Trung Quốc đang trên đà vượt Mỹ trở thành nước sản xuất năng lượng hạt nhân hàng đầu thế giới vào đầu năm 2030, theo nhận định của tờ Nikkei. Điều này cũng phản ánh tình trạng lưỡng lự trong việc xây dựng năng lực hạt nhân mới ở Nhật Bản và các nước phương Tây trong khi các nền kinh tế mới nổi đang có những bước tiến vượt trội.

Embed from Getty Images

Theo Hiệp hội hạt nhân thế giới, tổng công suất điện hạt nhân của Trung Quốc, gồm cả các lò phản ứng đang xây dựng và trong kế hoạch đã lên đến 108.700 megawatt vào tháng Tư, vượt trên mức 105.120 của Mỹ.  

Xu hướng này đang phản ánh những cách tiếp cận khác nhau đối với năng lượng hạt nhân sau sự cố Fukushima ở Nhật Bản vào tháng 3/2011, theo tờ Nikkei.

Trong khi Mỹ, châu Âu và Nhật lo ngại về các rủi ro và phản ứng của công chúng, thì nhiều quốc gia khác đã trở nên nhạy bén hơn: Indonesia và Philippines đã bày tỏ mối quan tâm đến những kế hoạch về lò phản ứng, khiến vai trò cung ứng của Trung Quốc và Nga đã trở nên nổi bật.

Ông Hideo Nakasugi, chuyên gia cao cấp tại Diễn đàn Công nghiệp Nguyên tử Nhật Bản, cho biết Trung Quốc đưa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của họ hoà lưới điện chỉ khoảng ba thập kỷ trước, nhưng “về trình độ công nghệ, họ đã đuổi kịp trình độ tiên tiến nhất thế giới.”

Mỹ vẫn dẫn đầu về công suất hoạt động với khoảng 98.000 MW, Pháp theo sau với 62.000 MW, Trung Quốc đứng thứ ba với 45.000 MW. Nhưng trong khi Mỹ đang dừng hoạt động nhiều lò phản ứng và chỉ có vài lò mới được chuẩn bị để thay thế, thì Trung Quốc đang xây 11 lò phản ứng mới cùng 40 lò trong giai đoạn lên kế hoạch.

Tổng công ty Hạt nhân Quốc gia thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc hồi đầu tháng Tám đã bắt đầu truyền tải điện từ lò phản ứng số 5 tại nhà máy Tianwan thuộc tỉnh Giang Tô vào vận hành, cũng là lò phản ứng thứ 48 của đất nước. Năm 2019, Trung Quốc đưa 3 lò phản ứng mới hoà lưới điện trong khi Mỹ đóng cửa vĩnh viễn một lò tại đảo Three Mile ở bang Pennsylvania vào tháng 9 năm ngoái.

Các lò phản ứng nói chung mất khoảng 5 năm từ khi bắt đầu tới lúc hoàn thành, có nghĩa là Trung Quốc có thể dẫn đầu về năng lực hoạt động trong khoảng một thập kỷ tới.

Nhật Bản đã áp đặt các quy định chặt chẽ đối với các nhà máy điện hạt nhân sau thảm họa Fukushima và tiến tới dỡ bỏ các nhà máy cũ. Trong số hơn 50 nhà máy hoạt động trước tai nạn năm 2011, 24 đang chờ tháo dỡ. Một số nhà máy với năng lực mới vẫn duy trì nhưng không được thúc đẩy thêm.

Ngược lại, từ sau thảm hoạ, Trung Quốc đã khởi động khoảng 30 lò phản ứng mới. Nga và Ấn Độ dự định tăng gấp đôi công suất của họ. Ba nước này đang phát triển công nghệ hạt nhân thế hệ tiếp theo và có rất nhiều các lò phản ứng nghiên cứu và các lò thử nghiệm đang phát triển.

Song song với gấp rút tăng cường xây dựng trong nước, Bắc Kinh được cho là cũng đang tiếp thị thiết bị điện hạt nhân cho các nước đang phát triển. Bốn lò phản ứng do Trung Quốc xây dựng đang hoạt động ở Pakistan, và khoảng 10 lò khác được lên kế hoạch ở Thổ Nhĩ Kỳ và các nơi khác.

Nhật Bản đã cố gắng xuất khẩu thiết bị điện hạt nhân sang Anh và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng các yếu tố như chi phí xây dựng tăng cao khiến dự án phải dừng lại. Từ năm 2010, hơn 70% tổng số lò phản ứng mới được hoà vào lưới điện khắp thế giới do Trung Quốc hoặc Nga xây dựng.

Chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản và là chuyên gia về chính sách năng lượng, ông Shinichiro Takiguchi cho biết: “Nếu Trung Quốc và Nga xây dựng công nghệ mới của họ trong khi việc xây dựng mới của Nhật, Mỹ và châu Âu bị chậm lại, nguy cơ phụ thuộc vào hai nước đó trên bình diện quốc tế là rất cao. Điều này khiến họ có ảnh hưởng nhiều hơn đối với các nước đang phát triển.”

Sự trỗi dậy của Bắc Kinh và Moscow trở thành các nhà cung cấp lò phản ứng hạt nhân cũng làm dấy lên lo ngại về phổ biến vũ khí hạt nhân.

“Trung Quốc và Nga có những điều kiện nới lỏng hơn các nước như Nhật và Mỹ khi yêu cầu người mua phải có các biện pháp bảo vệ để ngăn chặn năng lượng hạt nhân xuất khẩu bị chuyển sang sử dụng trong các loại vũ khí,” ông Hirofumi Tosaki, nghiên cứu viên cao cấp tại Học viện Các vấn đề quốc tế của Nhật Bản nói.

Maria Korsnick, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Viện Năng lượng Hạt nhân Mỹ tuần trước cho biết “các nỗ lực thúc đẩy năng lượng hạt nhân trên bình diện quốc tế của Trung Quốc và Nga là phần cốt lõi trong chính sách đối ngoại của họ,” đồng thời cho rằng “Mỹ đã bị rớt lại phía sau.” 

Để tạo điều kiện cho các công ty Mỹ trong cuộc đua hạt nhân, hồi tháng Bảy Thượng viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Hướng dẫn Năng lượng Hạt nhân để thúc đẩy sự đổi mới trong lĩnh vực này và Tập đoàn Phát triển Tài chính Quốc tế do nhà nước điều hành đã gỡ bỏ lệnh cấm tài trợ các dự án hạt nhân.

Lê Vy (theo Nikkei)

Xem thêm: