Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 27/9, thế giới ghi nhận thêm khoảng 303.536 ca mắc COVID-19 mới và 5.047 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 223.453.489 ca, trong đó có khoảng 4.526.642 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par Cat Box/Shutterstock)

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 27/9, thế giới có 127 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 101 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 43.750.983 ca mắc và 706.472 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 33 triệu ca mắc và trên 446.000 ca tử vong. Đứng thứ 3 là Brazil với trên 21 triệu ca bệnh, trong đó trên 593.000 ca tử vong.

Mỹ thử nghiệm thuốc kháng virus dạng viên

Ngày 27/9, hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ thông báo đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn giữa và cuối loại thuốc viên kháng virus corona dành cho những người có khả năng đã nhiễm bệnh.

Theo giám đốc phụ trách khoa học của Pfizer Mikael Dolsten,  đối phó với virus corona đòi hỏi các liệu pháp điều trị hiệu quả đối với những người đã tiếp xúc hoặc phơi nhiễm với virus corona, bổ sung các tác động từ vắc-xin phòng COVID-19. Từ tháng 3/2020, hãng Pfizer đã bắt đầu phát triển thuốc điều trị COVID-19 dạng viên, có tên PF-07321332, và tiến hành thử nghiệm kết hợp với thuốc Ritonavir, vốn được sử dụng kết hợp với các thuốc khác để kiểm soát lây nhiễm HIV.

Theo Pfizer, thử nghiệm có sự tham gia của 2.660 người trưởng thành, là những người bắt đầu có triệu chứng bệnh hoặc được xác định mới tiếp xúc với nguồn bệnh. Những tình nguyện viện này sẽ được chỉ định ngẫu nhiên uống thuốc PF-07321332 kết hợp với ritonavir hoặc uống giả dược 2 lần/ngày trong 5 hoặc 10 ngày. Mục đích của cuộc thử nghiệm là đánh giá độ an toàn và hiệu quả của PF-07321332 trong việc ngăn chặn lây nhiễm virus corona và sự phát triển của các triệu chứng bệnh trong 14 ngày.

Nhiều hãng dược khác đang thử nghiệm các thuốc đường uống hiện có để điều trị COVID-19, song Pfizer là hãng dược đầu tiên bào chế thuốc viên chống virus corona.  Tuy nhiên, thuốc PF-07321332, nếu được cấp phép, chỉ được dùng điều trị cho bệnh nhân mới nhiễm bệnh. Khi bệnh đã chuyển biến nặng, phần lớn virus đã ngừng nhân bản, việc dùng thuốc có thể tạo phản ứng thái quá của hệ miễn dịch, gây nguy hiểm cho bệnh nhân.

Nhật Bản nới lỏng quy định về cách ly với người nhập cảnh đã tiêm vắc-xin COVID-19

Chính phủ Nhật Bản ngày 27/9 cho biết kể từ ngày 1/10 tới, nước này sẽ nới lỏng các quy định về cách ly đối với những khách nhập cảnh đã tiêm vắc-xin COVID-19.

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản đang lên kế hoạch khởi động lại du lịch quốc tế. Phát biểu trong cuộc họp báo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết các trường hợp đã được tiêm phòng COVID-19 khi nhập cảnh Nhật Bản chỉ cần cách ly tại nhà trong 10 ngày – giảm 4 ngày so với quy định trước đó.

Sau khi hết thời hạn cách ly, những người đã tiêm chủng đầy đủ có thể tự do đi lại trong lãnh thổ Nhật Bản nếu họ có xét nghiệm âm tính với virus corona. Tuy nhiên, quy định nới lỏng này chỉ được áp dụng đối với các trường hợp đã tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca.

New Zealand áp dụng chương trình thí điểm tự cách ly với một số nhóm đối tượng

Ngày 27/9 tại New Zealand, Bộ trưởng phụ trách Ứng phó với dịch COVID-19 của New Zealand Chris Hipkins cho biết mục tiêu mở cửa trở lại biên giới của New Zealand một cách an toàn và xây dựng các phương thức mới để tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân sẽ được bắt đầu với chương trình thí điểm tự cách ly.

Phát biểu họp báo sau cuộc họp nội các, Bộ trưởng Hipkins cho biết là một phần của kế hoạch tái kết nối New Zealand với thế giới được công bố vào tháng 8, chương trình thí điểm sẽ xem xét việc tự cách ly ở những người đã tiêm chủng và chưa từng đến các quốc gia có nguy cơ rất cao. Mục đích của chương trình này là nhằm nghiên cứu một cách thức mới để nhập cảnh New Zealand, cho phép chính phủ xác định các lĩnh vực cần chú trọng hơn để mở rộng phương pháp tiếp cận và cung cấp những thông tin giá trị cho việc đưa ra các lựa chọn trong tương lai.

Theo Bộ trưởng Hipkins, kế hoạch này nhắm đến đối tượng là doanh nhân, người đi công tác nước ngoài ngắn ngày và tự cách ly tại địa điểm đã được chấp thuận trong 14 ngày kể từ khi về New Zealand. Những người này phải tự cách ly trong một không gian riêng biệt, không dùng chung hệ thống thông gió, cũng như phải chịu sự giám sát và kiểm tra trong thời gian này.

Thái Lan công bố kế hoạch mở cửa trở lại đất nước theo 4 giai đoạn

Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) ngày 27/9 đã công bố kế hoạch mở cửa trở lại đất nước trong vòng vài tháng tới.

Theo kế hoạch, các tỉnh của Thái Lan sẽ mở cửa trở lại theo 4 giai đoạn tùy theo các yếu tố, bao gồm doanh thu du lịch, địa lý và các biện pháp phòng ngừa COVID-19.

Giai đoạn thí điểm từ ngày 1-31/10, bao gồm cả các mô hình “hộp cát” ở các địa điểm du lịch Phuket và Samui đã thực hiện từ tháng 7 và tháng 8, mở cửa lại các tỉnh Phuket, Surat Thani (các đảo Koh Samui, Koh Pha-ngan và Koh Tao), Phang Nga (vùng bờ biển Khao Lak và đảo Koh Yao) và Krabi (các đảo Koh Phi Phi và Koh Ngai, và các bãi biển Railay, Khlong Muang và Tub Kaak).

Giai đoạn 1 từ ngày 1-30/11 sẽ mở cửa các tỉnh Bangkok, Krabi, Phang Nga, Prachuap Khiri Khan (các huyện Hua Hin và Nong Kae), Phetchaburi (huyện Cha-am), Chonburi (thành phố Pattaya và các huyện Jomtien và Bang Saray), Ranong (Koh Phayam), Chiang Mai (các huyện Muang, Mae Rim, Mae Taeng và Doi Tao), Loei (huyện Chiang Khan) và Buriram (huyện Muang).

Giai đoạn 2 từ ngày 1-31/12 sẽ mở cửa lại các tỉnh Chiang Rai, Mae Hong Son, Lamphun, Phrae, Nong Khai, Sukhothai, Phetchabun, Pathum Thani, Ayutthaya, Samut Prakan, Trat, Rayong, Khon Kaen, Nakhon Ratchasima, Nakhon Si Thammarat, Trang, Phatthalung, Songkhla, Yala và Narathiwat.

Giai đoạn 3 từ tháng 1/2022 trở đi sẽ mở cửa lại các tỉnh Surin, Sa Kaeo, Chanthaburi, Tak, Nakhon Phanom, Mukdahan, Bueng Kan, Udon Thani, Ubon Ratchathani, Nan, Kanchanaburi, Ratchaburi và Satun.

Trong cuộc họp ngày 27/9 do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha chủ trì, CCSA đã quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp để phòng chống COVID-19 cho tới ngày 30/11, nhưng sẽ cho phép thêm các doanh nghiệp mở cửa trở lại và rút ngắn thời gian giới nghiêm ban đêm. Việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh này được áp dụng cho 29 tỉnh thuộc vùng đỏ sẫm thuộc diện kiểm soát tối đa và nghiêm ngặt từ ngày 1/10.

Theo người phát ngôn Chính phủ Thanakorn Wangboonkongchana, lệnh giới nghiêm ban đêm tại các tỉnh thuộc vùng đỏ sẫm sẽ tiếp tục thêm ít nhất 15 ngày nữa và sẽ được rút ngắn 1 giờ xuống còn từ 22h đêm hôm trước đến 4h sáng hôm sau, trong khi các cửa hàng tiện lợi sẽ được mở cửa cho tới 21h.

CCSA đã phê duyệt việc mở lại các thẩm mỹ viện, cơ sở làm đẹp, tiệm mát-xa và rạp chiếu phim và cho phép biểu diễn ca nhạc tại các nhà hàng. Nhà trẻ, thư viện, bảo tàng, trung tâm học tập và các cửa hàng làm móng tay và xăm hình cũng được mở cửa trở lại, nhưng các trung tâm triển lãm và hội nghị vẫn tiếp tục đóng cửa. Các sân vận động khép kín có thể mở cửa đến 21h để tổ chức các cuộc thi đấu, nhưng không có khán giả. Sân vận động ngoài trời có thể cho phép khán giả đến xem, nhưng với mức tối đa 25% số chỗ ngồi.

Ngoài ra, thời gian cách ly sẽ được rút ngắn từ 14 ngày xuống còn 7 ngày đối với khách du lịch nước ngoài đã được tiêm chủng đầy đủ. Đối với những du khách chưa tiêm chủng đầy đủ, thời gian cách ly sẽ là 7 ngày đối với khách đến bằng đường hàng không và từ 10-14 ngày đối với khách đến bằng đường thủy và đường bộ. Những thay đổi nói trên cần được Nội các chính thức thông qua.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: