Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Missouri Josh Hawley hôm thứ Tư (30/12) thông báo rằng ông sẽ phản đối việc chứng nhận kết quả cuộc bỏ phiếu của Cử tri đoàn vào ngày 6/1 tới đây tại Quốc hội. Ông Hawley là Thượng nghị sĩ đầu tiên đưa ra tuyên bố chính thức về việc này.

“Hàng triệu cử tri lo ngại về tính toàn vẹn của cuộc bầu cử xứng đáng được lắng nghe,” ông Hawley viết trên Twitter. “Tôi sẽ thay mặt họ phản đối vào ngày 6/1.”

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa nêu rõ trong tuyên bố của mình rằng các đảng viên Dân chủ ở Quốc hội trong quá khứ đã phản đối quy trình chứng nhận tương tự để nêu ra “các vấn đề quan trọng”, giống như những gì ông dự định làm. Mặc dù, không giống như những người đồng cấp đảng Dân chủ, ông Hawley chắc chắn không mong đợi được giới truyền thông “ca ngợi”.

“Sau cả hai cuộc bầu cử năm 2004 và 2016, các đảng viên Dân chủ tại Quốc hội đã phản đối trong quá trình chứng nhận phiếu Đại cử tri để nói lên những lo ngại về tính toàn vẹn của cuộc bầu cử. Họ đã được ban lãnh đạo đảng Dân chủ và giới truyền thông ca ngợi khi họ làm vậy,” ông Hawley viết trong tuyên bố. “Và họ được quyền làm như vậy. Còn bây giờ, những người chúng tôi lo ngại về tính toàn vẹn của cuộc bầu cử này được quyền làm điều tương tự”.

Ông Hawley đã chỉ ra cụ thể các vấn đề liên quan đến cuộc bầu cử năm 2020 ở Pennsylvania và ảnh hưởng từ Big Tech.

Ông tuyên bố: “Tôi không thể bỏ phiếu để chứng nhận kết quả cử tri đoàn vào ngày 6/1 mà không nêu ra thực tế là một số bang, đặc biệt là Pennsylvania, đã không tuân theo luật bầu cử của bang mình”. “Và tôi không thể bỏ phiếu để chứng nhận nếu không chỉ ra nỗ lực chưa từng có của các tập đoàn lớn, bao gồm Facebook và Twitter, để can thiệp vào cuộc bầu cử này nhằm ủng hộ Joe Biden.”

“Ít nhất, Quốc hội nên điều tra các cáo buộc gian lận cử tri và áp dụng các biện pháp để đảm bảo tính toàn vẹn của cuộc bầu cử của chúng ta. Nhưng Quốc hội cho đến nay đã không hành động,” ông khẳng định.

Ông Hawley kết luận: “Vì những lý do này, tôi sẽ tuân theo thông lệ giống như các thành viên Đảng Dân chủ trong Quốc hội đã làm trong nhiều năm qua và sẽ phản đối trong quá trình chứng nhận [Đại cử tri] vào ngày 6/1 để nêu ra những vấn đề quan trọng này”.

Vào ngày 6/1/2021 tới đây, phó Tổng thống Mike Pence sẽ chủ trì cuộc họp chung của Quốc hội, nơi Quốc hội sẽ kiểm phiếu của Cử tri đoàn ở 50 tiểu bang và vùng lãnh thổ.

Trước đó, hôm 14/12, trong số phiếu các đại Cử tri đoàn do chính quyền các bang đề cử, ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đã giành được 306 phiếu và Tổng thống đương nhiệm Trump giành được 232 phiếu.

Để thách thức bất kỳ phiếu Cử tri đoàn tiểu bang nào trong phiên họp chung của Quốc hội, cần điều kiện ít nhất một Thượng nghị sĩ và một Hạ nghị sĩ cùng khởi xướng bằng văn bản. Nếu ý kiến phản đối đáp ứng điều kiện thì cuộc họp chung sẽ tạm dừng trong 2 tiếng để các thành viên của hai viện thảo luận và biểu quyết đối với ý kiến phản đối. Nếu kết quả cho thấy ý kiến phản đối đạt được đa số phiếu ở cả hai viện, khi đó phiếu bầu Cử tri đoàn của tiểu bang bị thách thức sẽ bị vô hiệu.

Đã có nhiều Hạ nghị sĩ lên tiếng xác nhận sẽ phản đối kết quả kiểm phiếu, dẫn đầu bởi ông Mo Brooks và mới đây nhất là Dân biểu Jeff Duncan. 

Như vậy, việc có thêm Thượng nghị sĩ Hawley xác nhận sẽ phản đối kết quả kiểm phiếu Đại cử tri sẽ kích hoạt việc thảo luận lại về kết quả bầu cử tại hai Viện của Quốc hội. 

Với mỗi bang bị phản đối, Quốc hội sẽ có tối đa 2 giờ để thảo luận về các cáo buộc gian lận. Nếu 6 bang chiến trường cùng đồng loạt bị phản đối, thời gian tối đa để thảo luận có thể lên tới tổng cộng 12 giờ. 

Một số kênh truyền thông cánh tả nhận định nỗ lực này là vô ích, bởi Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát sẽ không bỏ phiếu tán thành việc thách thức kết quả này, chưa kể kết quả cuộc chạy đua vào Thượng viện hôm 5/1 còn chưa ngã ngũ để xem đảng nào sẽ nắm quyền kiểm soát Thượng viện. Và kể cả đảng Cộng Hòa có nắm Thượng viện, thì nhiều TNS đảng Cộng Hòa trước đó đã phản đối nỗ lực này, tiêu biểu là Lãnh đạo đa số Mitch McConnell.

Tuy vậy, nhiều ý kiến bình luận khác cho rằng nếu các bằng chứng về gian lận bầu cử được đưa ra trước Quốc hội quá rõ ràng, mọi việc có thể thay đổi.

Ngoài ra, Tu chính án 12 của Hiến pháp Hoa Kỳ “có các cơ chế độc quyền để giải quyết tranh chấp” đối với các cuộc bầu cử.

Phó Tổng thống Pence, với tư cách là Chủ tịch Thượng viện và Chủ tọa Phiên họp chung của Quốc hội vào ngày 6/1/2021, có thể toàn quyền quyết định số phiếu Đại cử tri nào sẽ được kiểm cho một tiểu bang nhất định.

Xuân Lan

Xem thêm: