Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 13/1/2022, thế giới ghi nhận thêm khoảng 2.888.254 ca mắc COVID-19 mới và 6.684 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 292.616.519 ca, trong đó có khoảng 5.161.201 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Myriam B/Shutterstock)

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới Omicron, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 800.000 ca), Anh và Pháp cũng lần đầu tiên kể từ đầu dịch tới nay chứng kiến trên 200.000 ca/ngày, trong khi Mỹ cũng có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 2.000 ca.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 13/1, thế giới có 109 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 86 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong do dịch bệnh.

Mỹ huy động thêm 1.000 bác sĩ quân y do số ca nhiễm Omicron tăng cao

Nhà Trắng ngày 13/1 cho biết đã huy động thêm 1.000 bác sĩ quân y tới để trợ giúp 6 bệnh viện đang quá tải ở Mỹ do số ca nhiễm biến thể Omicron tăng cao.

Các nhóm từ 7-25 bác sĩ, y tá và nhân viên y tế sẽ bắt đầu đến các tiểu bang Michigan, New Jersey, New Mexico, New York, Ohio và Rhode Island vào tuần tới để hỗ trợ các phòng cấp cứu và cho phép nhân viên của bệnh viện tiếp tục điều trị các bệnh nhân khác. Giám đốc Cơ quan khẩn cấp liên bang (FEMAA) Deanne Criswell cho biết: “Đề nghị số 1 vẫn là bổ sung nhân viên y tế”. Theo ông, các tiểu bang khác sẽ có thể cần tăng cường quân đội và các bác sĩ và y tá liên bang để hỗ trợ chống dịch COVID-19, cũng như điều trị các bệnh khác.

Trước đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã triển khai các đội hỗ trợ liên bang từ tháng 7/2020 để chống biến thể Delta. Tháng 12, ông Biden đã chỉ thị bổ sung 1.000 nhóm y tế và cử hơn 100 nhân viên y tế liên bang đến các tiểu bang Arizona, Indiana, Michigan, New Hampshire, Vermont và Wisconsin.

Úc ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới cao kỷ lục

Úc ghi nhận số ca mắc mới tăng cao nhất từ trước đến nay trong làn sóng mới do biến thể Omicron gây ra. Nước này đã ghi nhận tới hơn 147.000 ca mắc mới, trong đó riêng bang đông dân nhất là New South Wales (NSW) có tới 92.264 ca. Dù tỷ lệ bệnh nhân phải nhập viện và chăm sóc tích cực đang ở mức cao nhất kể từ đầu đại dịch, song nhà chức trách Úc khẳng định hệ thống y tế nước này vẫn có thể đáp ứng tốt.

Tổng số ca mắc COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát tại Úc hiện ở mức gần 1,4 triệu ca, trong đó có tới gần 1 triệu ca ghi nhận chỉ trong hai tuần qua – khi nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế và người dân thích nghi sống chung với virus corona Đến nay, hơn 92% dân số trên 16 tuổi ở Úc đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin ngừa COVID-19.

“Xứ sở chuột túi” vẫn đang tiếp tục triển khai tiêm mũi vắc-xin bổ sung cho người dân. Thủ tướng Scott Morrison ngày 13/1 thông báo mở rộng danh sách các ngành nghề mà người lao động được miễn trừ các yêu cầu về cách ly trong trường hợp được xác định là tiếp xúc gần với người mắc COVID-19.

Nhiều quốc gia thông báo giảm thời gian cách ly phòng dịch COVID-19

Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết thời gian tự cách ly tối thiểu đối với người mắc COVID-19 ở vùng England sẽ giảm từ 7 ngày xuống 5 ngày nếu có 2 lần xét nghiệm âm tính. Động thái này sẽ giúp giảm tình trạng thiếu nhân sự cho các doanh nghiệp và quản lý cơ sở hạ tầng.

Ireland cũng thông báo một loạt thay đổi đối với các quy định hiện hành liên quan đến việc cách ly và xét nghiệm cho các ca mắc cũng như những trường hợp tiếp xúc gần. Theo đó, thời gian tự cách ly đối với người bệnh sẽ được rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 7 ngày. Các trường hợp từng tiếp xúc gần các mắc, nếu đã tiêm mũi vắc-xin bổ sung và không có triệu chứng của bệnh, sẽ không phải tự cách ly trong 5 ngày. Đối với những người chưa tiêm vắc-xin bổ sung, nếu tiếp xúc gần các ca mắc sẽ phải tự cách ly trong 7 ngày.

Thụy Sĩ sẽ giảm một nửa thời gian cách ly phòng dịch xuống còn 5 ngày nhằm giảm bớt tác động kinh tế tiềm tàng do làn sóng dịch bệnh gây ra. Quyết định này của chính phủ đã nhận được sự ủng hộ của giới chức y tế cho dù Thụy Sĩ ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc mới mỗi ngày bởi biến thể Omicron có tốc độ lây lan nhanh. Các quan chức lo ngại rằng làn sóng lây nhiễm hiện nay có thể “nhấn chìm” hệ thống y tế tại Thụy Sĩ – nơi mới có khoảng 67% dân số đã tiêm đủ các mũi vắc-xin ngừa COVID-19 và chỉ khoảng 30% đã tiêm mũi bổ sung.

Đan Mạch cũng đã đề xuất nới lỏng các hạn chế phòng dịch vào cuối tuần, trong đó có việc mở trở lại các rạp chiếu phim, các địa điểm ca nhạc. Đề xuất này được đưa ra khi tỷ lệ nhập viện giảm cho dù số ca mắc mới tăng cao kỷ lục. Chính phủ Đan Mạch cũng đã đề xuất tiêm mũi thứ 4 cho nhóm người có nguy cơ tổn thương cao, đặc biệt là những người được chẩn đoán mắc bệnh nghiêm trọng đã tiêm mũi bổ sung đầu tiên vào mùa thu vừa qua. Bộ trưởng Y tế Magnus Heunicke nhấn mạnh động thái này của chính phủ đánh dấu “một chương mới” trong cuộc chiến chống COVID-19.

Nhật Bản đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 6

Chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản thông báo ghi nhận 3.124 ca mắc mới trong ngày 13/1, vượt ngưỡng 3.000 ca/ngày lần đầu tiên trong hơn 4 tháng. Thủ đô Tokyo đã nâng cảnh báo lên mức cao thứ 2 từ trên xuống trong thang gồm 4 bậc. Đây là lần đầu tiên từ tháng 9/2020, cảnh báo ở cấp này được đưa ra.

Chính quyền thủ đô Tokyo dự báo với đà tăng như hiện nay thì vào tuần tới, số ca mắc COVID-19 trung bình trong 7 ngày tới sẽ lên tới 9.576 ca/ngày. Nhật Bản đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 6, do sự lây lan của biến thể Omicron. Cả nước đã ghi nhận 13.244 ca nhiễm trong ngày 12/1, mức cao nhất trong 4 tháng qua.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: