Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm Chủ Nhật (31/7) đã ký phê chuẩn học thuyết hải quân mới nhân Ngày Hải quân Nga. Học thuyết mới tuyên bố Mỹ là đối thủ chính của Nga và vạch ra các tham vọng toàn cầu của Moscow đối với những khu vực trọng yếu, chẳng hạn như Bắc Cực và Biển Đen.

Embed from Getty Images

Phát biểu nhân Ngày Hải quân Nga tại thành phố St Petersburg, Tổng thống Putin đã ca ngợi Peter Đại đế vì đã biến nước Nga thành một siêu cường trên biển và gia tăng vị thế toàn cầu của nhà nước Nga.

Sau khi kiểm tra tình hình Hải quân, ông Putin đã đưa ra phát biểu ngắn, trong đó khẳng định Nga có vũ khí tối tân để đánh bại mọi kẻ thù tiềm năng, đề cập tới tên lửa hành trình bội siêu thanh Zircon.

Trước khi đưa ra phát biểu không lâu, ông Putin đã ký phê chuẩn học thuyết hải quân mới dày 55 trang, trong đó vạch ra các mục tiêu chiến lược rộng lớn của hải quân Nga, bao gồm tham vọng trở thành “siêu cường hàng hải”, mở rộng phạm vi hoạt động trên toàn cầu.

Học thuyết hải quân mới cũng tuyên bố mối đe dọa chính đối với Nga là “chính sách chiến lược của Mỹ nhằm thống trị các đại dương toàn cầu” và chuyển động của liên minh quân sự NATO tiến gần hơn tới các khu vực biên giới của Nga.

Học thuyết khẳng định Nga có thể sử dụng quân đội một cách thích đáng đối với tình hình trên các đại dương toàn cầu nếu các quyền lực mềm khác như công cụ ngoại giao và kinh tế không đạt hiệu quả. Tuy nhiên, học thuyết cũng thừa nhận rằng Nga hiện không có đủ căn cứ hải quân trên khắp thế giới.

Theo học thuyết hải quân mới, ưu tiên của Nga là phát triển hợp tác hải quân chiến lược với Ấn Độ, cũng như mở rộng hợp tác với Iran, Iraq, Ả Rập Saudi và các quốc gia khác trong khu vực.

Với định hướng của học thuyết này, Liên bang Nga sẽ kiên định và quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia của mình trên các đại dương toàn cầu, và có được sức mạnh hàng hải đầy đủ sẽ đảm bảo an ninh và sự bảo vệ”, học thuyết hải quân mới nhấn mạnh.

Phát biểu của ông Putin tại St Petersburg đã không đề cập tới cuộc chiến tranh Ukraine, nhưng học thuyết hải quân dự tính đến “sức mạnh toàn diện của vị thế địa chính trị của nước Nga” trên Biển Đen và Biển Azov.  Học thuyết hải quân mới cũng đề cập tới Bắc Cực là khu vực đặc biệt quan trọng đối với Nga.

Hải Đăng (Theo Reuters)