Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 18/9, thế giới ghi nhận thêm khoảng 360.000 ca mắc COVID-19 mới và 5.413 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 220.903.881 ca, trong đó có khoảng 4.469.089 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par angellodeco/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới với 41.156 ca nhiễm mới; tiếp theo là Ấn Độ (31.121 ca) và Anh (30.144 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới với 799 người chết; tiếp theo là Mỹ (578 ca) và Iran (355 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ  đến nay là 42.841.063 người, trong đó có 691.291 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 33.447.010 ca nhiễm, bao gồm 444.869 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 21.102.536 ca bệnh và 589.744 ca tử vong.

Mỹ ghi nhận hơn 10.000 ca tử vong mới trong 1 tuần

Làn sóng lây nhiễm tăng mạnh do biến thể Delta trong mùa hè đã gây tổn thất nặng nề cho nước Mỹ. Theo thống kê của trường Đại học John Hopkins, hơn 672.000 người Mỹ đã tử vong do COVID-19, trong đó hơn 10.000 người đã tử vong trong 1 tuần tính đến ngày 17/9.

Nhật Bản cho phép điều trị bằng hỗn hợp kháng thể tại nhà       

Chính quyền tỉnh Osaka, miền Tây Nhật Bản cho biết sẽ là địa phương đầu tiên trên cả nước áp dụng phương pháp điều trị hỗn hợp kháng thể cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà. Tuyên bố được đưa ra không lâu sau khi cùng ngày Bộ Y tế Nhật Bản thông báo cho phép áp dụng biện pháp điều trị này với các bệnh nhân tự cách ly tại nhà.

Biện pháp điều trị dùng “hỗn hợp kháng thể” được Nhật Bản phê chuẩn hồi tháng trước, theo đó bệnh nhân được truyền tĩnh mạch đồng thời 2 loại thuốc để khống chế virus corona. Khi đó, biện pháp này chỉ được giới hạn áp dụng cho bệnh nhân nằm viện hoặc điều trị ngoại trú.

Bộ Y tế cho biết để điều trị tại nhà bằng phương pháp này, phải có hệ thống giám sát tình trạng của bệnh nhân trong vòng 24 giờ sau khi được truyền tĩnh mạch.

Trong khi đó, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) vừa quyết định tiêm liều vắc-xin COVID-19 bổ sung cho những người đã tiêm đủ 2 liều và dự định sẽ thực hiện kế hoạch này sớm nhất là cuối năm nay.

Hiện nay, chương trình tiêm chủng của Nhật Bản chủ yếu sử dụng vắc-xin COVID-19 của 2 hãng Pfizer và Moderna. Tuy nhiên, ngày 23/8, MHLW bắt đầu cho phép sử dụng vắc-xin của hãng AstraZeneca để tiêm cho những người từ 40 tuổi trở lên.

Úc: Hàng nghìn người biểu tình chống phong tỏa ở Melbourne

Hôm 18/9 vừa qua, hàng nghìn người đã tổ chức một cuộc biểu tình chống phong tỏa ở Melbourne, thành phố lớn thứ 2 của Úc. Trong cuộc biểu tình này, một số người đã ném đá, chai lọ và các đồ vật khác vào cảnh sát. Cuối cùng, cảnh sát Úc đã dùng bình xịt hơi cay để giải tán đám đông.

Cảnh sát Victoria xác nhận rằng họ đã bắt giữ 235 người trong cuộc biểu tình. Trong số đó, 193 người đã bị phạt do vi phạm quy định về sức khỏe cộng đồng.

Victoria không phải là bang duy nhất xảy ra các cuộc biểu tình chống phong tỏa. Cảnh sát bang New South Wales cho biết 32 người đã bị bắt trên toàn bang, 20 người trong số đó ở Sydney.

Campuchia cân nhắc tiêm liều vắc-xin COVID-19 thứ 4 

Ngày 18/9, Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận có 7 ca tử vong và 648 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, trong đó có 160 ca nhập cảnh. Tính đến hôm nay, nước này ghi nhận tổng cộng 103.482 bệnh nhân COVID-19, trong đó 2.096 người đã tử vong.

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cho biết giới chức y tế đang cân nhắc tiêm liều vắc-xin COVID-19 thứ 4 cho người dân, dựa vào nghiên cứu và diễn biến của dịch bệnh trong nước.

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm vắc-xin COVID-19 vào ngày 10/2, đến nay hơn 70% dân số khoảng 16 triệu người của Campuchia đã tiêm chủng. Cụ thể, tính đến ngày 17/9, đã có 9.815.350 người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) tại Campuchia đã tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin COVID-19, trong đó 8.819.139 người đã hoàn thành 2 mũi tiêm. Trong khi đó, 1.725.316 thanh thiếu niên từ 12 đến dưới 18 tuổi và 67.477 trẻ từ 6-12 tuổi tại nước này đã tiêm chủng.

Thủ tướng Hun Sen cho biết nước này sẽ có ít nhất 9 triệu liều vắc-xin để tiêm mũi thứ 3 cho người dân và tính đến ngày 16/9, Campuchia đã tiêm liều thứ 3 cho trên 800.000 người.

Ở một diễn biến khác, ngày 17/9, Giám đốc Sở Giáo dục, thanh niên và thể thao Phnom Penh Hem Sinareth cho biết 23 học sinh đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona sau khi đa số các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn thành phố mở cửa trở lại hai ngày trước đó.

Để ngăn dịch bệnh lây lan, 5 trường đã đóng cửa các lớp học có học sinh mắc COVID-19. Các học sinh này được chuyển đến điều trị tại trung tâm y tế ở Sân vận động quốc gia và học sinh các lớp có ca dương tính được yêu cầu theo dõi sức khỏe tại nhà. Trong khi đó, các lớp khác không có ca mắc COVID-19 vẫn dạy và học bình thường, nhưng học sinh cần hạn chế ra ngoài, phải đeo khẩu trang và rửa tay diệt khuẩn thường xuyên.

Thái Lan cân nhắc nới lỏng thêm các hạn chế để sống chung với COVID-19

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đang lên kế hoạch chấm dứt những biện pháp hạn chế đối với một số hoạt động, coi đó là một phần trong mục tiêu sống chung với COVID-19.

Chính phủ Thái Lan đã đề ra các biện pháp để làm cho phép người dân cùng tồn tại với COVID-19. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp sẽ bị đình chỉ hoạt động theo các biện pháp y tế công cộng cho đến khi tình hình được cải thiện.

Các nhà chức trách Thái Lan hiện đang cân nhắc đề xuất mở cửa trở lại 5 tỉnh trong tháng tới. Thủ đô Bangkok được dự kiến mở cửa từ 15/10, trong khi các tỉnh Chon Buri, Phetchaburi, Prachuap Khiri Khan và Chiang Mai sẽ mở cửa sớm hơn từ 1/10. Đề xuất này dự kiến sẽ được trình lên Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) vào ngày 24/9 và Trung tâm Xử lý Tình hình Kinh tế (CESA) vào ngày 29/9.

Tuy nhiên, Thống đốc Bangkok Aswin Kwanmuang cho biết hôm 17/9 rằng thành phố này sẽ chưa mở cửa trở lại cho đến khi đạt tỷ lệ tiêm chủng 70% dân số để đảm bảo có đủ khả năng miễn dịch.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: