Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 15/11, thế giới ghi nhận thêm khoảng 357.135 ca mắc COVID-19 mới và 4.561 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 241.729.093 ca, trong đó có khoảng 4.810.206 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Viacheslav Lopatin/Shutterstock)

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 15/11, thế giới có 118 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 93 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với hơn 784.500 ca tử vong trong tổng số 47,99 triệu ca mắc. Tiếp đó là Ấn Độ với hơn 463.600 ca tử vong trong số 34,44 triệu ca mắc. Brazil đứng thứ 3 với 611.300 ca tử vong trong số 21,95 triệu ca mắc.

Anh sẽ điều chỉnh quy định về “tiêm vắc-xin đầy đủ” với mũi thứ 3

Ngày 15/11, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố quy định tiêm vắc-xin COVID-19 đầy đủ sẽ được điều chỉnh với mũi bổ sung thứ 3, nhưng ông không cung cấp thông tin chi tiết về khung thời gian áp dụng quy định mới này.

Hiện nay, tại Anh, quy định tiêm vắc-xin COVID-19 đầy đủ có nghĩa là đã tiêm 2 mũi. Tất cả những người trên 40 tuổi hiện đủ điều kiện để tiêm mũi bổ sung sau 6 tháng tiêm mũi thứ 2.

Ấn Độ

Tại Ấn Độ, hành khách đến từ 99 quốc gia, những người đã được tiêm đầy đủ vắc-xin phòng COVID-19 nay có thể đến Ấn Độ mà không cần phải cách ly bắt buộc.

Theo bản hướng dẫn sửa đổi của Chính phủ Ấn Độ, một số quốc gia trong danh sách miễn trừ nêu trên bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Israel, Australia, Bỉ, Bangladesh, Phần Lan, Croatia, Hungary, Nga, Philippines, Qatar, Singapore, Sri Lanka, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ và Nepal. Biện pháp miễn trừ được áp dụng tiếp sau thỏa thuận của Ấn Độ với một số nước trong số 99 quốc gia về việc công nhận lẫn nhau chứng nhận tiêm chủng vắc-xin COVID-19 đối với những vắc-xin được quốc gia hoặc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận. Mặt khác, một số quốc gia trong danh sách “Loại A” mặc dù không có thỏa thuận công nhận vắc-xin với Ấn Độ nhưng cho phép  công dân Ấn Độ đã tiêm phòng đầy đủ nhập cảnh không phải cách ly.

Theo quy định, du khách đến từ 99 quốc gia phải tự khai báo về tình trạng tiêm chủng đầy đủ của mình tại cổng thông tin Air Suvidha, đồng thời xuất trình báo cáo xét nghiệm RT-PCR âm tính được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành. Hành khách cũng cần phải nộp một bản khai báo liên quan đến tính xác thực của báo cáo RT-PCR và sẽ phải chịu trách nhiệm truy tố hình sự nếu khai báo đó bị phát hiện là giả.

Những du khách mới chỉ tiêm một phần hoặc chưa tiêm vắc-xin COVID-19 sẽ được lấy mẫu để xét nghiệm khi đến Ấn Độ và trải qua thời gian cách ly 7 ngày tại nhà, sau đó xét nghiệm lại vào ngày thứ 8, và nếu kết quả âm tính, sẽ tiếp tục tự theo dõi sức khỏe của mình trong 7 ngày tiếp theo.

Singapore tiếp tục mở cửa biên giới

Trong cuộc họp báo ngày 15/11 của Lực lượng liên bộ đặc trách chống COVID-19 (MTF), Bộ trưởng Bộ Giao thông Singapore S. Iswaran cho biết bắt đầu từ ngày 29/11, Singapore sẽ tiếp tục áp dụng chương trình Làn Đi lại vắc-xin (VTL) với Ấn Độ, Indonesia, Qatar, Saudi Arabia và với Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) từ ngày 6/12.

Việc đăng ký Thẻ đi lại vắc-xin (VTP) sẽ bắt đầu từ 22/11 đối với hành khách từ Ấn Độ và Indonesia, và từ 29/11 đối với du khách từ Qatar, Saudi Arabia và UAE. Những người đi lại theo chương trình VTL sẽ không phải cách ly tại nhà. Thay vào đó, họ phải có xét nghiệm nhanh (ART) âm tính trong vòng 2 ngày trước khi khởi hành và phải tiến hành xét nghiệm PCR khi đến nơi.

Chương trình VTL được bắt đầu từ ngày 8/9 giữa Singapore với Brunei và Đức. Cho đến nay,  Singapore đã triển khai chương trình VTL với Australia, Brunei, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Italy, Hà Lan, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh và Mỹ. Chương trình VTL giữa Singapore với Malaysia, Phần Lan và Thụy Điển cũng đã được công bố và sẽ bắt đầu triển khai từ ngày 29/11.

MTF cũng cho biết, bắt đầu từ ngày 19/11, Chile, Ethiopia, Ấn Độ, Myanmar và Sri Lanka sẽ được xếp vào các nước thuộc Nhóm II, trong khi Maroc sẽ được xếp vào các nước thuộc Nhóm III.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: