Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 24/9, thế giới ghi nhận thêm khoảng 483.547 ca mắc COVID-19 mới và 8.104 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 222.458.953 ca, trong đó có khoảng 4.511.995 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par Studio Romantic/Shutterstock)

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 24/9, thế giới có 138 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 109 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 43.635.337 ca mắc và 704.478 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 33 triệu ca mắc và trên 446.000 ca tử vong. Đứng thứ 3 là Brazil với trên 21 triệu ca bệnh, trong đó trên 593.000 ca tử vong.

Úc: Số ca mắc mới tăng cao dù đã đẩy mạnh tiêm chủng

Số ca nhiễm mới ghi nhận tại bang Victoria ngày 24/9 đã tăng lên gần mức cao nhất với 733 ca mắc và 1 ca tử vong, dù nhà chức trách đã đẩy mạnh tiêm vắc-xin ngừa COVID-19. Hầu hết các ca nhiễm mới được phát hiện ở Melbourne.

Úc đang nỗ lực ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 3 do biến thể Delta có khả năng lây lan cao gây ra, khiến 2 thành phố lớn nhất là Sydney và Melbourne cùng thủ đô Canberra phải phong tỏa, ảnh hưởng đến gần một nửa dân số nước này. Các số liệu chính thức của Chính phủ liên bang Úc cho thấy 50,1% người dân Úc trên 16 tuổi đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin phòng COVID-19.

Tính đến ngày 24/9, Úc đã tiêm hơn 26 triệu liều vắc-xin trên cả nước, trong đó 2.076.000 liều được tiêm trong tuần trước, đạt tốc độ tiêm chủng bình quân đầu người cao hơn cả Pháp, Đức, Ý, Thụy Điển, Anh và Mỹ.

Na Uy mở cửa trở lại từ 25/9

Kể từ ngày 25/9, Na Uy sẽ mở cửa trở lại, qua đó chấm dứt các biện pháp phòng dịch vốn được triển khai trong 561 ngày qua. Quyết định nới lỏng toàn bộ các biện pháp hạn chế này cho phép tổ chức các sự kiện văn hóa hay thể thao với 100% công suất, các nhà hàng cũng được phục vụ số khách không giới hạn và các câu lạc bộ ban đêm mở cửa trở lại.

Theo thống kê của Viện y tế công cộng của Na Uy, có 76% người dân Na Uy đã tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin COVID-19, trong khi 67% dân số đã tiêm đủ 2 liều. Thống kê của trang worldmeters.info cho thấy kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tới nay, Na Uy ghi nhận tổng cộng 185.330 ca mắc, trong đó có 850 ca tử vong.

Singapore thắt chặt trở lại các biện pháp giãn cách xã hội

Trong bối cảnh số ca lây nhiễm COVID-19 tăng cao trở lại, các nhà chức trách Singapore đã quyết định trở lại giai đoạn “Cảnh báo tăng cường” với việc thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội trong vòng 1 tháng nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm gia tăng làm quá tải hệ thống y tế.

Tại cuộc họp báo chiều 24/9, Lực lượng liên bộ đặc trách COVID-19 nước này cho biết nếu xu hướng hiện nay tiếp tục, Singapore sẽ phải đối mặt với số ca nhiễm mới lên tới 3.200 ca/ngày vào tuần tới. Do đó, Singapore quyết định áp dụng trở lại các biện pháp giãn cách trong giai đoạn “Cảnh báo tăng cường”, bắt đầu từ ngày 27/9 đến ngày 24/10.

Kể từ khi Singapore bắt đầu thực hiện mở cửa nền kinh tế theo 4 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 là “giai đoạn chuẩn bị bắt đầu từ ngày 10/8 (đến nay chưa chuyển sang giai đoạn 2), số ca lây nhiễm mới đã tăng từ mức bình quân 100 ca/ngày lên hơn 1.000 ca/ngày trong tuần qua. Đặc biệt, ngày 23/9 Singapore ghi nhận 1.504 ca nhiễm mới, trong đó có 1.218 ca trong cộng đồng, 273 ca trong các khu nhà ở của công nhân và 13 ca nhập cảnh. Số ca nhiễm mới tăng đã khiến ngành y tế quá tải và nhiều người nhiễm COVID-19 không thể tiếp cận dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc đầy đủ.

Với việc quay lại giai đoạn “Cảnh báo tăng cường”, Singapore sẽ giới hạn tụ tập theo nhóm tối đa 2 người tại các địa điểm ăn uống (hiện là 5 người), làm việc tại nhà sẽ trở thành “mặc định” đối với tất cả các vị trí có thể làm việc từ xa, những người vẫn phải đi làm được khuyến cáo nên thường xuyên tự xét nghiệm COVID-19; học sinh tiểu học (dưới 12 tuổi, chưa tiêm vắc-xin) sẽ chuyển sang học trực tuyến trong 2 tuần tới. Tuy nhiên, các sự kiện tập trung vẫn duy trì số lượng trước đây, nhưng sắp xếp ngồi theo nhóm 2 người.

Ngoài thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội, Singapore cũng sẽ bắt đầu triển khai chương trình tiêm liều vắc-xin bổ sung (mũi thứ 3) cho người trong độ tuổi từ 50-59 tuổi từ ngày 4/10 tới đây. Trước đó, Singapore đã triển khai tiêm liều bổ sung cho người trên 60 tuổi từ ngày 15/9. Tính tới ngày 22/9, tỷ lệ tiêm 2 liều vắc-xin ngừa COVID-19 của Singapore đạt 82% dân số.

Tính tới hết ngày 23/9, Singapore ghi nhận tổng cộng 82,860 ca nhiễm COVID-19 với 70 ca tử vong. Chỉ riêng trong 28 ngày qua, Singapore ghi nhận gần 16.000 ca lây nhiễm mới, trong đó 97,9% số ca nhiễm không có triệu chứng/hoặc triệu chứng nhẹ; 1,5% số ca trở nặng cần hỗ trợ thở ô xy, 0,2% số ca cần chăm sóc đặc biệt (ICU) và 0,1% số ca tử vong. Hiện tại, Singapore có 1.120 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, với 163 ca trở nặng cần hỗ trợ thở ôxy và 23 ca nguy kịch cần chăm sóc đặc biệt.

WHO khuyến cáo sử dụng liệu pháp hỗn hợp kháng thể Ronapreve

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cập nhật thêm khuyến nghị về hướng dẫn  điều trị bệnh COVID-19 với việc bổ sung sử dụng liệu pháp hỗn hợp kháng thể có tên Ronapreve của công ty công nghệ sinh học Regeneron.

Thông báo của WHO chỉ ra rằng các kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy so với liệu pháp thông thường, việc sử dụng thuốc Ronapreve gồm 2 loại kháng thể trung hòa là casilibimab và imdevimab đã giúp giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng và giảm thời gian hồi phục đối với người mắc COVID-19. Do đó, WHO khuyến cáo các nước có thể lựa chọn liệu pháp này đối với bệnh nhân mắc COVID-19 thể nhẹ, không có nguy cơ phải nhập viện.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: