Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) hôm 28/2 thông báo họ có kế hoạch mở một cuộc điều tra về các tội ác chiến tranh hoặc tội ác chống lại loài người ở Ukraine “càng nhanh càng tốt”.

Embed from Getty Images

“Tôi cảm thấy đã có cơ sở hợp lý để tin rằng cả tội ác chiến tranh bị cáo buộc và tội ác chống lại loài người đã được tiến hành ở Ukraine liên quan đến các sự kiện đã được đánh giá trong quá trình kiểm tra sơ bộ của Văn phòng,” Công tố viên trưởng Karim Khan cho biết trong một tuyên bố.

Kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh ban hành “một chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine hôm 24/2, các lực lượng Nga đã tấn công nhiều thành phố trên khắp đất nước và khiến hàng trăm người thương vong. Theo Quy chế Rome, các hành động mà ông Putin thực hiện nhằm vào Ukraine được coi là “tội ác xâm lược”. Các tội ác xảy ra trên lãnh thổ Ukraine cũng thuộc thẩm quyền của tòa án.

Đáng chú ý, ông Putin sẽ không thể bị xét xử trước ICC vì cả thủ phạm và nạn nhân đều phải là thành viên Quy chế Rome, trong khi Nga lại không phải. Tuy nhiên, Nga vẫn có thể bị truy tố về tội ác chiến tranh chống lại Ukraine nếu bằng chứng cho thấy nước này cố tình tấn công dân thường trên lãnh thổ Ukraine.

Ông Khan trước đó từng bày tỏ quan ngại về các sự kiện đang diễn ra ở Ukraine và nói thêm trong tuyên bố rằng, ý định của ông là điều tra các tội danh mới bị cáo buộc. Tuy nhiên, ông vẫn cần sự cho phép của tòa án để mở một cuộc điều tra toàn diện. Sẽ rất khó khăn để mở một cuộc điều tra vì cả Nga và Ukraine đều không nằm trong số 123 quốc gia thành viên của tòa án, mặc dù Ukraine đã chấp nhận thẩm quyền của tòa án.

Ông Khan cho hay, ông đã nói với nhóm của mình về việc tìm hiểu cách lưu giữ bằng chứng tội ác, nhưng các bước tiếp theo là xin phép tòa án. Quá trình này có thể được đẩy nhanh nếu một quốc gia thuộc tòa án yêu cầu điều tra và chuyển nó cho văn phòng của ông Khan, điều này sẽ cho phép ông ngay lập tức tiến hành điều tra.

Cuộc điều tra sẽ xem xét các tội phạm bị cáo buộc đã được thực hiện ở Ukraine từ ngày 21/11/2013 đến ngày 22/11/2014. Cuộc điều tra thứ hai sẽ xem xét các tội phạm bị cáo buộc đã thực hiện từ ngày 20/2/2014 trở đi.

Người đứng đầu tổ chức nhân quyền của LHQ, bà Michelle Bachelet thông báo, hiện 102 thường dân Ukraine đã thiệt mạng, trong đó có 7 trẻ em, và 304 người khác bị thương. Tuy nhiên, bà cảnh báo con số thực có thể “cao hơn đáng kể”.

Công tố viên Karim Khan lưu ý, ông sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ các quốc gia thành viên và cộng đồng quốc tế khi bắt đầu điều tra.

“Tôi sẽ kêu gọi thêm ngân sách bổ sung, đóng góp tự nguyện để hỗ trợ tất cả các tình huống của chúng tôi, và cả về nhân sự. Tầm quan trọng cũng như tính cấp bách trong nhiệm vụ của chúng tôi là quá nghiêm trọng để có thể bị bắt làm con tin vì thiếu phương tiện,” ông nhấn mạnh.

Minh Ngọc (Theo Newsweek)