Trung Quốc chỉ trích lời kêu gọi của Ngoại trưởng Antony Blinken về các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân là một nỗ lực để “giảm nhẹ trách nhiệm” trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đang diễn ra liên quan đến chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.

Embed from Getty Images

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết hôm 2/8: “Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc tham gia đối thoại giải trừ vũ khí hạt nhân… với một mục đích duy nhất, đó là giảm bớt sự đổ lỗi và đánh lạc hướng sự chú ý. Quy mô kho vũ khí hạt nhân của chúng tôi không tương xứng với Mỹ. Ở giai đoạn hiện tại, yêu cầu Trung Quốc tham gia vào quá trình giải trừ quân bị đa phương là không công bằng và cũng không hợp lý.”

Những tiến bộ về vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đã làm dấy lên lo lắng toàn cầu rằng Bắc Kinh có thể học theo chiến lược của Nga trong việc tấn công một nước láng giềng yếu hơn, với việc sử dụng cái gọi là vũ khí hạt nhân “chiến thuật” nhằm ngăn chặn sự can thiệp của Hoa Kỳ. Bà Hoa Xuân Oánh đã từ chối lời kêu gọi đàm phán hạt nhân trong bối cảnh căng thẳng trước chuyến đi Đài Loan của bà Pelosi, khi Đảng Dân chủ California cự tuyệt thay đổi hành trình của bà trước những tuyên bố và cảnh báo rằng lực lượng Trung Quốc sẽ trả đũa nếu bà tiếp tục chuyến thăm.

Bà nhấn mạnh: “Hoa Kỳ đang theo chiến lược sử dụng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc. Bất kỳ biện pháp đối phó nào mà Trung Quốc thực hiện sẽ là một phản ứng hợp lý và cần thiết trước việc Hoa Kỳ lờ đi các tuyên bố lặp đi lặp lại của Trung Quốc cũng như hành vi vô đạo đức của nước này.”

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio – người đã mạnh mẽ bày tỏ “quan điểm của mình rằng Ukraine hôm nay, có thể là Đông Á vào ngày mai” tại một hội nghị an ninh hồi tháng 6 – đã đến New York để tham gia một hội nghị đánh giá hiệu lực của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

“Mặc dù con số đã giảm đáng kể kể từ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh… việc duy trì xu hướng giảm này là cực kỳ quan trọng trong việc tiến gần hơn đến một thế giới không có vũ khí hạt nhân,” nhà lãnh đạo Nhật Bản nói với Liên Hợp Quốc trong bài phát biểu hôm 1/8. “Theo hướng này, Nhật Bản ủng hộ cuộc đối thoại được tiến hành giữa Hoa Kỳ và Nga để giảm bớt hơn nữa, đồng thời khuyến khích Hoa Kỳ và Trung Quốc tham gia vào một cuộc đối thoại song phương về kiểm soát vũ khí hạt nhân và giải trừ vũ khí hạt nhân.”

Ngoại trưởng Blinken cũng phát biểu tại hội nghị: “Bất kỳ quốc gia nào yêu cầu người khác từ chối theo đuổi vũ khí hạt nhân cũng phải sẵn sàng giảm – và cuối cùng, loại bỏ – kho dự trữ vũ khí hạt nhân của chính họ. Chúng tôi sẵn sàng làm việc với tất cả các đối tác, bao gồm cả Trung Quốc và các nước khác, về nỗ lực giảm thiểu rủi ro và ổn định chiến lược. Khi nhìn về tương lai, chúng ta cũng phải tăng cường các thỏa thuận để ngăn chặn xung đột hạt nhân – và tạo ra những thỏa thuận mới.”

Các quan chức Trung Quốc đã từ chối việc xem xét các hạn chế đối với kho vũ khí hạt nhân đang phát triển của họ trong nhiều năm qua. Bắc Kinh thậm chí còn không ngừng thể hiện sức mạnh các lực lượng hiện đại hóa của mình trong một nỗ lực nhằm hạn chế các liên hệ của chính phủ Hoa Kỳ với Đài Loan.

“Biến mình thành kẻ thù của 1,4 tỷ người Trung Quốc sẽ không có kết quả tốt đẹp,” bà Hoa Xuân Oánh viết trên Twitter. “Hành xử như một kẻ bắt nạt trước toàn thế giới sẽ chỉ khiến mọi người thấy rằng Mỹ là mối nguy hiểm lớn nhất đối với hòa bình thế giới.”

Minh Ngọc (Theo Washingtonexaminer)