Tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron hôm 8/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố, không có quốc gia châu Âu nào có thể khiến Nga thay đổi đường lối của họ.

Embed from Getty Images

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp gỡ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev, Ukraine vào ngày 08/02/2022 (Ảnh minh họa: Getty Images)

Phát biểu với các nhà báo tại Kiev sau cuộc gặp với Macron, ông Zelensky giải thích, ông không tin rằng Moscow cảm thấy áp lực từ bất kỳ quốc gia nào khác trên lục địa châu Âu.

“Tôi không biết quốc gia nào ở châu Âu có khả năng gây áp lực nặng nề lên Nga. Ít nhất, đất nước chúng tôi vẫn chưa thoát khỏi chiếm đóng,” ông Zelensky ám chỉ việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

Nhà lãnh đạo Pháp đã tới Kiev để thảo luận về tình hình căng thẳng gia tăng ở biên giới Ukraine với Nga. Một ngày trước khi gặp ông Zelensky, ông Macron đã đến thăm Moscow, nơi ông đã có cuộc trò chuyện kéo dài 5 giờ với Tổng thống Vladimir Putin.

Sau cuộc hội đàm Macron – Putin, giới chức Pháp cho hay, Nga đã cam kết không để quân đội đồn trú lâu dài ở Belarus sau khi hoàn thành tập trận trong tháng này, đồng thời không có động thái điều động quân đội gần Ukraine trong tương lai gần.

Tuy nhiên, Điện Kremlin sau đó bác bỏ tuyên bố của Pháp, khẳng định Moskva và Paris không thể đạt được thỏa thuận giảm căng thẳng trong tình hình hiện nay. Nga cho rằng chỉ có Mỹ, nước dẫn dắt NATO, mới có thể đàm phán một thỏa thuận như vậy.

Cuối tuần này, Tổng thống Pháp cũng sẽ gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Các cuộc thảo luận diễn ra khi Moscow bị cáo buộc sắp xếp hơn 100.000 binh sĩ ở khu vực biên giới, điều này khiến nhiều người tin rằng đây là dấu hiệu của một cuộc tấn công quân sự sắp xảy ra. 

Các nhà lãnh đạo Putin, Zelensky, Scholz và Macron đại diện cho 4 quốc gia thuộc Bộ tứ Normandy, một nhóm được thành lập nhằm tìm cách chấm dứt chiến tranh ở miền Đông Ukraine. Với mục tiêu này, bốn nước đã ký Nghị định thư Minsk vào năm 2014. Kể từ đó đến nay, nhiều khía cạnh của hiệp ước vẫn chưa được thực hiện, mặc dù Pháp, Nga và Đức đã nhiều lần tuyên bố rằng nó vẫn là cơ sở để giải quyết xung đột.

Các cuộc đàm luận gần đây giữa Nga, Ukraine và phương Tây diễn ra trong bối cảnh căng thẳng vẫn ở mức cao độ, trước cáo buộc rằng Moscow đang chuẩn bị một cuộc xâm lược. Điện Kremlin đã bác bỏ điều này và nhiều lần đảm bảo với phương Tây rằng họ không có kế hoạch cho một chiến dịch quân sự.

Các cuộc họp cũng đã được tổ chức để  bàn về một loạt các đề xuất an ninh do Nga đưa ra, với mục đích cuối cùng là tạo ra một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý để đảm bảo hòa bình ở châu Âu.

Đặc biệt, Nga đã phản đối việc NATO mở rộng về phía đông tới Ukraine và Gruzia, đồng thời lo ngại cơ sở hạ tầng của khối liên minh đang di chuyển gần biên giới của mình.

Minh Ngọc (Theo RT)

Xem thêm: