Chính quyền Trung Quốc tuyên bố phản đối dự luật của Mỹ về việc cấm các hàng hóa sản xuất thông qua lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương, sau khi dự luật được thông qua tại Hạ viện và gửi tới Thượng viện trong tuần này.

W020210519666347700865 e1625622547530
Ông Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên BNG Trung Quốc. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc)

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm 15/12 rằng, Bắc Kinh coi Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ là một nỗ lực của Quốc hội Hoa Kỳ nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc “nhân danh nhân quyền”. Và ông khẳng định Trung Quốc sẽ có biện pháp trả đũa.

Những năm gần đây, nhiều nhà nghiên cứu và các nhóm nhân quyền phát hiện thấy, hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ trong các trại tập trung và bị “cưỡng bức lao động”. Họ sẽ phải làm các công việc bắt buộc mà chính phủ yêu cầu, đôi khi còn bị điều chuyển hàng loạt đến các tỉnh khác nhau.

“Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ” tạo ra một “giả định đáng tin” rằng tất cả hàng hóa từ Tân Cương đều do lao động cưỡng bức làm ra và vì thế bị cấm nhập khẩu vào Mỹ. Những sản phẩm từ khu vực này chỉ được phép xuất sang Mỹ nếu chính phủ Mỹ xác định có “bằng chứng rõ ràng và thuyết phục” rằng các sản phẩm đó không phải do lao động cưỡng bức làm.

Ngày 14/12, Nhà Trắng cho hay Tổng thống Joe Biden hoan nghênh dự luật và sẽ ký thành luật.

Ông Triệu nói nói với các phóng viên, các chính trị gia ở Hoa Kỳ đang “bịa đặt dối trá” để “cản trở sự phát triển của Trung Quốc thông qua thao túng chính trị và bắt nạt kinh tế”.

Ông chỉ trích: “Kế hoạch thấp hèn của họ sẽ không bao giờ thành công và sẽ chỉ làm tổn hại thêm uy tín và hình ảnh của chính phủ và Quốc hội Hoa Kỳ tại Trung Quốc.”

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục tấn công bằng cách lặp lại lời kêu gọi từ năm ngoái, yêu cầu Hoa Kỳ giải quyết các vấn đề nhân quyền của mình trước khi chỉ trích Trung Quốc. Vấn đề ông Triệu đề cập đến là tội ác đối với người Mỹ bản địa, và cho rằng điều đó “cấu thành tội ác diệt chủng thực sự”.

Cụm từ này được đưa ra lần đầu tiên sau khi Hoa Kỳ, dưới thời chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố Trung Quốc phạm tội diệt chủng và chống lại loài người đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Ông Triệu lập luận, những cáo buộc diệt chủng và cưỡng bức lao động ở Tân Cương là “lời nói dối lớn nhất thế kỷ”. “Trung Quốc vô cùng lấy làm tiếc vì điều này đã trở thành điều đúng đắn về mặt chính trị ở Mỹ,” ông bày tỏ.

“Chúng tôi sẽ đưa ra phản ứng kiên quyết nếu Hoa Kỳ nhất mực tiến hành hành động này,” ông kết luận, đồng thời ám chỉ các biện pháp đối phó tiềm năng như trừng phạt các nhà lập pháp Mỹ.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã gửi dự luật tới Thượng viện sau khi Hạ viện nhất trí thông qua một phiên bản do Dân biểu Dân chủ Jim McGovern (tiểu bang Massachusetts) soạn thảo hôm 14/12. Sau đó, ngày 17/12, Thượng viện Mỹ cũng chính thức thông qua dự luật này.

Chính phủ Mỹ hiện đã cấm nhập khẩu tất cả sản phẩm bông và cà chua từ Tân Cương do lo ngại chúng do lao động cưỡng bức làm ra.

Chính phủ Mỹ cũng đã cấm nhập khẩu sản phẩm của nhiều nhà máy vật liệu dùng trong sản xuất tấm pin mặt trời tại Tân Cương sau khi nổi lên các báo cáo cho thấy một số công ty tại khu vực này đang sử dụng lao động cưỡng bức. Tân Cương là nơi cung cấp phần lớn vật liệt cho ngành sản xuất tấm pin mặt trời toàn cầu.

Minh Ngọc (Theo Newsweek)

Xem thêm: