Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 7/4, thế giới ghi nhận thêm khoảng 787.441 ca mắc COVID-19 mới và 2.558 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 438.466.381 ca, trong đó có khoảng 5.643.748 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: siam.pukkato/Shutterstock)

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 7/4, thế giới có 66 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới.

Trong 1 ngày qua, Hàn Quốc tiếp tục là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 224.000 ca), trong khi nước này cũng là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 340 ca. Trung Quốc cũng chứng kiến xu thế dịch đáng ngại khi số ca mắc mới tăng mạnh, khiến nhà chức trách nước này quyết định phong tỏa một số thành phố lớn, qua đó tiếp tục kiên trì với chiến lược “Zero-COVID”.

Sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang từng bước trở lại cuộc sống trước đại dịch, coi COVID-19 như một loại bệnh đặc hữu.

Mỹ tiếp tục đứng đầu thế giới về số ca mắc và tử vong, với hơn 81,9 triệu ca mắc và hơn 1 triệu ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ 2 về số ca mắc (hơn 43 triệu ca) trong khi Brazil đứng thứ 2 về số ca tử vong với 660.782 ca.

Đức: Người trên 60 tuổi không thuộc nhóm bắt buộc phải tiêm vắc-xin ngừa COVID-19

Quốc hội Đức bác đề xuất bắt buộc người trên 60 tuổi phải tiêm vắc-xin ngừa COVID-19. Dự luật trên quy định áp dụng nghĩa vụ tiêm chủng bắt buộc đối với những người từ 60 tuổi trở lên kể từ tháng 10 tới và tất cả những người trên 18 tuổi phải được tư vấn tiêm chủng. Tuy nhiên, văn kiện được liên minh cầm quyền đề xuất này chỉ nhận được sự ủng hộ của 296 nghị sĩ, trong khi có tới 378 nghị sĩ phản đối và 9 nghị sĩ bỏ phiếu trắng. Như vậy, sẽ không có quy định tiêm chủng bắt buộc đối với các nhóm cư dân nào khác ngoài nhân viên trong các cơ sở y tế theo quy định có hiệu lực từ tháng 3 vừa qua.

Canada khuyến nghị tiêm mũi vắc-xin COVID-19 thứ 4

Đối tượng tiêm là những người từ 80 tuổi trở lên trong cộng đồng và người sống trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe dài hạn. Ủy ban Tư vấn quốc gia về tiêm chủng (NACI) nhấn mạnh khả năng bảo vệ của vắc-xin trước bệnh nặng có thể giảm dần theo thời gian sau mũi tiêm thứ 3, vì vậy cần ngăn chặn nguy cơ này và giảm thiểu rủi ro mắc các biến thể có khả năng lây truyền cao. NACI cũng khuyến cáo chính quyền các địa phương xem xét cung cấp mũi vắc-xin thứ 4 cho người từ 70-79 tuổi sống trong cộng đồng.

Đài Loan điều chỉnh chiến lược ứng phó với dịch bệnh, từ bỏ “Zero-COVID”

Ngày 7/4, Bộ trưởng Y tế Đài Loan Chen Shih-chung (Trần Thời Trung) tuyên bố rằng nước này sẽ điều chỉnh chiến lược ứng phó với đại dịch, theo đó chuyển hướng sang giảm thiểu số ca bệnh nặng để sống chung với virus corona thay vì tìm cách đưa số ca mắc về 0, hay còn gọi là chiến lược “Zero-COVID”. Như vậy, hiện chỉ còn lại Trung Quốc Đại Lục và Hồng Kông tiếp tục theo đuổi chiến lược “Zero-COVID”.

Theo Bộ trưởng Y tế Đài Loan, quốc gia này sẽ không trì hoãn tiến trình mở cửa trở lại nhưng sẽ duy trì công tác quản lý hiệu quả, với mục tiêu trọng tâm là giảm thiệu thiệt hại.

Kể từ khi dịch bùng phát đại dịch bùng phát, Đài Loan đã hạn chế đi lại, đồng thời áp dụng các quy định cách ly nghiêm ngặt, giúp hạn chế số ca mắc ở mức thấp. Dẫu vậy, trong đợt bùng dịch mới, chính quyền Đài Loan đã cho thấy những lựa chọn khác, theo hướng của một số quốc gia từng áp dụng chiến lược “Zero-COVID” nhưng nay đã mở cửa trở lại như Singapore, Úc và New Zealand.

Trong tháng 3, số ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày tại Đài Loan duy trì ở mức 1 con số nhưng sau đó tăng dần kể từ khi quốc gia này ghi nhận 87 ca mắc mới vào ngày 31/3. Ngày 7/4, Đài Loan ghi nhận 382 ca mắc mới, mức cao nhất trong năm nay, đồng thời là ngày thứ 7 liên tiếp số ca mắc mới ở Đài Loan trên mức 100 ca/ngày.

Theo Bộ trưởng Y tế, nước này hiện vẫn chưa thể hoàn toàn sống chung với COVID-19 nhưng dự kiến sẽ dần dần nới lỏng các quy định về cách ly.

Phan Anh (tổng hợp)