Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 17/7, thế giới ghi nhận thêm khoảng 472.000 ca mắc COVID-19 mới và 6.800 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 189.438.114 ca, trong đó có khoảng 4.065.220 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh: Par Adirach Toumlamoon/Shutterstock)

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Anh (54.674 ca), Indonesia (51.952 ca) và Ấn Độ (41.222 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Indonesia (1.092 ca), Nga (787 ca) và Brazil (766 ca).

Tại Indonesia, ngày 17/7, quốc gia này ghi nhận thêm 51.952 ca mắc và 1.092 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm và ca tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này lên lần lượt là 2.832.755 và 72.489 ca.

Đây là lần thứ 4 Indonesia ghi nhận trên 50.000 ca mắc mới trong một ngày và là lần thứ 3 số ca tử vong vượt mức 1.000 ca/ngày.

Trong những tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã gia tăng đột biến và lập kỷ lục với 56.757 ca mắc ghi nhận ngày 15/7 và 1.205 ca tử vong thông báo ngày 16/7. Số liệu của Bộ Y tế cho thấy tính đến nay đã có 41.268.627 người tại Indonesia được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin COVID-19, trong đó 16.217.855 người đã được tiêm đầy đủ 2 liều.

Tại Thái Lan, số ca mắc mới COVID-19 gia tăng liên tục đã khiến giới chức trách cấm các cuộc tụ tập đông người trên toàn quốc, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này lần đầu tiên ghi nhận 2 cột mốc quan trọng khi số ca tử vong hàng ngày do COVID-19 lên tới 3 con số và số ca nhiễm mới lần đầu tiên ở mức 5 con số. Số liệu do Bộ Y tế Thái Lan công bố ngày 17/7 cho thấy quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận 10.082 ca nhiễm mới COVID-19 cùng 141 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua. Như vậy, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 391.989 ca mắc COVID-19 kể từ đầu mùa dịch, trong đó có 3.240 người không qua khỏi.

Trước việc số ca lây nhiễm gia tăng trong những ngày qua, Thủ tướng Prayut đã chỉ thị các lực lượng vũ trang và cảnh sát quốc gia chung tay với chính quyền thủ đô Bangkok để bố trí hơn 200 đội triển khai nhanh nhằm tiến hành xét nghiệm COVID-19 tận nhà dân ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của thành phố, nơi hiện là tâm điểm của làn sóng COVID-19 thứ 3 ở Thái Lan.

Tại Nhật Bản, ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 thông báo đã ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên tại Làng vận động viên ở thủ đô Tokyo.

Trong cuộc họp báo sáng 17/7, người phát ngôn của Ủy ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 Masa Takaya cho biết: “Đã có 1 ca mắc COVID-19. Đây là trường hợp đầu tiên ghi nhận tại Làng vận động viên trong quá trình xét nghiệm sàng lọc”.

Giám đốc điều hành Olympic Tokyo 2020, ông Toshiro Muto, đã xác nhận thông tin này. Tuy nhiên, quốc tịch của bệnh nhân sẽ không được công bố do nhằm đảm bảo quyền riêng tư.

Thông tin về ca mắc COVID-19 ngay trong Làng vận động viên của Olympic Tokyo 2020 đã làm dấy lên lo ngại về virus corona có thể lây lan trong những người đang lưu trú tại đây, khi các đoàn thể thao quốc tế bắt đầu đổ về để chuẩn bị cho giải đấu khai mạc vào ngày 23/7 tới.

Do dịch bệnh COVID-19, ban tổ chức Olympic Tokyo đã quyết định các sự kiện ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận là Chiba, Kanagawa và Saitama sẽ diễn ra mà không có khán giả.

Tại Pháp, ngày 17/7, nước này tuyên bố sẽ yêu cầu những người đến từ một số quốc gia châu Âu mà chưa tiêm vắc-xin COVID-19 đầy đủ phải xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính được thực hiện trong vòng 24 giờ trước khi đến. Trong một tuyên bố, Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết quy định này áp dụng với những người đến từ Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Cyprus, Hy Lạp, Hà Lan và có hiệu lực từ 0h ngày 18/7.

Theo Thủ tướng Pháp, những người được coi là tiêm chủng đầy đủ hiện nay sẽ là 1 tuần sau khi họ tiêm liều thứ 2 các loại vắc-xin của hãng Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca, thay vì 14 ngày như hiện nay, và 28 ngày sau khi tiêm vắc-xin của hãng Johnson & Johnson. Pháp cũng sẽ chấp nhận vắc-xin của hãng Covishield, một phiên bản của hãng AstraZeneca, được sản xuất tại Ấn Độ.

Tại Anh, chính phủ nước này đã thay đổi vào phút cuối về việc kéo dài quy định cách ly đối với những người từ Pháp trở về Anh. Theo kế hoạch, Chính phủ Anh dự định từ đầu tuần tới dỡ bỏ hầu hết những biện pháp hạn chế dịch bệnh ở Anh và những người đã tiêm vắc-xin COVID-19 đầy đủ sẽ không phải thực hiện cách ly sau khi trở về từ những khu vực mà Anh cho là có nguy cơ lây nhiễm cao ở châu Âu. Tuy nhiên, đến cuối ngày 16/7, chính phủ tuyên bố do biến thể Beta phát hiện đầu tiên ở Nam Phi vẫn đang lây lan ở Pháp nên quy định cách ly 10 ngày sẽ vẫn được duy trì đối với những người trở về từ một trong những điểm đến yêu thích của người Anh này.

Các nhà khoa học lo ngại rằng biến thể Beta có khả năng kháng các loại vắc-xin cao hơn, đặc biệt là vắc-xin của hãng AstraZeneca. Theo số liệu thống kê mới nhất, số ca nhiễm biến thể Beta tại Anh không nhiều nhưng chiếm đến 11% số ca mắc COVID-19 tại Pháp. Hiện số ca nhiễm biến thể Delta mới chiếm đa số tại cả Anh và Pháp.

Cùng ngày 17/7, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết ông đã có kết quả dương tính với COVID-19 sau khi xét nghiệm nhanh nhưng các triệu chứng rất nhẹ.

Tại Mỹ, trong bối cảnh rất nhiều học sinh đã quay trở lại trường để học trực tiếp toàn thời gian, một số tiểu bang ở Mỹ đang có kế hoạch yêu cầu tất cả học sinh phải đeo khẩu trang. Ngược lại, tại một số tiểu bang khác, các lệnh hành pháp đã được đưa ra nhằm cấm việc ban hành các yêu cầu về việc đeo khẩu trang. Với các quy định luôn thay đổi khi nhiều tiểu bang giao cho các trường học tại địa phương đưa ra những quy định riêng đang khiến cho nhiều phụ huynh, giáo viên và học sinh tại Mỹ băn khoăn.

Hiện có 7 tiểu bang tại Mỹ thông báo rằng họ sẽ yêu cầu học sinh đeo khẩu trang khi đến trường, bất kể tình trạng tiêm chủng, bao gồm Connecticut, Delaware, Hawaii, New Mexico, New York, Virginia và Washington. Theo hướng dẫn của cơ quan y tế tiểu bang Washington đưa ra vào đầu tháng này, tất cả nhân viên ở trường học, tình nguyện viên, du khách và học sinh phải đeo khăn che mặt bằng vải hoặc một vật thay thế có thể chấp nhận được, như khẩu trang y tế, ở trường bất kể tình trạng tiêm chủng. Tuy nhiên, ở tiểu bang này, khẩu trang không được yêu cầu phải đeo khi ở ngoài trời dễ dẫn đến sự nhầm lẫn về thời điểm bắt buộc và không bắt buộc đeo khẩu trang.

Trong khi đó, tiểu bang California đã nhanh chóng đảo ngược chính sách đeo khẩu trang sau khi thông báo rằng những học sinh đến trường mà không đeo khẩu trang sẽ bị từ chối tiếp nhận. Hiện tại, tiểu bang này sẽ trao quyền quyết định về vấn đề đeo khẩu trang cho từng chính quyền cấp địa hạt. Cơ quan y tế của California cho biết hướng dẫn của tiểu bang này sẽ làm rõ vấn đề liên quan đến việc sử dụng khẩu trang nhằm đảm bảo điều kiện để các trường học mở cửa trở lại trực tiếp.

Đáng chú ý, ngay cả trong số các tiểu bang yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc, có những chính sách chỉ dẫn vẫn đang thay đổi. Tiểu bang New Mexico đang áp dụng hướng dẫn được ban hành vào tháng 4, theo đó tất cả học sinh đang đi học đều phải đeo khẩu trang. Tuy nhiên, giới chức trách New Mexico hiện đang xem xét lại chính sách của mình sau khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ của Mỹ đã cập nhật hướng dẫn mới liên quan đến vấn đề này.

Bất chấp hướng dẫn của CDC về việc sử dụng khẩu trang nhất quán và đúng cách là đặc biệt quan trọng ở trong nhà và những nơi đông người, khi không thể duy trì khoảng cách cần thiết, các tiểu bang Arizona, Georgia, Iowa, South Carolina, Texas, Utah và Vermont đã ban hành luật cấm các cơ sở đào tạo yêu cầu đeo khẩu trang trong trường học. Trong khi đó, các tiểu bang Illinois và Michigan có những chính sách trên toàn tiểu bang quy định rằng khẩu trang chỉ được yêu cầu đối với học sinh chưa tiêm vắc-xin.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: