Trung Quốc đã tái khẳng định họ là “nước láng giềng thân thiện” của Myanmar trong một thông điệp gửi tới quốc gia Đông Nam Á hôm thứ Hai (1/2). Bắc Kinh gửi đi thông điệp này chỉ vài giờ sau khi quân đội Myanmar thực hiện cuộc đảo chính, bắt giam các quan chức cấp cao nhất của chính quyền dân sự, trong đó có bà Aung San Suu Kyi.

Embed from Getty Images

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) trong cuộc họp báo thường nhật hôm thứ Hai (1/2) đã nói: “Chúng tôi đã biết những gì xảy ra tại Myanmar, và chúng tôi đang tìm hiểu thêm thông tin về tình huống này”.

Trung Quốc là nước láng giềng thân thiện của Myanmar. Chúng tôi hy vọng rằng tất cả các đảng phái tại Myanmar sẽ giải quyết hợp lý các khác biệt theo khung luật pháp và hiến pháp, và duy trì ổn định chính trị – xã hội”, ông Uông nói thêm.

Hoàn cầu Thời báo – cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc – hôm 1/2 cũng đưa ra tuyên bố cho hay: “Là đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar, khối lượng thương mại của Trung Quốc với Myanmar chiếm hơn 33% tổng khối lượng thương mại của Myanmar, theo dữ liệu do Bộ Thương mại Trung Quốc công bố năm 2020. Theo đó, tình hình chính trị ổn định tại Myanmar sẽ có lợi cho giao thương và phát triển quan hệ giữa hai đất nước”.

Quân đội Myanmar đã tiến hành cuộc đảo chính trong vài giờ sáng sớm ngày 1/2. Binh lính đã bắt giữ bà Aung San Suu Kyi – cố vấn nhà nước Myanmar – có vai trò tương đương chức vụ thủ tướng, cùng với Tổng thống U Win Myint và các chính trị gia cấp cao khác của Myanmar trong các cuộc bố ráp trước bình minh.

Quân đội đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm và loan báo rằng Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing sẽ giữ vai trò kiểm soát đất nước trong vòng 12 tháng tới. Quân đội nói rằng việc thâu tóm quyền lực này là cần thiết bởi vì chính phủ Myanmar đã không hành động gì về các cáo buộc của quân đội cho rằng có gian lận trong cuộc bầu cử quốc hội Myanmar hồi tháng 11/2020. Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền của bà Suu Kyi đã chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tháng Mười Một và đảm bảo được đa số ghế trong quốc hội Myanmar. Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) do quân đội hậu thuẫn đã cáo buộc NLD có hành vi gian lận cử tri trong cuộc tổng tuyển cử.

Nhận định về tình hình tại Myanmar, Hoàn cầu Thời báo cho rằng hành động của quân đội nước này hôm thứ Hai “có thể được xem là một sự điều chỉnh đối với cấu trúc quyền lực mất chức năng của Myanmar”.

Quân đội và các nhà lập pháp USDP cùng nhau chỉ chiếm khoảng 1/3 ghế trong quốc hội Myanmar. Thực tế này làm cho họ gặp khó trong việc thúc đẩy các đề xuất chính sách của mình, đồng thời không thể ngăn chặn các đề xuất của NLD”, một chuyên gia giấu tên nói với Hoàn cầu Thời báo. Chuyên gia này cũng lưu ý rằng “quân đội và USDP có thể cảm thấy rằng lợi ích của họ không thể được bảo vệ”.

Trung Quốc đã duy trì mối quan hệ tốt với cả chính phủ [Myanmar] hiện tại và quân đội nước này, và [Bắc Kinh] hy vọng rằng hai bên [chính quyền dân sự và quân đội Myanmar] có thể đạt được thỏa hiệp thông qua các cuộc đàm phán để duy trì hòa bình và ổn định. Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng Myanmar nên cảnh giác với sự can thiệp tiềm tàng từ bên ngoài”, Hoàn cầu Thời báo cho biết.

Myanmar là đồng minh gần gũi nhất của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á và cũng là một bên ký kết tham gia vào Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh. Sáng kiến này đã xây dựng các đường ống dẫn khí do Trung Quốc làm trên khắp lãnh thổ Myanmar trong những năm gần đây.

Trong vài tháng qua, Bắc Kinh đã duy trì các mối quan hệ gần gũi với Myanmar nhằm nỗ lực xây dựng tuyến đường sắt và cảng biển đã đề xuất tại quốc gia Đông Nam Á này. Dự án cơ sở hạ tầng đường sắt và cảng biển tại Mynamar sẽ cho phép Trung Quốc dễ dàng tiếp cận Vịnh Bengal và Ấn Độ Dương từ các tỉnh không có đường biển của mình.

Đức Thiện (Theo Breitbart News)

Xem thêm: