Bắc Kinh và Moscow đang tiếp tục củng cố quan hệ bằng cách gia hạn Hiệp ước hữu nghị 20 năm, chỉ vài tuần sau khi các nhà lãnh đạo Nga và Mỹ gặp nhau trong cuộc họp thượng đỉnh ở Geneva.

Embed from Getty Images

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp trực tuyến lần thứ hai trong tháng này hôm 28/6, đồng ý gia hạn Hiệp ước Láng giềng Tốt và Hợp tác Thân thiện.

Theo Tân Hoa xã, ông Tập đã ca ngợi mối quan hệ Trung Quốc – Nga là một “ví dụ điển hình của một kiểu quan hệ quốc tế mới”, mang lại “năng lượng tích cực” cho thế giới. Ông nói rằng việc gia hạn Hiệp ước là một “thực tiễn sống động để xây dựng một kiểu quan hệ quốc tế mới và một cộng đồng với chung vận mệnh cho nhân loại”.

“Tôi tin rằng theo tinh thần Hiệp ước này, cho dù phải vượt qua bao nhiêu trở ngại trên con đường phía trước, Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục đoàn kết nỗ lực và quyết tâm tiến lên”, ông Tập nói.

Tổng thống Nga Putin đã ký Hiệp ước nói trên tại Điện Kremlin với cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân vào tháng 7 năm 2001. Hai nước láng giềng đồng ý giải quyết các tranh chấp biên giới lịch sử của họ và đặt ra hợp tác chiến lược trong các lĩnh vực, bao gồm cả quân sự và quốc phòng. Hiệp ước này sẽ hết hạn vào tháng tới.

Embed from Getty Images

Hôm thứ Hai, ông Putin nói rằng quan hệ Trung Quốc – Nga đang ở “điểm cao nhất”, theo hãng thông tấn Nga TASS. Ông Putin nói: “Hiện tại, theo văn bản và tinh thần của Hiệp ước, chúng tôi đã nỗ lực đưa quan hệ Nga – Trung lên mức cao chưa từng có, biến chúng thành một ví dụ về hợp tác liên chính phủ trong thế kỷ 21.”

Cuộc gặp trực tuyến giữa ông Tập và ông Putin diễn ra sau khi ông Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp mặt trực tiếp lần đầu tiên tại Geneva vào ngày 16/6. Hai bên đã đồng ý bắt đầu đối thoại về kiểm soát vũ khí hạt nhân và đưa các đại sứ trở lại thủ đô của nhau, nhưng đã có ít tiến bộ cụ thể về các vấn đề khác như an ninh mạng, Ukraine hay nhân quyền.

Bắc Kinh và Moscow đã thiết lập một loạt các cơ chế và dự án hợp tác chiến lược theo hiệp ước năm 2001, đặc biệt là trong những năm gần đây khi cả hai đều chứng kiến mối quan hệ với Washington xấu đi đáng kể.

Moscow xích lại gần Bắc Kinh từ năm 1996 với “quan hệ đối tác chiến lược” nhằm mục đích chống lại sự thống trị toàn cầu của Mỹ. Xu hướng này đã trở nên rõ ràng hơn kể từ khi mối quan hệ của Nga với phương Tây đi xuống liên quan đến vấn đề Ukraine và các vấn đề khác vào năm 2014, theo Artyom Lukin, phó giáo sư tại Đại học Liên bang Viễn Đông của Nga.

Ông Lukin nói: “Nếu Mỹ tiếp tục chính sách ngăn chặn kép hiện tại của mình đối với cả Nga và Trung Quốc, thì sẽ không có giới hạn rõ ràng nào về mức độ sâu rộng mà một liên minh Trung – Nga có thể hình thành trong tương lai”.

Trong cuộc hội đàm hôm thứ Hai, ông Putin cũng gửi lời chúc mừng nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, đài truyền hình nhà nước CCTV đưa tin.

Đài này cho biết hai nhà lãnh đạo đã ra một tuyên bố chung phản đối “sự can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác dưới chiêu bài dân chủ và nhân quyền” và “các biện pháp trừng phạt đơn phương”, đồng thời bày tỏ sự phản đối với việc “chính trị hóa” đại dịch COVID-19 và các sự kiện thể thao.

Ông Tập và ông Putin cũng cho biết họ lo ngại về việc quân đội Mỹ và NATO tăng tốc rút khỏi Afghanistan, nói rằng điều đó tạo ra tình hình an ninh phức tạp và nghiêm trọng hơn ở nước này, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, theo CCTV.

Danil Bochkov, một chuyên gia của Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga, cho biết Moscow và Bắc Kinh đã không để bất kỳ lĩnh vực hợp tác tiềm năng nào bị ảnh hưởng, cho dù là “kinh tế, chính trị, địa chiến lược, an ninh, nhân đạo, văn hóa hoặc bất kỳ hình thức tương tác nào khác”.

Ông lưu ý rằng có một số rạn nứt nhỏ trong mối quan hệ, chẳng hạn như các hoạt động của Bắc Kinh ở Trung Á thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường và tham vọng của họ ở Bắc Cực.

Bochkov nói: “Điểm mấu chốt là Trung Quốc và Nga đang ngày càng xích lại gần nhau hơn, nhưng theo thời gian, điều đó có thể thay đổi, vì Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách trong nhiều lĩnh vực mà Nga có truyền thống chiếm vị trí hàng đầu.”

Tuy nhiên, áp lực và sự cạnh tranh của Mỹ không phải là lý do chính khiến Bắc Kinh và Moscow xích lại gần nhau hơn, theo Vladimir Portyakov, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga.

Ông nói: “Bản thân mối quan hệ Trung – Nga có động lực mạnh mẽ và giá trị độc lập bất kể ảnh hưởng của các nước thứ ba.”

Tiến Minh (theo SCMP)

Xem thêm: