Các quốc gia từ Đức cho tới Ý đều đang triển khai một loạt các biện pháp như đẩy mạnh việc tiêm chủng, quy định việc đeo khẩu trang để phòng chống làn sóng dịch COVID-19 thứ 3 có khả năng xảy ra ngay trong mùa đông này.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par cktravels.com/Shutterstock)

Tại châu Âu, cuộc chiến chống COVID-19 đang dịch chuyển sang hướng dài hạn. Các nước như Đức, Ý và Pháp đều thay đổi chiến lược, từ chấm dứt đại dịch sang chọn học cách sống chung với COVID-19. Chính quyền nhiều quốc gia đang lên kế hoạch tiêm liều vắc-xin bổ sung, đeo khẩu trang, xét nghiệm thường xuyên, thực hiện giãn cách xã hội hạn chế nhằm kiểm soát virus trước đợt dịch bệnh thứ 3 có khả năng xảy ra trong mùa đông này.

Việc thay đổi chiến lược nêu trên cũng nhận được sự hậu thuẫn vững vàng đến từ tâm lý công chúng, khi mà người dân châu Âu về cơ bản đều tỏ ra cảm thông và chấp thuận các biện pháp kiểm soát xã hội để phòng dịch bệnh. Không giống với Mỹ, nơi mà nhiều tiểu bang ngay lập tức gỡ bỏ các quy định hạn chế do lạc quan rằng virus sẽ biến mất, người dân châu Âu chưa bao giờ kỳ vọng đại dịch chấm dứt ở “lục địa già”, khi vẫn có đó những ổ dịch lẻ tẻ bùng phát vào mùa xuân và mùa hè vừa qua.

Đức (quốc gia chưa bao giờ gỡ toàn bộ các hạn chế) tuyên bố trong tuần này rằng chỉ có những người đã tiêm vắc-xin, đã hồi phục sau khi bị nhiễm COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona gần đây mới được tới các nhà hàng, bệnh viện và địa điểm trong nhà. Đeo khẩu trang vẫn là quy định bắt buộc đối với người dân khi ở trong không gian kín hoặc khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, bất kể là người đó đã tiêm hay chưa tiêm vắc-xin.

Một số quốc gia, trong đó có Pháp và Ý, đang nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, khi quy định rằng chỉ người đã tiêm vắc-xin, người đã khỏi bệnh sau khi nhiễm virus và người có xét nghiệm âm tính mới được tham gia các hoạt động hàng ngày. Nhân viên nhà hàng nếu không làm nhiệm vụ kiểm tra khách hàng theo các tiêu chí kể trên có nguy cơ bị phạt tiền lên tới 9.000 EUR (khoảng 10.600 USD) và 1 năm tù giam.

Biến thể Delta với khả năng lây lan cao đã lấy đi những hy vọng về chiến thắng tuyệt đối trước đại dịch, đưa nhịp sống trở lại bình thường như trước kia, khi chưa có COVID-19. Theo các nhà khoa học, kế hoạch ứng phó của các nước châu Âu là phù hợp với thực tế, bởi COVID-19 sẽ không thể nhanh chóng biến mất.

Virus corona sẽ vẫn tấn công và làm suy yếu hệ hô hấp, đến một thời điểm nào đó nó sẽ tồn tại như cúm mùa, vẫn có thể khiến con người mắc bệnh và tử vong. Khi nào COVID-19 đạt tới ngưỡng như kiểu dịch cúm thông thường là điều mà giới khoa học chưa thể biết chắc được.

Số ca mắc mới đã tại châu Âu có dấu hiệu tăng, giảm trong thời gian qua, khi biến thể Delta đang hoành hành và giới chức y tế tăng cường các biện pháp để đẩy lui dịch bệnh. Số ca mắc mới trung bình trong ngày tính theo tuần tại Liên minh Châu Âu (EU) và Anh là 95.500 ca/ngày, tính đến 5/8, tương đương với 186 ca mắc mới/1 triệu dân, giảm 14% so với mức đỉnh hồi tháng 7 với 110.000 ca/ngày.

Số trường hợp phải nhập viện ở châu Âu cũng thấp hơn sau mỗi đợt dịch. Tỉ lệ nhập viện do COVID-19 tại Pháp là 65 ca/1 triệu dân trong tuần đầu tháng 8, giảm hơn 2/3 so với mức đỉnh hồi tháng 3. Tại Đức và Ý, tỉ lệ người bệnh phải nhập viện tính trên 1 triệu dân cũng giảm 90% theo cùng thời điểm. Mức giảm ở Anh là 80%. Tỉ lệ người dân tiêm đủ liều trong EU là 53%, cao hơn Mỹ với 50%. Trong khi đó, Anh đạt 60%, Tây Ban Nha 63%, Đức và Ý hơn 55%, còn Pháp là 50% dân số tiêm đủ liều.

Dẫu vậy, giới khoa học cho rằng miễn dịch cộng đồng là điều vẫn còn xa vời và thậm chí sẽ không bao giờ đạt được trước sự xuất hiện và lây lan mạnh của biến thể mới. Việc cách ly, hạn chế di chuyển đối với những ca nhiễm COVID-19 vẫn phổ biến ở khu vực châu Âu và gần như chắc chắn sẽ còn được áp dụng tiếp nữa (ngoại trừ Anh, quốc gia chọn cách tiếp cận khác biệt). Tiêm liều vắc-xin bổ sung cho người lớn tuổi hoặc nhóm dễ bị nhiễm bệnh là chủ đề hiện đang được thảo luận và lên kế hoạch. Nhiều quốc gia thuộc EU đang mở rộng xét nghiệm định kỳ trên diện rộng nhằm phát hiện các ca nhiễm, đồng thời tăng cường hệ thống truy vết đối tượng tiếp xúc thay vì giảm thiểu hay từ bỏ việc này.

Tại Ý, quốc gia chịu thiệt hại nặng nề trong giai đoạn đầu dịch bệnh, chính quyền đang hướng đến một cuộc chiến kéo dài. Nước này vận hành hệ thống theo thang màu, sử dụng một bộ thông số kĩ thuật để đánh giá mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh theo từng khu vực. Nặng nhất là vùng đỏ, tiếp đến là vàng, xanh, và trắng. Mọi khu vực tại Ý hiện đều thuộc vùng trắng. Tuy nhiên, Sicily và Sardinia, hai điểm đến du lịch nổi tiếng, nhiều khả năng sắp chuyển sang màu vàng. Các khu vực khác cũng có thể chuyển vàng trước sự lây lan của biến thể Delta.

“Người dân ở đây nhận thức được rằng cuộc chiến chống lại COVID-19 vẫn còn tiếp diễn trong thời gian dài. Người dân sẽ không mất cảnh giác bởi họ biết rằng mọi chuyện chưa kết thúc và phải mất nhiều thời gian mới trở lại được như trước”, Claudio Cancelli, Thị trưởng vùng Nembro, khu vực gần vùng tâm dịch trong làn sóng COVID-19 đầu tiên tại Ý cho hay.

Theo WSJ,

Phan Anh

Xem thêm: