Thứ Ba (8/3), Tổng thống Joe Biden đã công bố lệnh cấm đối với tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu của Nga. Đây được xem là động thái mới nhất từ ​​Hoa Kỳ nhằm cô lập nền kinh tế Nga sau cuộc xâm lược của nước này vào Ukraine.

Embed from Getty Images

“Đây là một động thái nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng trong Quốc hội và tôi tin tưởng vào đất nước.” Ông Biden phát biểu: “Người Mỹ đã đồng lòng ủng hộ người dân Ukraine và tỏ rõ thái độ rằng chúng tôi sẽ không tham gia trợ cấp cho cuộc chiến của Putin.”

Ông Biden thừa nhận động thái này cũng sẽ khiến bản thân người Mỹ phải chịu hậu quả nhất định khi giá khí đốt ở Mỹ đạt mức cao kỷ lục. Theo Hiệp hội Ô tô Hoa Kỳ, chi phí trung bình trên toàn quốc cho một gallon xăng đã lên đến 4,17 USD vào ngày 8/3.

Trong cùng ngày, chỉ số hợp đồng tương lai dầu thô West Texas Intermediate được giao dịch ở mức hơn 128 USD. Phiên trước đó cũng chứng kiến mức giá cao nhất kể từ năm 2008, 130 USD.

Ông Phil Flynn, một nhà phân tích của Price Futures Group, trả lời tờ The Epoch Times vào ngày 8/3 rằng động thái của Tổng thống Biden có thể làm tê liệt thị trường dầu khí.

“Tôi nghĩ cái giá mà các bạn phải trả chính là ở các trạm xăng dầu.” Ông Flynn nhận định: “Nó có liên quan đến cách mà dầu của Nga được tinh chế bởi những nhà máy lọc dầu sử dụng loại dầu nặng hơn này. Sẽ có một chút khó khăn, và càng khó khăn hơn cho các nhà máy lọc dầu để thay thế loại dầu đó.”

Một số công ty dầu mỏ lớn gồm ExxonMobil, BP và Shell cho biết họ cũng sẽ không mua dầu từ Nga.

Nga cung cấp 10% nguồn khí đốt tự nhiên và dầu cho Hoa Kỳ, và khoảng 40% cho Liên minh châu Âu.

“Chúng ta phải gây áp lực tối đa lên Vladimir Putin và Nga cho đến khi nước này ngừng hành động và loại bỏ hành vi gây hấn cũng như tàn sát những cá nhân vô tội ở Ukraine”. Dân biểu Hakeem Jeffries trả lời các phóng viên tại Washington: “Điều này yêu cầu thế giới có thể phải hy sinh một vài thứ.”

Các quốc gia từ khắp nơi trên thế giới đã áp đặt những biện pháp trừng phạt chống lại Nga kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu, tuy nhiên vẫn ngần ngại trong việc cấm vận dầu khí của Nga.

Đức là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Nga, đã bác bỏ lời kêu gọi cấm nhập khẩu nguồn năng lượng này. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết hôm ngày 7/3, Đức đang đẩy nhanh kế hoạch mở rộng việc sử dụng các nguồn năng lượng thay thế nhưng không thể ngừng nhập khẩu dầu khí của Nga trong một thời gian ngắn. 

>>Đức từ chối lời kêu gọi cấm vận dầu khí Nga, ủng hộ nguồn năng lượng thay thế

Ngày 7/3, Tổng thống Biden đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo từ Pháp, Đức và Vương quốc Anh.

Trong một nỗ lực nhằm ổn định thị trường, vào ngày 1/3, ông Biden đã ủy quyền cho Bộ Năng lượng giải phóng 30 triệu thùng dầu từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của Mỹ, chiếm một nửa trong tổng số 60 triệu thùng được điều phối từ các quốc gia thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Tuy nhiên, 60 triệu thùng dầu này được tiêu thụ với số lượng rất ít — khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày trong 30 ngày, trong khi một ngày Hoa Kỳ tiêu thụ trung bình khoảng 20 triệu thùng dầu.

Các quan chức Mỹ cho hay vẫn còn nhiều lựa chọn khác để ổn định giá khí đốt nhưng không đưa ra thông tin chi tiết. Mỹ đã đàm phán với các nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới gồm Saudi Arabia, Venezuela và Iran, nhưng vẫn chưa công bố bất kỳ thỏa thuận dầu mới nào.

Một số thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đang cảnh báo chính quyền Biden không nên tìm kiếm bất kỳ thỏa thuận nhập khẩu dầu nào từ chế độ độc tài xã hội chủ nghĩa của Nicolas Maduro tại Venezuela.

>>Phái đoàn Hoa Kỳ đến Venezuela mong muốn tìm nguồn dầu mỏ nhập khẩu thay thế

Trong một tuyên bố vào ngày 7/3, Thượng nghị sĩ Bob Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại, đã phát biểu: “Khát vọng dân chủ của người dân Venezuela, cũng giống như quyết tâm và lòng dũng cảm của người dân Ukraine, có giá trị hơn vài ngàn thùng dầu”.

Một số thành viên Quốc hội và giới báo chí đã kêu gọi Hoa Kỳ tăng sản lượng dầu trong nước như một biện pháp ổn định giá khí đốt, mặc dù điều này sẽ đi ngược lại nỗ lực của chính quyền Biden nhằm đưa Hoa Kỳ rời xa nhiên liệu hóa thạch.

“Chúng ta cần sản xuất năng lượng ở Hoa Kỳ dưới mọi hình thức, và hãy làm điều đó tốt hơn bất kỳ bên nào khác”, Dân biểu Bruce Westerman cho biết hôm ngày 8/3.

Ông Flynn tán thành quan điểm này trong cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, cho rằng Tổng thống Biden “cần phải đảo ngược chính sách và giải phóng sức mạnh của ngành năng lượng Hoa Kỳ.”

Trong những ngày đầu tiên lên nắm quyền tổng thống vào năm 2021, ông Biden đã ký một lệnh điều hành tạm dừng các hợp đồng thuê khoan nhiên liệu hóa thạch mới. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki liên tục chỉ ra rằng các hợp đồng được chính phủ phê duyệt vẫn chưa được các doanh nghiệp ngành dầu mỏ khai thác.

“Chúng tôi thực sự đã sản xuất nhiều dầu hơn, nó đã đạt con số kỷ lục và chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất nhiều hơn. Có 9.000 giấy phép khoan đã được phê duyệt mà chưa được sử dụng.” Bà Psaki cho biết hôm ngày 7/3: “Vì vậy, ý kiến cho rằng chúng tôi không cho phép các công ty khoan dầu là không chính xác.”

Ông Biden khẳng định Hoa Kỳ vẫn đang tiếp tục cung cấp các lô vũ khí quốc phòng và viện trợ nhân đạo cho Ukraine, lưu ý rằng cuộc chiến đã biến 2 triệu người Ukraine thành người tị nạn.

Vy An (Theo The Epoch Times)