Cuộc khẩu chiến giữa Trung Quốc và Đài Loan tiếp tục căng thẳng trong tuần này sau khi một quan chức dân cử cấp cao ở Đài Bắc gợi ý, đảo quốc này có thể đáp trả cuộc xâm lược của Trung Quốc bằng cách phóng tên lửa vào Bắc Kinh.

Gợi ý hiếm hoi về khả năng trả đũa này không đến từ chính phủ Đài Bắc, mà từ Chủ tịch viện Lập pháp Đài Loan Du Tích Khôn (You Si-kun). Chủ tịch Du cùng với Ngoại trưởng Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) và Thủ tướng Tô Trinh Xương (Su Tseng-chang) là ba quan chức Đài Loan bị chính quyền cộng sản Trung Quốc đưa vào danh sách trừng phạt vào cuối năm ngoái.

Hôm Chủ nhật (12/6), phát biểu tại một sự kiện trực tuyến, ông Du đã đề cập đến khả năng quốc phòng của Đài Loan khi tiết lộ tên lửa hành trình siêu thanh Vân Phong do Đài Bắc sản xuất trong nước có khả năng vươn tới Bắc Kinh. Việc giữ bí mật về chương trình tên lửa của đảo quốc này có nghĩa là khả năng chính xác của tên lửa Vân  Phong và số lượng sản xuất hiện tại của nó chưa bao giờ được xác nhận công khai. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán, tầm bắn hiệu quả của tên lửa này có thể đạt 1.200 dặm (khoảng 1.920 km), đủ để vươn tới thủ đô của Trung Quốc.

Ông Du cảnh báo: “Đài Loan tất nhiên sẽ không bao giờ xâm lược Trung Quốc… và Đài Loan cũng sẽ không chủ động tấn công Bắc Kinh hoặc Đập Tam Hiệp. Tuy nhiên, trước khi Trung Quốc tấn công Đài Loan, họ phải cân nhắc năng lực hiện tại của Đài Loan trong việc tấn công Bắc Kinh… Trung Quốc nên suy nghĩ kỹ trước khi xâm lược Đài Loan.”

unnamed
Ông Mã Hiểu Quang (Ảnh: china.org.cn)

Trung Quốc đã phản ứng bài phát biểu của ông Du thông qua Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của mình. Hôm thứ Tư, phát ngôn viên Mã Hiểu Quang (Ma Xiaoquang) của văn phòng này đã đưa ra một câu trả lời đe dọa tương đối khéo léo theo tiêu chuẩn của mình. Theo luận điệu của Bắc Kinh, những người từ chối “thống nhất” Đài Loan với Trung Quốc Đại Lục là những người ủng hộ “Đài Loan độc lập”. Đây là cụm từ mà chính quyền Trung Quốc thường gán cho chính phủ của Tổng thống Thái Anh Văn, tuy nhiên chính cụm từ này đã thu hút hàng triệu người Đài Loan bỏ phiếu cho chính phủ của bà.

Ông Mã đe dọa: “Sự cuồng nhiệt của những thành viên ngoan cố ủng hộ Đài Loan độc lập giống như ông Du Tích Khôn chỉ phơi bày bản chất điên cuồng của họ. Nếu họ dám tấn công một hòn đá bằng một quả trứng, điều đó sẽ chỉ làm tăng nhanh sự sụp đổ của họ.”

Đài Loan sản xuất hàng loạt tên lửa để chống hạm và phòng không, nhưng khả năng tấn công của các loại tên lửa này vẫn là một bí mật và trở thành một chủ đề thường xuyên được đồn đoán.

Trước đó hồi tháng 1 đầu năm, cơ quan lập pháp của Đài Loan đã phê duyệt ngân sách đặc biệt 8,55 tỷ đô la dành cho việc sản xuất hàng loạt các tên lửa. Không có đề cập cụ thể nào liên quan đến tên lửa Vân Phong. Tuy nhiên, ngân sách 5 năm này sẽ được dùng để phát triển các tên lửa hành trình đất đối đất và một số hệ thống khác.

Trong những năm qua, các thiết bị quân sự quan trọng của đảo quốc này như máy bay chiến đấu và xe tăng chủ yếu được mua từ Mỹ. Hoa Kỳ hiện đang đóng vai trò tích cực hơn trong việc hỗ trợ Đài Loan lập kế hoạch phòng thủ.

Các quan chức ở Đài Bắc và Washington từ lâu đã hiểu rằng Đài Loan không thể so sánh với Trung Quốc về mặt chi tiêu quốc phòng và năng lực quân sự. Năm ngoái, Hoa Kỳ và Đài Loan đã đạt được sự thống nhất về việc xây dựng năng lực chiến đấu phi đối xứng cho Đài Loan. Cả hai chính phủ đều nhận định, các hệ thống vũ khí nhỏ hơn, rẻ hơn, cơ động hơn, và có thể sống sót tốt hơn sẽ giúp Đài Bắc nhắm mục tiêu vào các điểm yếu của lực lượng xâm lược của Bắc Kinh.

Những vũ khí phi đối xứng này, bao gồm các bệ phóng rocket vác vai như Stinger và Javelin, hiện đang được Ukraine sử dụng một cách hiệu quả trong cuộc kháng chiến chống lại các lực lượng của Nga. Kết quả ở Ukraine càng làm cho Washington tin tưởng vào học thuyết chiến tranh phi đối xứng khi áp dụng cho Đài Bắc.  

Trong buổi nói chuyện cuối tuần qua, Chủ tịch quốc hội Đài Loan nhận định, Eo biển Đài Loan rộng 100 dặm là một rào cản tự nhiên mang lại lợi thế cho Đài Loan. Tuy nhiên ông cảnh báo, nếu quân đội Trung Quốc đổ bộ lên các bãi biển của Đài Loan, thì tất cả người dân Đài Loan sẽ đứng lên để kháng cự lại “giống như những người Ukraine”.

Ông tuyên bố: “Đài Loan phải cho Trung Quốc biết rằng ngay cả khi họ qua được Eo biển Đài Loan và đổ bộ thành công, họ vẫn sẽ phải trả giá.”

Gia Huy (Theo Newsweek)