Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong cuộc phỏng vấn với NBC News hôm thứ Tư (16/3), đã nói rằng Thế chiến III có thể đã bắt đầu rồi.

Embed from Getty Images

Khi được Biên tập viên Lester Holt của NBC News hỏi về việc liệu ông có tin Thế chiến III đã bắt đầu, Tổng thống Zelensky đáp rằng: “Không ai biết được”.

Không ai biết liệu Thế chiến III có thể đã bắt đầu rồi hay chưa”, ông Zelenksy nói. “Và khả năng cuộc chiến này thế nào nếu Ukraine sẽ thất thủ? Điều đó rất khó nói”.

Tổng thống Ukraine nói thêm rằng: “Chúng ta đã từng chứng kiến điều này 80 năm trước, khi Thế chiến II bắt đầu… không ai có thể đoán cuộc chiến tranh toàn diện bắt đầu khi nào”. Ông Zelenksy nhấn mạnh rằng viễn cảnh của cuộc chiến tranh hiện tại khiến “toàn bộ nền văn minh [nhân loại] gặp rủi ro”.

Kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine hôm 24/2, thì cả Điện Kremlin và phương Tây đều nhiều lần cảnh báo về Thế chiến III. Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo rằng nếu Washington trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột hiện tại thông qua việc ban hành lệnh cấm bay qua Ukraine hoặc điều quân đội tới thực địa, thì sẽ làm leo thang căng thẳng giữa NATO và Nga.

Chúng tôi sẽ không tham gia chiến đấu với Nga tại Ukraine. Xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga là Thế chiến III, đó là điều chúng ta phải nỗ lực ngăn chặn”, ông Biden nói trước công chúng hôm 11/3.

Trước phát biểu của ông Biden vài ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng Thế chiến III sẽ là “hạt nhân và hủy diệt”.

Hôm thứ Tư (16/3), trong bài phát biểu qua video được chiếu tại Quốc hội Mỹ, Tổng thống Ukraine Zelensky đã kêu gọi Washington cung cấp máy bay chiến đấu, tên lửa đất đối không và thực thị vùng cấm bay. Các quan chức Nhà Trắng đã tiếp tục khẳng định rằng chính quyền Biden không có kế hoạch thiết lập vùng cấm bay qua Ukraine.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói với báo giới hôm 16/3 rằng chính quyền Biden đã xác định “không có sự khác biệt” giữa một vùng cấm bay đóng toàn bộ không phận của Ukraine với cái được gọi là vùng cấm bay nhân đạo. Cả hai kiểu thiết lập vùng cấm bay đó đều làm leo thang xung đột với Nga.

Bà Psaki cũng dẫn đánh giá của Bộ Quốc phòng Mỹ trong đó khẳng định rằng việc cho phép chuyển giao chiến đấu cơ cho Ukraine cũng có thể bị Nga coi là hành động leo thang xung đột. Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã từ chối đề nghị của các quan chức chính phủ Ba Lan về việc họ sẽ chuyển các máy bay MiG-29 tới các căn cứ quân sự của Mỹ tại Đức, từ đó chuyển giao cho Ukraine.

Tổng thống Zelensky hôm thứ Ba (15/3) đã nói rằng việc phương Tây lưỡng lự áp đặt vùng cấm bay đã khiến ông tin rằng sẽ không có “cửa mở” cho Ukraine gia nhập NATO.

Mong muốn gia nhập NATO của Ukraine là một trong những lý do Tổng thống Nga Vladimir Putin lấy làm lý cớ để biện minh cho hành động phát động chiến tranh xâm lược Ukraine. Và hiện nay một trong những yêu cầu của Moscow để kết thúc chiến tranh là Kyiv phải cam kết chấm dứt tìm cách trở thành thành viên của khối liên minh quân sự do Washington lãnh đạo.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã loại trừ việc chuyển phi cơ chiến đấu cho Ukraine, nhưng hứa sẽ viện trợ cho Kyiv ít nhất 2.600 tên lửa chống thiết giáp Javelin và hơn 600 tên lửa phòng không.

Tổng thống Zelensky khi nói với Quốc hội Mỹ đã nhấn mạnh rằng việc Ukraine nhận được phi cơ chiến đấu có thể là giải pháp thay thế cho tuyên bố vùng cấm bay.

Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine từ ngày 24/2 và gọi đó là “hoạt động quân sự đặc biệt” nhằm “phi quân sự hóa” và “phi phát-xít hóa” Ukraine. Ông Putin cũng gọi Ukraine là thuộc địa của Mỹ và gắn nhãn chính quyền Kyiv là chế độ bù nhìn, cũng như khẳng định Ukraine không có truyền thống là một quốc gia độc lập.

Sau ba tuần phát động chiến tranh, Nga vẫn chưa chiếm giữ được bất kỳ địa điểm nào trong số 10 thành phố lớn nhất của Ukraine. Đây là cuộc chiến tranh lớn nhất tại một quốc gia châu Âu kể từ năm 1945.

Tổng thống Putin hôm 16/3 nói rằng Nga sẵn sàng thảo luận về vị thế trung lập của Ukraine nhưng cho biết thêm rằng “hoạt động quân sự đặc biệt” để “phi quân sự hóa và phi phát-xít hóa” Ukraine “sẽ theo kế hoạch”.

Giới chức Ukraine ước tính rằng hàng nghìn người đã thiệt mạng do bom đạn của Nga dội xuống các thành phố Ukraine. Trong khi đó, theo ước tính của Bộ Quốc phòng Mỹ, đến nay đã có khoảng 6.000 binh sĩ Nga bị thiệt mạng trong cuộc xâm lược vũ trang vào Ukraine. Phía Nga chưa lên tiếng xác nhận con số thương vong này.

Liên Hiệp Quốc cho biết gần 3 triệu người Ukraine đã phải rời bỏ đất nước kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược.

Như Ngọc (T/h)