Nhiều người Việt Nam đặt câu hỏi Tổng thống Mỹ được bầu theo mô hình nào: trực tiếp hay gián tiếp? Và cử tri phổ thông hay đại cử tri mới có quyền quyết định bầu ra tổng thống? 

Embed from Getty Images

Thông thường, đa số các quốc gia trên thế giới có hai cách để bầu ra Tổng thống:

(1) Trực tiếp: toàn bộ cử tri đi bầu, ai nhiều phiếu phổ thông hơn thì thắng. Mô hình này gọi là dân chủ trực tiếp.

(2) Gián tiếp: toàn bộ cử tri đi bầu đại biểu Quốc hội, rồi đến lượt mình đại biểu Quốc hội bầu ra tổng thống. Mô hình này gọi là dân chủ đại diện.

Tuy nhiên, Mỹ không sử dụng mô hình nào trong hai mô hình nêu trên mà là sự kết hợp của cả hai cách bầu cử đó. Trên thực tế, mô hình bầu cử tổng thống Mỹ là rất hiếm thấy: Mô hình “Cử tri đoàn”. 

Ứng cử viên tổng thống Mỹ có nhiều phiếu nhất không phải luôn là người chiến thắng

Thực tế, đã có năm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ mà người chiến thắng không nhận được đa số phiếu phổ thông. Người đầu tiên là ông John Quincy Adams trong cuộc bầu cử năm 1824, gần đây hơn là các chiến thắng của ông George W. Bush trước ông Al Gore năm 2000 và ông Donald Trump trước bà Hillary Clinton năm 2016. 

Điều đó xảy ra như thế nào?

Câu trả lời nằm ở “Cử tri đoàn”. Những người soạn thảo Hiến pháp Hoa Kỳ đã tìm cách tạo ra một hệ thống cân bằng lợi ích của 13 bang (lúc đó) và của người dân Mỹ. Cử tri chọn các nghị sĩ của Hạ viện, nhưng cơ quan lập pháp của bang (cũng do dân bầu) lại bầu các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ. Và các bang cử các đại biểu đến một cơ quan – Cử tri đoàn – để chọn tổng thống và phó tổng thống.

Người Mỹ sau đó đã sửa đổi Hiến pháp để hệ thống bầu cử dân chủ hơn. Bắt đầu từ năm 1913, thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã được người dân bầu trực tiếp. Và mặc dù Cử tri đoàn vẫn chính thức bầu ra tổng thống, song người dân lại là người lựa chọn các thành viên của Cử tri đoàn.

Hệ thống Cử tri đoàn hoạt động như sau: 

Sau cuộc bầu cử tổng thống trên toàn quốc được tổ chức vào tháng 11, Cử tri đoàn sẽ gặp mặt vào tháng 12. Ở hầu hết các bang, các đại cử tri bỏ phiếu dựa trên cách đa số cử tri tại bang của họ bỏ phiếu. Các đại cử tri bỏ phiếu tại các bang của mình vào ngày 15 tháng 12, và Quốc hội chính thức kiểm phiếu vào tháng 1 năm sau.

Mỗi bang có một số đại cử tri bằng với số nghị sĩ của bang đó tại Hạ viện Hoa Kỳ – được quyết định thông qua một cuộc điều tra dân số của bang đó, và hai thượng nghị sĩ. Quận Columbia mặc dù không phải là một bang và không có đại diện có quyền biểu quyết tại Quốc hội, nhưng vẫn có ba phiếu đại cử tri. 

Cử tri đoàn bao gồm 538 đại cử tri; và cần có 270 phiếu đại cử tri để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống. 

Hầu hết các bang trao phiếu đại cử tri trên cơ sở “được ăn cả, ngã về không”. Tấm vé tổng thống nhận được nhiều phiếu của công dân nhất sẽ nhận được tất cả phiếu đại cử tri của bang đó. 

Hai bang – Nebraska và Maine – đã thử nghiệm trao phiếu đại cử tri của họ theo tỷ lệ dựa trên lá phiếu của công dân. Chiến lược bầu tổng thống bao gồm việc kết hợp các bang với nhau để hợp thành 270 phiếu đại cử tri. Kết quả bầu cử có thể thay đổi, phụ thuộc vào các phiếu đại cử tri trong một số ít các cuộc chạy đua cạnh tranh của các bang.

Một hệ quả của hệ thống “được ăn cả, ngã về không” là một ứng cử viên có thể giành nhiều phiếu phổ thông nhất trên toàn quốc nhưng lại thua trong cuộc bầu cử.

Hãy tưởng tượng rằng một ứng cử viên giành chiến thắng ở một bang với cách biệt sít sao và bang đó có nhiều phiếu đại cử tri. Ứng cử viên đó vẫn sẽ nhận được tất cả số phiếu đại cử tri. Vì vậy, nếu một ứng cử viên giành chiến thắng ở bang California với cách biệt sít sao, họ vẫn nhận được tất cả 55 phiếu đại cử tri của bang California. Đồng thời, chính ứng cử viên đó có thể thua ở các bang nhỏ hơn khác với cách biệt lớn và nhận được ít phiếu phổ thông hơn đối thủ của mình. Nhưng ứng cử viên đó vẫn sẽ có lợi thế trong Cử tri đoàn.

Đây là điều quan trọng đối với các ứng cử viên khi thực hiện chiến dịch tranh cử ở tất cả các bang, kể cả những bang có dân số nhỏ hơn và ít phiếu đại cử tri hơn, để nhận được tổng cộng 270 phiếu đại cử tri.

Hiện nay 5 bang tại Mỹ có số phiếu đại cử tri nhiều nhất gồm:

  1. California có nhiều phiếu đại cử tri nhất với 55 phiếu.
  2. Texas có 38 phiếu đại cử tri.
  3. New York và Florida mỗi bang có 29 phiếu đại cử tri.
  4. Illinois và Pennsylvania mỗi bang có 20 phiếu đại cử tri.  
  5. Ohio có 18 phiếu đại cử tri.

Trong khi đó các bang sau có số phiếu đại cử tri ít nhất: 

  1. Alaska, Delaware, Quận Columbia nơi có thủ đô Washington, Montana, Bắc Dakota, Nam Dakota, Vermont và Wyoming mỗi bang có 3 phiếu đại cử tri. 
  2. Hawaii, Idaho, Maine, New Hampshire và Rhode Island mỗi bang có 4 phiếu đại cử tri.
  3. Nebraska, New Mexico, và Tây Virginia mỗi bang có 5 phiếu đại cử tri. 
  4. Arkansas, Iowa, Kansas, Mississippi, Nevada và Utah mỗi bang có 6 phiếu đại cử tri.  
  5. Connecticut, Oklahoma và Oregon mỗi bang có 7 phiếu đại cử tri. 

Tại sao người Mỹ duy trì Cử tri đoàn?

Điều đó được quy định trong Hiến pháp, và rất khó để sửa đổi Hiến pháp. 

Điều II, Khoản 1 của Hiến pháp Hoa Kỳ quy định: “Quyền hành pháp sẽ được trao cho Tổng thống Hoa Kỳ. Tổng thống giữ chức vụ của mình trong nhiệm kỳ 4 năm và cùng với Phó Tổng thống cũng được bầu ra theo cùng một nhiệm kỳ và được bầu cử theo thể thức sau đây: Theo thể thức mà cơ quan lập pháp quy định, mỗi bang sẽ cử ra một số đại cử tri bằng tổng số thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ tại Quốc hội. Thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ hay những người giữ chức vụ trong các cơ quan công quyền không được bầu làm đại cử tri.” 

Hệ thống Cử tri đoàn cũng tăng cường hệ thống hai đảng, nghĩa là không đảng nào trong số hai đảng lớn có khả năng vận động thay đổi.

Nhưng có những lý do khác để giữ lại Cử tri đoàn. Nhiều người Mỹ thích cách hệ thống Cử tri đoàn đòi hỏi các ứng cử viên tổng thống thực hiện chiến dịch tranh cử rộng rãi – ngay cả ở những bang nhỏ hơn nơi người dân có thể không có cơ hội tiếp cận các ứng cử viên. Và do các ứng cử viên tổng thống không thể có đủ phiếu đại cử tri nếu chỉ tập trung vào một bang hoặc một khu vực, nên họ phải tìm hiểu và giải quyết các vấn đề mà cử tri quan tâm ở tất cả các vùng trên cả nước. Kết quả là, hệ thống Cử tri đoàn có ảnh hưởng đến cách tiến hành các chiến dịch tranh cử tổng thống, và cũng ảnh hưởng đến chi phí thực hiện một chiến dịch tranh cử tổng thống.

Đức Thiện (T/h)

Xem thêm: