Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Tư (30/8) đã tuyên bố rằng “đàm phán không phải là câu trả lời” cho vấn đề phát triển tên lửa hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nhanh chóng khẳng định rằng các lựa chọn ngoại giao vẫn còn và phía Nga lập tức yêu cầu Mỹ nên kiềm chế.

Thông tấn xã Bắc Triều Tiên (KCNA) công bố hình ảnh ông Kim Jong-un chỉ đạo việc phóng thử tên lửa bay qua miền bắc Nhật Bản vào sáng thứ Ba 29/8 (giờ Triều Tiên). 

Đăng trên Twitter sáng thứ Tư (30/8), ông Trump viết: “Hoa Kỳ đã từng đàm phán với Bắc Triều Tiên, và đã bị tống tiền 25 năm qua. Đàm phán không phải là câu trả lời”.

Trước khi ông Trump đăng tweet nêu trên, phía Bắc Hàn đã tuyên bố rằng việc họ phóng tên lửa bay qua Nhật Bản sáng thứ Ba 29/8 (giờ Triều Tiên) mới là “bước đầu tiên” của hoạt động quân sự tại Thái Bình Dương.

Phản ứng ngay sau các dòng tweet cứng rắn của ông Trump, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã tuyên bố rằng vẫn còn không gian cho lựa chọn ngoại giao.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu Hoa Kỳ đã bỏ qua giải pháp ngoại giao với Bắc Hàn trong bối cảnh mâu thuẫn đang dâng cao sau khi Bình Nhưỡng thử hàng loạt tên lửa đạn đạo, Tướng Mattis đáp trả dứt khoát rằng: “Không”.

Phát biểu trước khi có cuộc gặp mặt người đồng cấp Hàn Quốc tại trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ, ông Mattis nói: “Chúng tôi không bao giờ bỏ qua giải pháp ngoại giao. Chúng tôi tiếp tục làm việc cùng nhau, và ngài Bộ trưởng [Hàn Quốc] và tôi cùng chia sẻ trách nhiệm bảo vệ hai quốc gia, nhân dân và các lợi ích của chúng tôi”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đã có cuộc điện đàm tức thì với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Bộ Ngoại giao Nga cho hay ông Lavrov kêu gọi Hoa Kỳ nên kiềm chế bất kỳ hành động quân sự nào trên bán đảo Triều Tiên, hành vi mà có thể “gặp phải những hậu quả không thể lường trước”.

Bộ Ngoại giao Nga cũng nói thêm rằng Ngoại trưởng của họ nhấn mạnh rằng Moscow sẽ dùng quyền phủ quyết để phản đối bất kỳ lệnh trừng phạt nào khác áp đặt lên Bình Nhưỡng vì cho rằng những biện pháp đó sẽ chỉ có tác dụng ngược.

Phía Nga cũng đổ lỗi hoạt động quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực là một phần nguyên nhân dẫn tới căng thẳng leo thang và kêu gọi Washington nên kiềm chế và sớm ngồi vào bàn đàm phán. Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh rằng ngoại giao là cách duy nhất để giải quyết mâu thuẫn tại bán đảo Triều Tiên.

Phát biểu cứng rắn của Tổng thống Trump đến chỉ 1 ngày sau khi Hội đồng Bảo an nhóm họp tại New York và phát đi tuyên bố lên án các vụ thử tên lửa gần nhất của Bắc Hàn, tuy nhiên cơ quan này không đưa ra bất kỳ chỉ dấu nào cho thấy họ sẽ sẵn sàng áp đặt thêm các lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn lên chế độ Kim Jong-un.

Trong khi đó, Cơ quan Phòng thủ Tên lửa của Bộ Quốc phòng Mỹ (MDA) cho hay vào sáng sớm thứ Tư (30/8), cơ quan này đã phối hợp với thủy thủ đoàn của tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John Paul Jones tiến hành “cuộc diễn tập bay phòng thủ tên lửa phức tạp” nhằm đánh chặn mục tiêu tên lửa đạn đạo tầm trung.

Giám đốc của MDA, Trung tướng Sam Greaves đã gọi lần diễn tập này là “cột mốc quan trọng” nâng tầm các tàu chiến Phòng thủ Tên lửa đạn đạo của Hải quân Hoa Kỳ lên tầm cao mới, nhưng không đề cập trực tiếp đến mối đe dọa Bắc Triều Tiên.

Nhà Trắng cũng cho biết Tổng thống Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe đã có cuộc điện đàm cam kết “tiếp tục hợp tác chặt chẽ” liên quan đến vụ phóng tên lửa mới nhất của Bắc Hàn.

Trao đổi nhân dịp chuyến công du thành phố Osaka, Nhật Bản, Thủ tướng Anh Theresa May cũng đã kêu gọi Trung Quốc – đồng minh chính của Bắc Triều Tiên, hãy gây áp lực nhiều hơn nữa lên Bình Nhưỡng.

Mỹ và Hàn Quốc vẫn đang tập trận chung trên bán đảo Triều Tiên từ 21/8. Washington cũng vừa phối hợp cùng Nhật Bản thử nghiệm hệ thống phòng thử tên lửa PAC-3 để sẵn sàng đối phó với mối đe dọa từ chế độ Kim Jong-un.

Yên Sơn

Xem thêm: