Phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho biết hôm 5/2, ông Antonio Guterres nói với các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh, ông mong muốn họ sẽ cho phép người đứng đầu tổ chức nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet tiến hành một chuyến thăm “đáng tin cậy” tới Trung Quốc, bao gồm cả việc đặt chân đến khu vực Tân Cương.

Embed from Getty Images

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres (bên trái), Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach (thứ 2 bên trái), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ở giữa) và phu nhân Bành Lệ Viên tham gia lễ khai mạc của Thế vận hội Olympic mùa đông Bắc Kinh 202 (Ảnh: Getty Images)

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị bên lề Thế vận hội Mùa đông, theo thông tin từ cuộc hội đàm của họ.

Ông “bày tỏ kỳ vọng rằng, các cuộc tiếp xúc giữa văn phòng Cao ủy Nhân quyền và các cơ quan chức năng Trung Quốc sẽ cho phép một chuyến thăm đáng tin cậy của Cao ủy tới Trung Quốc, bao gồm cả Tân Cương,” bản tin nêu rõ.

Tuy nhiên, đáng lưu ý là bản tin về cuộc họp từ hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã không hề đề cập đến vấn đề nhân quyền.

Theo các nhà vận động nhân quyền, ít nhất một triệu người (đa số là người thiểu số Hồi giáo) đã bị giam giữ trong các “trại cải tạo” ở vùng Tân Cương xa xôi phía Tây Trung Quốc, khu vực đang bị cáo buộc vi phạm nhân quyền trên diện rộng, bao gồm cả việc cưỡng bức phụ nữ và cưỡng bức lao động.

Trong quá trình chuẩn bị cho Thế vận hội Mùa đông, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh sự ủng hộ của ông Guterres đối với Thế vận hội tại các cuộc họp giao ban hàng ngày.

Đích thân người đứng đầu Liên Hợp Quốc cũng đã chúc mừng ông Tập về việc tổ chức Thế vận hội trong cuộc hội đàm của họ tại Bắc Kinh, thông cáo từ tổ chức này cho hay.

Dù vậy, phía Trung Quốc cho đến nay vẫn từ chối không cho phép bà Bachelet, cựu Tổng thống Chile thực hiện một chuyến thăm độc lập tới Tân Cương.

Chính phủ Mỹ và các nhà lập pháp ở năm quốc gia phương Tây khác đã tuyên bố việc Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là “tội ác diệt chủng”, trong khi chính quyền Bắc Kinh vẫn một mực phủ định cáo buộc này.

Trung Quốc đã nhiều lần hô hào các quốc gia dân chủ ngừng “chính trị hóa” Thế vận hội, vốn đã bị lu mờ bởi các vấn đề như nhân quyền, COVID-19 và những lo ngại rủi ro xảy ra với các vận động viên nếu họ lên tiếng tại Thế vận hội.

Tại lễ khai mạc, chính quyền Trung Quốc đã chọn một vận động viên trẻ 20 tuổi người Duy Ngô Nhĩ, vận động viên trượt tuyết băng đồng Dinigeer Yilamujiang làm một trong những người mang đuốc Olympic cuối cùng. Đây có thể xem là một động thái có ý nghĩa chính trị rõ ràng.

Trong một diễn biến khác, các nhà hoạt động và nhà lập pháp hy vọng sẽ thấy được báo cáo của Liên Hợp Quốc về nhân quyền ở Tân Cương, và áp lực về việc công bố báo cáo này trước Thế vận hội Bắc Kinh không ngừng gia tăng. Nhưng cơ quan thế giới khẳng định hồi cuối tháng trước, báo cáo sẽ không kịp phát hành trước Thế vận hội.

Tờ SCMP của Hồng Kông chỉ ra, Bắc Kinh đã chấp thuận và đồng ý cho và Bachelet đến thăm Tân Cương – và ám chỉ rằng cái giá cho điều đó là họ muốn văn phòng của bà dừng phát hành báo cáo nói trên.

Tại cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Guterres “bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác giữa Liên Hợp Quốc và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong tất cả các mối quan tâm chính của Tổ chức – hòa bình và an ninh, phát triển bền vững, bao gồm cả biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và nhân quyền,” tuyên bố của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh.

Về vấn đề biến đổi khí hậu, người đứng đầu Liên Hợp Quốc “ghi nhận những nỗ lực quan trọng mà Trung Quốc đang thực hiện nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi nỗ lực bổ sung để có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, từ đó thu hẹp khoảng cách phát thải”.

Minh Ngọc (Theo AFP)

Xem thêm: