Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 20/7, thế giới ghi nhận thêm khoảng 440.000 ca mắc COVID-19 mới và 6.421 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 190.697.344 ca, trong đó có khoảng 4.084.433 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par cktravels.com/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus corona nhiều nhất thế giới gồm: Anh (46.558 ca), Ấn Độ (42.123) và Indonesia (38.325 ca); Brazil dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.303 ca), tiếp theo là Indonesia (với 1.280 ca) và Nga (784 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 35.070.385 người, trong đó có 625.217 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 31.215.142  ca nhiễm, bao gồm 414.657 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ 3 với 19.419.437 ca bệnh và 5424.180 ca tử vong.

Tại Pháp, ngày 20/7, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cho hay trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 18.181 ca mắc mới COVID-19, đồng thời cảnh báo số ca mắc mới đang tăng nhanh ở mức “chưa từng thấy” do sự lây lan của biến thể Delta.

Phát biểu trước Quốc hội Pháp, Bộ trưởng Veran cho hay thống kê mới nhất cho thấy sự lây lan của biến thể Delta gia tăng ở mức 150% trong tuần trước và đây là mức chưa từng thấy đối với chủng virus gốc, hay biến thể Alpha, biến thể Gamma. Ông Veran cho rằng trong bối cảnh nhiều người hoài nghi vắc-xin. số liệu mới cho thấy rằng điều này không còn thời gian cho sự  nghi ngờ và do dự  và việc đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng thông qua tỷ lệ tiêm chủng cao là cách duy nhất để nước Pháp thoát khỏi sự lây nhiễm này.

Hiện tỷ lệ lây nhiễm tại Pháp đang ở mức cao nhất kể từ giữa tháng 5 khi nước này bắt đầu dỡ bỏ lệnh phong tỏa thứ ba. Trong bối cảnh làn sóng thứ 4 bủa vây, quốc gia châu Âu này cũng đẩy mạnh chương trình tiêm chủng. Cho tới nay, mới chỉ có 45% dân số Pháp tiêm đủ liều vắc-xin.

Tại Anh, ngày 20/7, thời điểm bắt đầu thực hiện nới lỏng hầu hết các hạn chế, quốc gia này đã ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất thế giới, với 46.558 trường hợp. Điều này đồng nghĩa với việc số ca mắc mới từ ngày 14-20/7 đã tăng 40,7% so với 7 ngày trước đó. Bên cạnh đó, Anh cũng ghi nhận 96 ca tử vong mới do COVID-19.

Theo thống kê, tính đến ngày 19/7, 46,35 triệu người dân Anh đã tiêm liều vắc-xin đầu tiên và 36,24 triệu người đã hoàn thành 2 liều.

Các nước châu Âu từng là điểm nóng ở thời kỳ đầu như Tây Ban Nha, Ý cũng đang chứng kiến số ca lây nhiễm tăng mạnh trở lại. Tây Ban Nha ghi nhận 27.286 ca nhiễm trong 24 giờ qua; Ý là 3.558 ca. Tổng số ca lây nhiễm ở châu Âu hiện đã vượt qua mốc 50 triệu trường hợp.

Tại Ấn Độ, nghiên cứu của Trung tâm phát triển toàn cầu (Mỹ) ước tính số ca tử vong do mắc COVID-19 tại Ấn Độ có thể cao gấp 10 lần so với con số gần 415.000 người mà nhà chức trách nước này thông báo.

Để đưa ra được con số trên, Trung tâm phát triển toàn cầu đã phân tích dữ liệu ghi được tại Ấn Độ kể từ khi dịch bệnh bùng phát tới tháng 6 vừa qua. Kết quả cho thấy có từ 3,4-4,7 triệu người tại Ấn Độ đã tử vong do COVID-19. Các nhà nghiên cứu của trung tâm khẳng định số ca tử vong thực tế tại Ấn Độ lên tới hàng triệu, không phải hàng trăm nghìn người.

Trong những tuần gần đây, nhiều bang của Ấn Độ cũng đã điều chỉnh thống kê số người tử vong. Trong tháng này, ông Christophe Guilmoto, một chuyên gia về nhân khẩu học Ấn Độ thuộc Viện nghiên cứu phát triển (Pháp) ước tính số ca tử vong của Ấn Độ tính tới cuối tháng 5 lên tới gần 2,2 triệu người. Theo ông, tỷ lệ tử vong do mắc COVID-19 tại Ấn Độ chiếm gần 50% trung bình toàn thế giới. Mô hình của Viện đo lường và đánh giá sức khỏe (Mỹ) cũng cho rằng số người tử vong do COVID-19 tại Ấn Độ lên tới hơn 1,25 triệu người.

Tháng trước, Bộ Y tế Ấn Độ đã chỉ trích tạp chí The Economist vì đăng tải thông tin số ca tử vong thực tế tại quốc gia Nam Á này cao hơn từ 5-7 lần so với con số thống kê chính thức, coi đây là thông tin “không chính xác”. Trong báo cáo đưa ra hồi tháng 5 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng số người tử vong trên thế giới do mắc COVID-19 hoặc các nguyên nhân khác có thể cao gấp 3 lần so với con số thống kê chính thức.

Tại Nhật Bản, hãng dược phẩm Roche của Thụy Sĩ ngày 20/7 thông báo “xứ sở hoa anh đào” đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn thuốc kháng thể Ronapreve để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ tới trung bình. Thuốc Ronapreve do hãng dược Thụy Sĩ Roche và công ty công nghệ sinh học Mỹ Regeneron hợp tác phát triển.

Giám đốc phát triển sản phẩm của Roche, ông Levi Garraway, nêu rõ Ronapreve đã được chứng minh có thể tăng tỷ lệ sống sót ở những người có nguy cơ cao, giảm nguy cơ nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân mắc COVID-19 không nhập viện. Thuốc Ronaperve có thể duy trì hoạt động chống lại các biến thể mới của virus corona, trong đó có biến thể Delta. Điều này đã được chứng minh trong các thử nghiệm tiền lâm sàng.

Theo Roche, thử nghiệm giai đoạn 3 thuốc Ronapreve cho thấy tỷ lệ phải nhập viện và tử vong của các bệnh nhân được điều trị bằng thuốc này giảm tới 70%. Bên cạnh đó, thuốc còn có thể rút ngắn thời gian biểu hiện triệu chứng bệnh xuống còn 4 ngày. Các thử nghiệm giai đoạn 1 đã cho thấy sự an toàn và khả năng dung nạp thuốc của người dân Nhật Bản.

Hiện thuốc này đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp hoặc tạm thời trong đại dịch ở một số quốc gia và khu vực, trong đó có Liên minh châu Âu, Mỹ, Ấn Độ, Thụy Sĩ và Canada.

Tại Hàn Quốc, số ca mắc mới COVID-19 tại nước này trong 24 giờ qua vẫn ở mức trên 1.200 ca. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp, số ca mắc mới ở Hàn Quốc ở mức trên 1.200 ca.

Cụ thể, Hàn Quốc thông báo ghi nhận thêm 1.278 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.242 ca lây nhiễm trong cộng đồng, đưa tổng số ca mắc bệnh lên 180.481 ca. Trong 2 tuần qua, số ca mắc mới theo ngày ở Hàn Quốc liên tục ở mức trên 1.000 ca.

Giới chức trách Hàn Quốc đã bày tỏ quan ngại về sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta. Riêng trong tuần trước, nước này ghi nhận thêm 1.252 ca nhiễm biến thể của virus corona, trong đó có tới 951 ca nhiễm biến thể Delta. Tính đến nay, số ca nhiễm biến thể tại Hàn Quốc đã vượt mốc 4.600 ca lên mức 4.605 ca.

Tại Thái Lan, nội các nước này đã gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc thêm 2 tháng cho tới cuối tháng 9 nhằm ứng phó với tình hình COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Phó phát ngôn viên chính phủ Traisuree Taisaranakul cho biết việc gia hạn từ ngày 1/8 đến ngày 30/9 là theo đề xuất của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), đơn vị phụ trách các hoạt động của Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) của chính phủ. Theo bà Traisuree, việc gia hạn tình trạng khẩn cấp là cần thiết để tạo điều kiện cho việc triển khai nhanh chóng và tích hợp các biện pháp kiểm soát COVID-19 vì lợi ích an toàn cộng đồng. Quyết định này là để ứng phó với việc hàng nghìn ca nhiễm mới COVID-19 được ghi nhận hàng ngày ở vùng Bangkok mở rộng.

Quốc gia Đông Nam Á này ngày 20/7 ghi nhận thêm 11.305 ca mới cùng 80 ca tử vong, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 426.475 ca, trong đó có 3.502 người không qua khỏi. Vùng đô thị Bangkok mở rộng gồm thủ đô và các tỉnh lân cận có nhiều ca mới nhất, với 5.468 ca nhiễm cùng 45 ca tử vong trong 24 giờ qua.

Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia đang được coi là tâm dịch. Trong những ngày gần đây, Indonesia đã vượt Ấn Độ và Brazil trở thành “tâm dịch” của thế giới, với số ca tử vong trong ngày 19/7 ở mức cao nhất từ trước đến nay, với 1.338 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm mới trong ngày cũng lên tới hơn 50.000 ca, cao gấp khoảng 10 lần so với mức trung bình hồi đầu tháng 6, do sự xuất hiện của biến thể Delta trên khắp cả nước. Số ca nhiễm mới tăng đã chất thêm gánh nặng đối với hệ thống y tế nước này. Nhiều bệnh viện ở thủ đô Jakarta và trên khắp đảo Java đông dân đã rơi vào cảnh quá tải và thiếu oxy trầm trọng.

Tuy nhiên, ngày 20/7, Tổng thống Joko Widodo thông báo chính phủ nước này sẽ dần nới lỏng lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp từ ngày 26/7 tới nếu số ca mới giảm. Ông Widodo khẳng định: “Nếu số ca mắc COVID-19 tiếp tục xu hướng giảm, chính phủ sẽ tiến hành mở cửa dần dần vào ngày 26/7 tới”.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: