Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 30/4, thế giới ghi nhận thêm khoảng 412.062 ca mắc COVID-19 mới và 1.223 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 453.025.659 ca, trong đó có khoảng 5.691.417 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Oxana A/Shutterstock)

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 30/4, thế giới có 82 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới và 41 nước có người tử vong vì căn bệnh này, giảm mạnh so với cách đây vài tuần. So với mấy ngày gần đây, số ca mắc mới và tử vong vì đại dịch đang có xu thế đi ngang.

Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm và tử vong nhất thế giới. Số ca mắc ở Mỹ (83.037.059 ca) cao gấp đôi ở Ấn Độ (43.075.864 ca). Số ca tử vong ở Ấn Độ (523.803) bằng một nửa ở Mỹ (1.020.660ca). Brazil nhiều ca tử vong hơn Ấn Độ (663.484 ca) trong khi ít ca mắc hơn (30.433.042 ca).

Trong 24 giờ qua, Đức là nước có số ca mắc mới cao nhất (với trên 57.000 ca), trong khi Nga là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với 150 ca.

Trung Quốc cũng chứng kiến xu thế dịch đáng ngại khi số ca mắc mới tăng mạnh, khiến nhà chức trách nước này quyết định phong tỏa một số thành phố lớn, đồng thời chiến lược “Zero-COVID” áp dụng từ đầu dịch cũng chuyển thành “Zero-COVID linh hoạt”.

Trung Quốc: Bắc Kinh siết chặt các biện pháp phòng dịch

Chính quyền thành phố Bắc Kinh đã siết chặt các biện pháp phòng dịch nhằm kiểm soát làn sóng dịch do biến thể Omicron gây ra. Theo thông báo đăng tải trên trang chính thức của chính quyền Bắc Kinh trên WeChat, kể từ ngày 5/5, tức là sau kỳ nghỉ lễ Ngày Quốc tế lao động, người dân buộc phải có xét nghiệm âm tính với virus corona để có thể tới các địa điểm công cộng và tham gia các phương tiện công cộng.

Biện pháp này đã được thông báo trước đó và có hiệu lực trong đợt nghỉ lễ Ngày Quốc tế lao động kéo dài 5 ngày từ ngày 1/5. Đối với các hoạt động khác như sự kiện thể thao, đi du lịch theo nhóm, người dân cần có xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 48 giờ cùng với chứng nhận hoàn thành tiêm chủng. Theo kế hoạch, thành phố Bắc Kinh sẽ tiến hành xét nghiệm COVID-19 miễn phí cho toàn bộ cư dân, bắt đầu từ ngày 3/5 tới.

Trong ngày 30/4, giới chức Bắc Kinh cũng bổ sung 4 khu vực vào danh sách các vùng nguy cơ trung bình do dịch COVID-19, nâng tổng số khu vực được xếp loại cùng cấp độ là 23 khu vực. Trong khi đó, hiện có 6 khu vực tại Bắc Kinh được xếp loại nguy cơ cao về dịch.

Ngày 30/4, Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo Trung Quốc đại lục ngày 29/4 đã ghi nhận 1.410 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong số này tập trung chủ yếu tại Thượng Hải với 1.249 ca. Số còn lại được ghi nhận tại Bắc Kinh, Quảng Đông và Tứ Xuyên.

Thành phố Thượng Hải cũng ghi nhận 8.932 ca trong tổng số 9.293 ca mắc không triệu chứng trên cả nước. Thành phố đông dân nhất Trung Quốc này cũng ghi nhận thêm 47 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh không qua khỏi tại nước này lên 5.022 ca.

Úc: Bang Victoria phát hiện dấu vết dòng phụ của Omicron trong nước thải

Tại Úc,  giới chức y tế bang Victoria đã phát hiện dấu vết của dòng phụ BA.2.12.1 của biến thể Omicron trong nước thải tại Melbourne. Theo đó, Cơ quan y tế Victoria xác nhận dấu vết của biến thể phụ này được phát hiện vào ngày 29/4 và sẽ ưu tiên giải trình tự các mẫu xét nghiệm PCR của các bệnh nhân COVID-19 tại khu vực ghi nhận dấu vết của dòng phụ BA.2.12.1 nhằm đánh giá mức độ lây lan của biến thể này. Theo Cơ quan y tế Victoria, các bằng chứng ban đầu cho thấy biến thể phụ BA.2.12.1 có khả năng lây nhiễm hơn so với dòng phụ BA.2, song không gây triệu chứng nặng.

Việc phát hiện dấu vết của biến thể phụ BA.2.12.1 được công bố chỉ 1 ngày sau khi bang láng giềng New South Wales (NSW) ghi nhận ca đầu tiên mắc dòng phụ BA.4, là người vừa trở về từ Nam Phi. Sự xuất hiện liên tiếp của các dòng phụ của biến thể Omicron đang khiến chuyên gia y tế nước này quan ngại. Giáo sư dịch tễ Adrian Esterman thuộc Đại học South Úc nhận định biến thể phụ BA.2.12.1 có dấu hiệu lây lan mạnh tại Mỹ, trong khi  BA.4 lại nhanh chóng trở thành biến thể chủ đạo tại Nam Phi.

Do vậy, việc số ca mắc gia tăng sẽ có nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ nhập viện và càng nhiều người mắc hội chứng COVID-19 kéo dài. Theo ông Esterman, dường như biến thể phụ BA.4 có khả năng “lẩn tránh” miễn dịch tốt hơn so với BA.2, do vậy những người đã từng mắc COVID-19 có thể tái nhiễm dễ dàng hơn.

Ba Lan sắp hạn mức phân loại dịch bệnh COVID-19

Bộ trưởng Y tế Ba Lan Adam Niedzielski thông báo từ giữa tháng 5 tới nước này sẽ hạ mức phân loại dịch bệnh COVID-19, theo đó ghi nhận đây là dịch bệnh nguy hiểm thay vì đại dịch.

Theo Bộ trưởng Niedzielski, quyết định trên được đưa ra sau khi thảo luận ở nhiều cấp trong chính phủ và qua “phân tích pháp lý”. Ba Lan đã gỡ bỏ hầu hết các hạn chế được áp đặt hồi tháng 3/2020 để ứng phó với dịch COVID-19. Hiện nước này chỉ quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế. Ba Lan đã ghi nhận tổng cộng hơn 6 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 116.042 ca tử vong. Gần 22,5 triệu người trong tổng số 38,5 triệu dân nước này đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin ngừa COVID-19.

Phan Anh (tổng hợp)

Điều mà chúng ta thấy và Điều mà chúng ta không thấy