona. Hiện tình trạng gia tăng lây nhiễm đã ghi nhận tại 65 địa phương ở nước này và khoảng 465.000 bệnh nhân đang được các bác sĩ theo dõi.

Hoạt động tiêm chủng quy mô lớn ngừa COVID-19 đã diễn ra ở Nga từ ngày 18/1. Hiện tại, người dân Nga có thể chọn 4 loại vắc-xin đã được đăng ký trong nước là Sputnik V, Sputnik Light, EpiVacCorona và KoviVak.

Tại Australia, ngày 22/6, bang New South Wales (NSW) ghi nhận 10 ca mắc mới COVID-19. Đây là ngày có số ca lây nhiễm trong cộng đồng cao nhất trong gần một tuần qua tại NSW. Điều này làm gia tăng khả năng chính quyền sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn tại thủ phủ Sydney – cùng là thành phố lớn nhất của Australia. Trong hàng loạt nỗ lực nhằm kiểm soát ổ dịch mới nhất liên quan biến thể Ấn Độ có khả năng lây lan cao, chính quyền NSW đã bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi đi xe buýt, tàu hỏa và phà tại Sydney trong vòng 5 ngày, đồng thời hối thúc 5 triệu cư dân của thành phố có ý thức đeo khẩu trang ở các không gian kín.

Tại Anh, trong ngày 22/6, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho biết nước này đang lên kế hoạch nới lỏng hạn chế đi lại đối với những công dân đã tiêm chủng đầy đủ vắc-xin ngừa COVID-19, tạo điều kiện cho những người này du lịch đến các bãi biển châu Âu vào mùa Hè này. Hiện nay, về cơ bản, công dân Anh bị hạn chế đi du lịch đến hầu hết các quốc gia, trong đó có cả các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) vì các quy tắc phòng ngừa dịch bệnh nghiêm ngặt và tốn kém.

Tại Ý, từ ngày 28/6 tới, việc đeo khẩu trang ở ngoài trời sẽ không còn là quy định bắt buộc. Theo Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza, việc bỏ yêu cầu đeo khẩu trang sẽ có hiệu lực ở các vùng có nguy cơ thấp (vùng trắng) về COVID-19. Những vùng này bao gồm toàn bộ nước Ý ngoại trừ khu vực Val d’Aosta nhỏ bé ở miền Tây Bắc xa xôi.

Tại Tây Ban Nha, từ ngày 26/6 tới, quốc gia này cũng sẽ dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang ngoài trời do tỷ lệ mắc COVID-19 đã giảm. Tuy nhiên, một số biện pháp hạn chế vẫn còn hiệu lực, trong đó có việc giới hạn công suất hoạt động và rút ngắn giờ làm việc để hạn chế sự lây lan của virus corona.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, thông báo sẽ sớm dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào mỗi Chủ nhật và dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế chống dịch. Quốc gia 84 triệu dân này đã từng bước mở cửa trở lại sau khi lần đầu tiên áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc vào cuối tháng 4.

Tại Campuchia, số ca tử vong do COVID-19 tại Campuchia tiếp tục tăng, với ngày 22/6 ghi nhận số ca tử vong vì dịch bệnh cao thứ 2 từ trước đến nay với 18 người. Trước đó, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận số ca tử vong cao nhất từ trước là 20 ca vào ngày 19/6.

Ngày 22/6, Bộ Y tế Campuchia thông báo ghi nhận thêm 678 ca mắc (bao gồm 58 ca nhập cảnh và 620 ca lây nhiễm cộng đồng), nâng tổng số ca bệnh tại Campuchia lên 44.124 ca, trong đó 459 người tử vong.

Bộ Y tế nước này cũng đã ra lệnh cấm bán và phân phối bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 chưa đăng ký và chưa được công nhận. Lệnh cấm này được đưa ra đồng thời với việc Bộ Y tế áp dụng bộ quy chuẩn về điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà ở Phnom Penh, có hiệu lực từ ngày 20/6.

Tại Malaysia, Bộ Y tế cho biết nước này đã phát hiện tổng cộng 2.604 ổ dịch COVID-19, trong đó 824 ổ dịch vẫn đang lây lan. Trong khoảng 1 tháng qua, số ổ dịch phát hiện hàng ngày ở Malaysia vẫn ở mức cao, cao nhất là 30 ổ dịch vào ngày 6/6. Một trong những nguyên nhân khiến Malaysia khó kiểm soát tốt sự lây lan của dịch bệnh là những ca nhiễm lẻ tẻ, không thuộc ổ dịch nào, tăng mạnh thời gian qua, nhất là tại thung lũng Klang.

Quan chức cấp cao thuộc Bộ Y tế Noor Hisham Abdullah cho biết từ ngày 1/1-19/6, nước này đã ghi nhận 578.105 ca nhiễm mới, trong đó 398.846 ca nhiễm lẻ tẻ, tương đương 69%. Ông Noor Hisham cho biết thêm các ca nhiễm lẻ tẻ được phát hiện thông qua xét nghiệm tại nơi làm việc, trong cộng đồng hoặc thông qua kiểm tra những người có triệu chứng của COVID-19. Điều đáng lo ngại hơn là hầu hết các trường hợp lẻ tẻ không có triệu chứng lâm sàng nên những người không tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh vẫn có thể lây nhiễm cho bất kỳ người nào xung quanh họ.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: