Các nhà phân tích cho biết Trung Quốc đang cảm thấy khó khăn trong việc trả đũa những động thái của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn Huawei tiếp cận công nghệ thiết yếu, bởi bất kỳ động thái trừng phạt nào đối với các công ty Mỹ đều có thể gây tổn hại cho việc phục hồi nền kinh tế của nước này vốn đã suy yếu do đại dịch virus corona gây ra.

huawei
Ảnh minh họa từ Shutterstock

Tuần này, Washington đã gia tăng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn Huawei tiếp cận chip và các linh kiện khác của bên thứ ba miễn là có liên quan tới các công nghệ do Mỹ nắm giữ. Điều này được cho là “án tử” đối với gã khổng lồ công nghệ được đánh giá cao nhất của Trung Quốc.

Mỹ cắt đứt “đường sống” của Huawei với lệnh cấm mới nhất

Mặc dù Bắc Kinh bày tỏ sự tức giận đối với động thái của Hoa Kỳ, nhưng đến nay chưa công bố bất kỳ biện pháp trả đũa nào, bao gồm cả việc hạn chế các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

15 tháng trước, Trung Quốc cho biết họ sẽ lập một ‘danh sách thực thể không đáng tin cậy’ bao gồm các cá nhân, công ty và tổ chức nước ngoài gây ra mối đe dọa đối với nước này. Thời báo Hoàn Cầu sau đó đưa tin vào tháng 5 rằng Trung Quốc có thể áp đặt các hạn chế đối với các công ty công nghệ khổng lồ của Hoa Kỳ như Qualcomm, Cisco và Apple. Tuy nhiên cho đến nay không có động thái cụ thể nào được đưa ra.

Theo các nhà quan sát, sự thận trọng của Bắc Kinh dường như bởi Trung Quốc đang thay đổi chiến lược từ đối đầu ‘ăn miếng trả miếng’ với Washington sang nỗ lực ngăn chặn quan hệ song phương sụp đổ, đặc biệt trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 3/11.

Ông Huo Jianguo, cựu lãnh đạo một tổ chức tư vấn chính phủ thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, nhận định rằng trong khi Bắc Kinh không muốn thỏa hiệp về các lợi ích quốc gia cốt lõi, bao gồm các vấn đề Hồng Kông, Đài Loan, Tân Cương và Biển Đông, thì hiện nước này chỉ còn đặt cược vào mối quan hệ kinh tế để ngăn chặn một cuộc đối đầu toàn diện diễn ra. 

Nhưng điều này đòi hỏi Bắc Kinh phải nỗ lực gấp đôi để giành được cảm tình của các công ty Mỹ, vốn được xem là niềm hy vọng duy nhất để đối trọng với quan điểm chỉ trích ngày càng tăng từ phía quân đội, các cơ quan tình báo cũng như giới học thuật và truyền thông Hoa Kỳ, ông Huo nhận xét.

Ông Dan Wang, một nhà phân tích của công ty tư vấn Gavekal, đã nói trong tuần này rằng lệnh hạn chế mới nhất của Hoa Kỳ đối với Huawei là “một bản án tử hình” đối với công ty, nhưng Trung Quốc lại không thể trút cơn giận dữ lên các doanh nghiệp Mỹ.

Ông Wang viết: “Huawei là một công ty quan trọng, nhưng Bắc Kinh hiện đang thực hiện một chiến dịch quyết đoán nhằm thuyết phục các công ty lớn của Hoa Kỳ ở lại Trung Quốc, bởi họ vẫn cần công nghệ Mỹ và họ cần các doanh nghiệp Mỹ như một đồng minh trong nỗ lực nhằm giảm bớt sự thù địch của chính phủ Hoa Kỳ.”

Thay vì thực hiện các biện pháp trừng phạt trả đũa, một chiến lược tốt hơn sẽ giúp Huawei tồn tại trong vài tháng với hy vọng rằng ông Biden sẽ chiến thắng, ông Wang cho biết thêm.

Tháng trước, Trung Quốc đã thông báo trừng phạt đối với nhà thầu quốc phòng Mỹ Lockheed Martin vì đã bán vũ khí cho Đài Loan. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã không nói rõ chi tiết của lệnh trừng phạt này. Các nhà phân tích cho biết quyết định này cho thấy công ty Mỹ này chỉ có sự hiện diện không đáng kể ở Trung Quốc.

Đồng thời, các quan chức Trung Quốc đang thể hiện thiện chí nhằm duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các công ty Mỹ đang hoạt động tại Đại lục.

Ông Wang Shouwen, thứ trưởng Bộ Thương mại và là thành viên quan trọng của phái đoàn đàm phán thương của Trung Quốc, vào cuối tháng trước đã đảm bảo với các thành viên của Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc, bao gồm General Motors, Intel và Starbucks, rằng họ vẫn nhận được sự ủng hộ của Bắc Kinh.

“Chúng tôi hy vọng rằng cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể phát huy tốt vai trò của mình như một cầu nối để mở rộng hợp tác song phương và biến mối quan hệ thương mại và kinh tế thành một yếu tố giúp ổn định quan hệ song phương,” ông Wang nói.

Mặc dù những người theo chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc đã lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh trả đũa các công ty Mỹ, nhưng chính phủ trung ương Trung Quốc đã hứa sẽ mở rộng cửa hơn nữa cho đầu tư nước ngoài và bảo vệ các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại nước này.

Ông Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng của Greater China tại ngân hàng Standard Chartered, cho biết ưu tiên của Bắc Kinh là giữ chân các công ty nước ngoài ở lại nước này càng nhiều càng tốt để làm chậm việc tách rời giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ông Ding nói: “Trung Quốc không nên phản ứng thái quá đối với các động thái của Hoa Kỳ và phải tính toán thiệt hơn trước khi làm bất kỳ điều gì. Đây chưa phải là thời điểm thích hợp để Trung Quốc công bố ‘danh sách thực thể không đáng tin cậy’ bởi điều này sẽ chỉ làm leo thang trả đũa từ phía Hoa Kỳ. Động thái này sẽ dẫn đến tác động sâu rộng. Do đó nó có thể là một lựa chọn sau khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kết thúc.”

Hôm thứ 5 (20/8), Bắc Kinh cho biết các nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ gặp nhau để đàm phán “trong những ngày sắp tới” sau khi ông Trump thông báo đã hoãn cuộc gặp vào tuần trước.

Gia Huy (theo SCMP)

Xem thêm: