AP đưa tin hôm 21/9, chính phủ Afghanistan mới do Taliban lãnh đạo đã coi nhẹ các rủi ro kinh tế, nói rằng Afghanistan có đủ điều kiện để tiến về phía trước mà không cần hỗ trợ tài chính như trước đây.

Embed from Getty Images

Phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid cho biết: “Sau khi chúng tôi tiến hành thanh tra, về mặt tài chính, Afghanistan không thiếu hụt. Chúng tôi có đủ nguồn thu và nếu nó được kiểm soát đúng cách, nó có thể giải quyết các vấn đề hiện tại của chúng tôi.”

Ông Mujahid cho rằng phần lớn viện trợ nước ngoài cho chính phủ tiền nhiệm đã được dùng để tài trợ cho cuộc chiến kéo dài 20 năm của Mỹ chống lại Taliban.

Ông khẳng định Afghanistan có thể xoay sở mà không cần viện trợ đó, nói rằng đất nước có đủ nguồn lực. 

Tuy nhiên, không rõ bằng cách nào để chính phủ Taliban ​​sẽ có đủ nguồn thu thuế từ một nhóm dân số mà LHQ cho biết có khoảng 97% sẽ sống dưới mức nghèo vào cuối năm nay.

Ông Mujahid cũng bảo vệ thành phần của Nội các mới được bổ nhiệm của Taliban, vốn đặc biệt loại trừ phụ nữ, lưu ý rằng một số dân tộc thiểu số như người Hazara đã được đưa vào chính phủ, AP đưa tin.

Taliban đã mở rộng Nội các lâm thời của họ bằng cách bổ nhiệm thêm các Bộ trưởng và cấp phó vào hôm thứ Ba, nhưng vẫn không bổ nhiệm bất kỳ phụ nữ nào.

Cộng đồng quốc tế nói rằng họ sẽ đánh giá Taliban qua các hành động của họ, và việc công nhận một chính phủ do Taliban lãnh đạo sẽ có liên quan đến việc đối xử với phụ nữ và người thiểu số.

Trong thời kỳ cai trị trước đây của họ ở Afghanistan vào cuối những năm 1990, Taliban đã cấm trẻ em gái và phụ nữ đến trường học, đi việc và đến các địa điểm công cộng mà không có người thân nam giới đi cùng.

Ông Mujahid cũng khẳng định rằng LHQ có trách nhiệm công nhận chính phủ mới của Taliban; và các quốc gia châu Âu, châu Á, Hồi giáo khác cần thiết lập quan hệ ngoại giao với Afghanistan dưới thời Taliban.

Liên quan đến những hạn chế gần đây áp dụng đối với trẻ em gái và phụ nữ, bao gồm cả quyết định không cho phép trẻ em gái từ lớp 7 đến lớp 12 trở lại lớp học trong thời gian này, ông Mujahid cho biết đây là quyết định tạm thời và “sẽ sớm thông báo khi các em có thể đi học.” 

Ông cho biết chính phủ mới đang lên kế hoạch để cho phép các trẻ em gái và phụ nữ trở lại trường học và đi làm, nhưng sẽ phải phù hợp với luật Hồi giáo, hay Sharia.

Hiện tại, trẻ em gái từ lớp một đến lớp sáu được phép đến trường và phụ nữ cũng vẫn có thể đến trường Đại học, nhưng chỉ trong môi trường toàn nữ và phải tuân thủ quy định về trang phục.

Xuân Lan

Xem thêm: