Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 6/2, thế giới ghi nhận thêm khoảng 1,7 triệu ca mắc COVID-19 mới và 5.700 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 352.499.237 ca, trong đó có khoảng 5.329.478 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par Evtushkova Olga/Shutterstock)

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (180.071 ca), Pháp (155.439 ca) và Đức (114.424 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (897 ca), Nga (661 ca) và Mexico (588 ca).

Xét từ đầu đại dịch COVID-19, Mỹ có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 78 triệu ca, tiếp theo là Ấn Độ với 42,2 triệu ca; Brazil với 26,5 triệu ca. Về số ca tử vong, Mỹ cũng ghi nhận nhiều nhất với trên 925.000 ca, tiếp đó là Brazil với trên 632.000 ca, trong khi con số này ở Ấn Độ là trên 502.900 ca.

Nga ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới cao kỷ lục 

Giới chức Nga cho biết nước này ghi nhận 180.071 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua. Đây là số ca mắc mới ghi nhận hằng ngày cao kỷ lục kể từ khi dịch bệnh này bùng phát ở Nga, trong bối cảnh biến thể Omicron tiếp tục lây lan rộng. Số ca mắc mới ở Nga liên tục lập kỷ lục trong những ngày gần đây.

Bên cạnh đó, giới chức Nga xác nhận có thêm 661 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lên 335.414 ca trong tổng số 12.810.118 ca bệnh.

Số ca mắc COVID-19 tại Áo vượt 2 triệu

Theo dữ liệu của Bộ Nội vụ Áo, tổng số ca mắc COVID-19 được ghi nhận tại nước này kể từ khi đại dịch khởi phát đã vượt 2 triệu người.

Từ ngày 5/2, số người mắc COVID-19 ở Áo vượt 2 triệu người. Trong ngày 6/2, Áo có thêm 29.324 ca mắc mới.

Gần đây, Áo đã chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng do biến thể Omicron. Số ca mắc hàng ngày ở nước này dao động khoảng 30.000 trường hợp trong 2 tuần qua.

Ngày 5/2 cũng là thời điểm chính sách tiêm chủng ngừa COVID-19 bắt buộc của Áo chính thức có hiệu lực. Tiêm chủng ngừa COVID-19 hiện là bắt buộc đối với tất cả người trưởng thành ở Áo, với các hình phạt nếu không tuân thủ. Dữ liệu chính thức cho thấy tính đến ngày 4/2, 75,7% dân số Áo đã tiêm ít nhất một liều vắc-xin ngừa COVID-19.

Malaysia đạt mục tiêu tiêm chủng của WHO

Malaysia đã đạt được mục tiêu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề ra là 70% dân số hoàn thành tiêm chủng ngừa COVID-19 vào giữa năm 2022.

Số liệu thống kê của trang “Our World in Data (OWID)” cho thấy Malaysia đã tiêm chủng cho hơn 70% dân số.

Theo OWID, Malaysia là một trong 20 quốc gia hàng đầu có tỷ lệ dân số hoàn thành tiêm chủng cao nhất.

Tính đến ngày 4/2 vừa qua, 78,8% dân số Malaysia đã hoàn thành tiêm chủng, theo đó 25,7 triệu liều vắc-xin đã tiêm. Song song với đó, 517.107 trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 11 đã đăng ký tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 của hãng Pfizer, qua đó hơn 80% dân số nước này sẽ tiêm chủng đầy đủ.

Đăng tải trên website, WHO cho rằng sự xuất hiện nhanh chóng của biến thể Omicron là lời cảnh báo rõ ràng về mối đe dọa dịch bệnh và cho thấy tầm quan trọng của mức độ bao phủ tiêm chủng ở tất cả các quốc gia.

Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin ngày 6/2 cho biết nước này đang ở giữa làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron và số ca mắc mới COVID-19 sẽ sớm tăng lên tới 15.000 ca/ngày.

Trong một tuyên bố đăng tải trên trang Twitter cá nhân, ông Khairy viết: “Số ca mắc mới mỗi ngày tại Malaysia sẽ sớm tăng lên 15.000 ca khi biến thể Omicron chiếm ưu thế. Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn còn 1 triệu người cao tuổi chưa tiêm liều vắc-xin bổ sung”.

Trước đó, đăng tải trên trang Twitter cùng ngày, Tổng Thư ký Bộ Y tế Malaysia, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah dự báo số ca mắc mới hằng ngày ở nước này sẽ quay trở lại thời kỳ cao điểm khoảng 22.000 ca vào cuối tháng 3 tới nếu mức độ lây nhiễm (R0) vẫn ở mức 1,2. Tuy nhiên, do mức độ bao phủ vắc-xin của Malaysia đang rất tốt nên sẽ hạn chế được những ca bệnh có biểu hiện nghiêm trọng. Ông cũng khuyến cáo người dân nên tiêm liều vắc-xin bổ sung cũng như tuân thủ các quy trình vận hành tiêu chuẩn (giãn cách xã hội) để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: