Trung Quốc và Nga hôm thứ Năm (26/5) đã phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc do Mỹ đề xuất để trừng phạt bổ sung Triều Tiên do nước này liên tiếp phóng thử tên lửa đạn đạo.

Embed from Getty Images

Nghị quyết do Mỹ soạn thảo nhận được sự ủng hộ của hầu hết thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trừ Trung Quốc và Nga. Nghị quyết này đề xuất áp đặt lệnh cấm xuất khẩu thuốc lá và dầu mỏ tới Triều Tiên, cũng như liệt nhóm tin tặc Lazarus vào danh sách đen. Mỹ cho biết Lazarus có liên quan đến chính phủ Triều Tiên.

Hội đồng Bảo an tiến hành bỏ phiếu về nghị quyết nêu trên chỉ một ngày sau khi Triều Tiên phóng thử 3 tên lửa ra bờ biển phía đông, trong đó có một quả được cho là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Vụ phóng này của Bình Nhưỡng được thực hiện không lâu sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden rời Nhật Bản kết thúc chuyến công du châu Á lần đầu tiên từ khi nhậm chức.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield đã gọi phiên bỏ phiếu hôm 26/5 là “ngày đáng thất vọng” đối với Hội đồng Bảo an.

Thế giới đối mặt với mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu từ Triều Tiên. Sự kiềm chế và im lặng của Hội đồng Bảo an đã đang không xóa bỏ hoặc làm giảm được mối đe dọa này. Nếu không muốn nói, Triều Tiên đã đang được khuyến khích”, bà Thomas-Greenfield nói.

Đại sứ Mỹ cho biết Washington đánh giá rằng Triều Tiên từ đầu năm nay đã 6 lần phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa và “đang ráo riết chuẩn bị thực hiện thử hạt nhân”.

Phiên bỏ phiếu hôm 26/5 là lần đầu tiên kể từ năm 2006, Hội đồng Bảo an công khai chia rẽ về việc trừng phạt Triều Tiên.

Trong suốt 16 năm qua, Hội đồng Bảo an đã nhất trí, đồng thuận và kiên định tăng cường chế tài nhằm cắt đứt nguồn tài chính cho các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Lần gần nhất, Hội đồng thông qua nghị quyết thắt chặt chế tài lên Bình Nhưỡng là vào năm 2017 sau khi chế độ Kim Jong-un thử tên lửa đạn đạo liên lục địa, có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ.

Từ sau đó, Trung Quốc và Nga đã thúc đẩy nới lỏng các biện pháp chế tài lên Triều Tiên với lý do nhân đạo. Hai thành viên thường trực Hội đồng Bảo an này đã nhiều lần trì hoãn một số hành động ở hậu trường của ủy ban chế tài Triều Tiên, nhưng cuộc bỏ phiếu hôm 26/5 mới là lần đầu tiên họ công khai phá vỡ thế đồng thuận về vấn đề Triều Tiên.

Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia nói tại Hội đồng Bảo an: “Giới thiệu các chế tài mới chống lại Triều Tiên là con đường dẫn tới bế tắc. Chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh về sự thiếu hiệu quả và phi nhân đạo của việc tăng cường áp lực chế tài lên Bình Nhưỡng”.

Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Quân (Zhang Jun) cho biết các chế tài bổ sung chống lại Triều Tiên sẽ không giúp ích và sẽ chỉ dẫn tới “những hậu quả tiêu cực và leo thang xung đột”.

Bán đã Triều Tiên đã diễn tiến tới tình trạng như hiện nay là chủ yếu do các chính sách thất thường của Mỹ và không duy trì được kết quả của các cuộc đối thoại trước”, ông Trương Quân nói tại Hội đồng.

Trung Quốc đang thúc giục Mỹ hành động, gồm cả dỡ bỏ một số chế tài đơn phương, để dụ dỗ Bình Nhưỡng nối lại các cuộc đàm phán đã bị bế tắc từ năm 2019.

Với việc nghị quyết bị phủ quyết tại Hội đồng Bảo an, bây giờ Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong vòng hai tuần tới sẽ họp để thảo luận về vấn đề Triều Tiên. Một luật mới của Liên Hiệp Quốc yêu cầu Đại hội đồng gồm 193 quốc gia thành viên sẽ họp sau khi một nghị quyết của Hội đồng Bảo an bị một hoặc nhiều thành viên thường trực (Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ) phủ quyết.