Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 6/9 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về khả năng hạt nhân ngày càng tăng cường của Trung Quốc. Đồng thời, ông Stoltenberg cũng kêu gọi Bắc Kinh tham gia vào các nỗ lực quốc tế nhằm giới hạn vũ khí hạt nhân.

Embed from Getty Images

Phát biểu trong hội nghị thường niên tại Copenhagen, Đan Mạch hôm thứ Hai (6/9) của NATO về kiểm soát vũ khí hạt nhân, Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho hay: “Kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đang được mở rộng nhanh chóng với việc thêm nhiều đầu đạn và các hệ thống phức tạp có thể mang theo đầu đạn. Hơn nữa, Trung Quốc đang xây dựng nhiều hầm chứa tên lửa, từ đó có thể tăng cường đáng kể kho vũ khí hạt nhân”.

Tất cả những điều này đang diễn ra [tại Trung Quốc] mà không có bất kỳ giới hạn hoặc hạn chế nào và hoàn toàn thiếu minh bạch thông tin”, ông Jens Stoltenberg nói thêm.

Trong vài tháng gần đây, các quan chức của Mỹ cũng đã dấy lên những quan ngại tương tự về kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Vào đầu tháng Tám, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Bắc Kinh “đã nhanh chóng điều chỉnh chiến lược hạt nhân vốn dựa vào khả năng răn đe tối thiểu” thông qua việc tăng tốc phát triển kho vũ khí hạt nhân.

Cảnh báo của ông Blinken được đưa ra sau khi Liên đoàn Khoa học Mỹ và Trung tâm James Martin có trụ sở tại California công bố các phát hiện cho thấy Bắc Kinh đang xây dựng hơn 200 hầm chứa hạt nhân tại hai địa điểm riêng biệt tại khu vực miền Tây của Trung Quốc.

Vào ngày 12/8, Đô đốc Charles Richard, chỉ huy của Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ, đã nói trong một hội nghị chuyên đề rằng năng lực hạt nhân của Trung Quốc sẽ cho phép chế độ này “thực thi mọi chiến lược triển khai hạt nhân hợp lý”.

Trong bài phát biểu tại Copenhagen hôm 6/9, Tổng thư ký NATO Stoltenberg cũng đã kêu gọi thêm nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc, hãy tham gia vào các cuộc đàm phán tương lai về giới hạn vũ khí hạt nhân.

Là một quyền lực toàn cầu, Trung Quốc có trách nhiệm quốc tế về kiểm soát vũ khí. Và Bắc Kinh cũng sẽ thu được lợi ích từ việc cùng giới hạn số lượng [vũ khí hạt nhân], tăng cường minh bạch thông tin và khả năng dễ đoán định. Đây là cơ sở cho việc ổn định quốc tế”, Tổng thư ký NATO giải thích.

Ông Stoltenberg cũng nói rằng các cuộc đàm phán tương lai về kiểm soát vũ khí nên đưa vào bàn thảo các công nghệ mới nổi, chẳng hạn như các nền tảng tự động và trí tuệ nhân tạo, bởi vì những công nghệ này có thể được các nước ứng dụng vào sản xuất, chế tạo vũ khí.

Năm 2019, Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). Hiệp ước này được Mỹ và Liên Xô (cũ) ký vào năm 1987 và sau đó Nga là nước kế thừa. INF cấm hai nước tham gia triển khai các tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất và tên lửa hành trình có tầm bắn từ 310 dặm đến 3.410 dặm.

Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung (USCC), trong báo cáo xuất bản hồi tháng 1/2019, cho biết hiệp ước INF đã giới hạn Mỹ tìm cách bảo vệ lợi ích của mình tại châu Á, bởi vì Trung Quốc không phải là một bên tham gia hiệp ước giới hạn vũ khí hạt nhân tầm trung này.

Báo cáo của USCC chỉ ra rằng: “Việc tiếp tục đứng ngoài hiệp ước [INF] đã cho phép Trung Quốc nhanh chóng mở rộng kho tên lửa và đó là một phần trong chiến lược quân sự của Bắc Kinh được thiết kế để ứng phó với Mỹ và quyền lực quân sự đồng minh của Mỹ tại châu Á”.

Sau khi rút nước Mỹ khỏi hiệp ước INF, chính quyền Trump đã nỗ lực bất thành trong việc đàm phán và ký kết thỏa thuận kiểm soát vũ khí ba bên giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc. Chính quyền Biden hiện nay đã bắn tín hiệu rằng họ sẽ tổ chức các cuộc đàm phán song phương với cả Nga và Trung Quốc về kiểm soát vũ khí.

Tổng thống Joe Biden đã ký gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí New START với Nga thêm năm năm, có hiệu lực đến 5/2/2026. Hiệp ước này được hai nước Mỹ, Nga ký vào năm 2010 và chính thức có hiệu lực một năm sau đó. New START quy định Nga và Mỹ phải giới hạn đầu đạn hạt nhân của mỗi nước dưới 1.550 đơn vị.

Ông Robert Wood, đại sứ Mỹ về giải giáp vũ khí, hồi tháng Năm đã nói trong một hội nghị của Liên Hiệp Quốc rằng Trung Quốc không sẵn lòng tham gia vào các cuộc đàm phán vũ khí hạt nhân song phương. Tuy nhiên, cũng trong hội nghị này, đại diện Trung Quốc nói rằng họ “sẵn sàng tiến hành đối thoại tích cực”.

Mặc dù PRC [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] đã xây dựng đáng kể kho vũ khí hạt nhân, nhưng thật không may họ vẫn tiếp tục phản đối thảo luận song phương với Mỹ về giảm thiểu rủi ro hạt nhân”, ông Wood nói.

Ông Wood nói thêm rằng: “Cho đến nay, Bắc Kinh chưa sẵn lòng tham gia một cách thực chất hoặc thiết lập các cuộc thảo luận chuyên gia tương tự như những gì chúng tôi đã có với Nga. Chúng tôi trân thành hy vọng điều đó sẽ thay đổi”.

Hồi tháng Sáu, Thượng nghị sĩ Steve Daines (Đảng Cộng hòa, bang Montana) đã giới thiệu ra Thượng viên liên bang Mỹ một nghị quyết không ràng buộc (S.R.251), trong đó yêu cầu rằng cả Nga và Trung Quốc đều cũng cần phải tham gia vào bất kỳ thỏa thuận kiểm soát vũ khí nào mà Mỹ tham gia.

Thượng nghị sĩ Daines cho biết: “Từ khi Mỹ lần đầu tham gia vào hiệp ước INF với Nga, thì đồng thờiTrung Quốc đã triển khai và xây dựng kho vũ khí tên lửa đạn đạo”.

Mọi hiệp ước sắp tới phải buộc cả Nga và Trung Quốc đáp ứng cùng tiêu chuẩn, và những hiệp ước đó phải được Thượng viện phê duyệt theo đúng quy định của Hiến pháp”, ông Daines nhấn mạnh.

Đức Thiện (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: