Năm tới, nước Đức sẽ tổ chức một cuộc bầu cử liên bang, và Quốc hội Đức (Bundestag) mới sẽ lựa chọn Thủ tướng tiếp theo của đất nước. Dù bà Angela Merkel có còn tại vị hay không – hiện tại, mọi thứ không thuận lợi cho bà và đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của bà – thì vẫn có một điều chắc chắn: Thủ tướng của nước Đức sẽ không còn là Thủ tướng không chính thức của châu Âu nữa. Điều đó sẽ làm thay đổi sâu sắc cách châu Âu hoạt động – một số sẽ trở nên tốt hơn. Nhưng sự gián đoạn có thể gây tác động xấu.

merkel

Việc Thủ tướng Đức áp đặt nhiều thẩm quyền hơn trong Liên minh châu Âu không phải là điều chưa từng xảy ra. Người đã từng làm như thế chính là cựu thủ tướng Helmut Kohl. Sau khi giám sát quá trình thống nhất nước Đức trong giai đoạn 1989-1990, ông bắt đầu theo đuổi cái mà ông coi là sứ mệnh lịch sử nhằm thống nhất châu Âu. Kohl đã dẫn dắt châu Âu, từ thoả thuận về Hiệp ước Maastricht năm 1991 đến quyết định gây tranh cãi về việc cho ra đời đồng euro năm 1998.

Ý tưởng về một đồng tiền chung châu Âu có thể đã chết rất nhiều lần trong những năm đó. Cộng sự thân cận của Kohl là Wolfgang Schäuble, người hiện đang là Bộ trưởng Tài chính Đức, đã xác nhận rằng vào năm 1994, chỉ có 5 nước, không bao gồm Italy – là sẵn sàng chấp nhận một đồng tiền duy nhất. Nhưng Kohl đã thúc đẩy, thuyết phục Italy tham gia vào.

Người kế nhiệm Kohl, Gerhard Schröder, có một cách tiếp cận hoàn toàn khác. Không có các hồi ức cá nhân về Thế chiến II, Schröder, cũng như phần nhiều những người Đức vào thời điểm đó, tự tin rằng nước Đức có thể dựa vào chính mình, không cần phải tái khẳng định mối liên hệ của mình với châu Âu.

Schröder tích cực theo đuổi lợi ích quốc gia của nước Đức. Ông chỉ trích Ngân hàng Trung ương châu Âu khi nó giữ tỉ lệ lãi suất quá cao. Và chính phủ của ông thách thức các quy định về ngân sách của châu Âu, những quy định vốn  được mô tả một cách chính xác bởi người khi đó đang giữ chức Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Romano Prodi, là “ngớ ngẩn”. Nền kinh tế Đức đã rơi vào tình trạng gần như đình trệ, và tình trạng thắt lưng buộc bụng hơn nữa sẽ gây ra nhiều hậu quả dai dẳng hơn. Schröder đã gần như phá bỏ các luật lệ về mua bán công ty của châu Âu để bảo vệ Volkswagen. Động thái ủng hộ châu Âu duy nhất của ông ta là thúc đẩy Hy Lạp gia nhập khu vực đồng euro.

Đầu nhiệm kỳ của mình, bắt đầu từ tháng 11 năm 2005, Merkel có vẻ giống với Schröder hơn là Kohl. Trẻ hơn Schröder và lớn lên ở Đông Đức, dường như bà ít gắn bó với tầm quan trọng của một “châu Âu hậu chiến”, cả về mặt thời gian và địa lý. Cảm thấy không bị áp lực liên tục phải thể hiện quan điểm “ủng hộ châu Âu”, Merkel bằng lòng với việc đơn giản chỉ là Thủ tướng nước Đức.

Lúc đầu, điều đó cũng ổn. Nền kinh tế châu Âu, bao gồm cả Đức, đang cưỡi trên một bong bóng kinh tế và tài chính toàn cầu khổng lồ. Dù hầu như tất cả các nước đều lách các quy định về tài khóa, người châu Âu tin rằng đồng euro đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thậm chí sẽ dẫn họ đến sự thống nhất về chính trị. Nói một cách đơn giản, châu Âu không cần một Thủ tướng.

Tất cả điều này đã thay đổi cùng với cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu sau năm 2008, sự kiện đã bộc lộ những yếu kém trong cấu trúc tiền tệ của liên minh. Ngoài thiệt hại do thảm họa kinh tế toàn cầu, khu vực đồng euro còn phải đối mặt với cuộc vỡ nợ đang đến gần của chính phủ Hi Lạp. Tháng 3 năm 2010, cuộc khủng hoảng Hi Lạp rõ ràng là không thể tự giải quyết được, và Merkel, chậm nhưng chắc, bắt đầu đảm đương vai trò lãnh đạo.

Bà không thích thú gì nhiệm vụ này. Ngược lại, bà đã hành động dựa trên quan điểm đồng euro là một “cỗ máy từ địa ngục” – một đống hổ lốn và một gánh nặng đối với bà và đất nước của bà. Nhưng bà Merkel không có nhiều lựa chọn, mỗi khi một quyết định lớn về quản trị khủng hoảng cần phải được đưa ra, tất cả mọi con mắt đều hướng về bà.

Merkel đóng vai trò như Thủ tướng của châu Âu, nhưng luôn luôn giữ sự tập trung của bà vào lợi ích của nước Đức. Bà hiểu rằng công chúng Đức sẽ không tha thứ cho việc tiền thuế của họ được sử dụng cho châu Âu. Đặc biệt, việc sử dụng tiền thuế cho Hi Lạp đã gây bất mãn cho người Đức. Do đó, Merkel đã làm ở mức tối thiếu – chỉ đủ để ngăn chặn sự lây lan, nhưng còn lâu mới đủ để kết thúc vấn đề Hi Lạp hoặc cuộc khủng hoảng đồng euro nói chung. Kết quả là, cuộc khủng hoảng tiếp tục diễn ra và phát triển thành các hình thức mới, bao gồm, và nguy hiểm nhất, là cuộc khủng hoảng trong ngành ngân hàng Italy, “đường đứt gãy của châu Âu”.

Cuối năm 2011, Merkel vạch ra kế hoạch thay thế các chính phủ dân cử ở Hi Lạp và Italy bằng các nhà kỹ trị. Không ai vui vẻ cả, và các cuộc biểu tình chính trị mạnh lên ở khắp nơi, kể cả bên trong nước Đức, nơi cánh hữu, đảng Sự lựa chọn Thay thế cho nước Đức (AfD) chống lại đồng euro đã ra đời vào tháng 2 năm 2013.

Merkel đã giữ một lập trường mang tính nguyên tắc về cuộc khủng hoảng tị nạn, chấp nhận hơn một triệu người tị nạn vào nước Đức. Nhưng bà đã làm vậy mà không tham khảo các đối tác châu Âu hay các công dân của bà. Và bà đã sớm bị trừng phạt ở trong nước. Đảng CDU sau đó đã phải chịu một loạt các thất bại bẽ bàng tại các cuộc bầu cử ở các bang, trong khi AfD đã giành các thắng lợi quan trọng.

Hiện nay, bà Merkel vẫn đảm nhiệm vai trò là Thủ tướng trên thực tế của châu Âu, đơn giản bởi vì không có sự lựa chọn nào khác. Thủ tướng Italy Matteo Renzi (hiện đã từ chức – NBT) vẫn tiếp tục tìm đến Merkel khi ông muốn có “sự linh hoạt” về các quy định ngân sách. Chuyến thăm nước ngoài chính thức đầu tiên của Thủ tướng Anh Theresa May là đến Berlin.

Nhưng cả nước Đức và châu Âu đều đang thay đổi. Những thắng lợi gần đây của AfD đến từ tâm lý bài ngoại đang sục sôi. Thậm chí nếu bà Merkel tiếp tục làm Thủ tướng Đức sau cuộc bầu cử năm tới, bà ta sẽ nhận được ít sự ủng hộ hơn. Trong khi đó, nền kinh tế châu Âu tiếp tục hấp hối, với “đường đứt gãy” nước Ý đe dọa tạo ra cơn sốc khắp châu Âu. Niềm tin vào thể chế châu Âu đã tan biến, và quan hệ thương mại giữa các nước châu Âu đã bị xói mòn như đã được dự báo, khi các nhà xuất khẩu nhìn sang các thị trường tăng trưởng nhanh hơn ở châu Á và nước Mỹ.

Thủ tướng tiếp theo của nước Đức, dù là ai đi nữa, cũng sẽ không được nước Đức ủng hộ cũng như không được châu Âu chấp nhận để làm Thủ tướng của châu Âu. Nạn nhâu đầu tiên có thể sẽ là Hi Lạp, nơi mà, thay vì được giảm nợ như bà Merkel muốn nhưng không thể thực hiện, cuối cùng có thể sẽ phải rời khỏi khối đồng tiền chung euro, kéo toàn bộ EU vào một tương lai vô định.

Nhưng các hậu quả có lẽ không phải đều xấu hết. Không có ai lãnh đạo, các quy định tài khóa “ngớ ngẩn” sẽ dễ dàng bị phớt lờ. Sự lan rộng của chủ quyền quốc gia có thể là một bước đi tích cực, nếu điều đó dẫn đến cái mà nhà kinh tế Larry Summers của Đại học Harvard gọi là “chủ nghĩa dân tộc có trách nhiệm”. Các chính phủ khu vực đồng tiền chung Euro sẽ cần phục vụ công dân của họ hơn là các ý tưởng trừu tượng về châu Âu, và sống theo các nguyên tắc của hòm phiếu và thị trường. Một người Đức trong vai trò Thủ tướng châu Âu sẽ chỉ xé nát thêm châu Âu mà thôi.

Tác giả: Ashoka Mody là giáo sư thỉnh giảng môn Chính sách kinh tế quốc tế tại  Trường Woodrow Wilson về Quan hệ công chúng và quốc tế. thuộc Đại học Princeton. Ông nguyên là Trưởng phái đoàn của Đức và Ireland tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.

Nguồn: Ashoka Mody, “Europe after Merkel”, Project Syndicate, 13/10/2016.

Biên dịch: Trần Xuân Thủy | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Tương lai châu Âu hậu Merkel