Các biện pháp chống dịch cực đoan của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) một lần nữa làm dấy lên sự chú ý của quốc tế. Bắt đầu từ thứ Tư (ngày 22/12), thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây đã thực thi tất cả cách ly tại nhà do có người bị nhiễm bệnh, đồng thời phong tỏa biên giới, cấm toàn bộ hàng hóa và người nhập cảnh. Chiến lược “zero COVID” của chính quyền Trung Quốc đã dẫn đến khó khăn cho các đơn vị xuất khẩu từ Myanmar, Lào và Việt Nam.

Embed from Getty Images

Hình ảnh một tài xế Việt Nam đang đợi ở biên giới Việt – Trung vào ngày 27/2/2020. (Ảnh: Getty)

Thành phố Đông Hưng giáp với Việt Nam và là thành phố biên giới phía Nam của Trung Quốc với dân số hơn 200.000 người. Theo CCTV, sau khi 1 người dân có kết quả xét nghiệm dương tính trong quá trình kiểm tra sàng lọc định kỳ, thành phố Đông Hưng đã ra lệnh cách ly tất cả các gia đình tại nhà vào thứ Tư (ngày 22/12) cho đến khi có thông báo mới. Các trường học, phương tiện giao thông công cộng và hầu hết các cơ sở kinh doanh ngoại trừ siêu thị và hiệu thuốc đều tạm thời đóng cửa, và chính quyền đã phát động một chiến dịch xét nghiệm tất cả mọi người trong thành phố.

Thành phố này là cửa khẩu nhập khẩu 1 triệu tấn hàng hóa của Việt Nam mỗi năm, việc xử lý hải quan của thành phố cũng đã bị đình chỉ, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội yêu cầu công dân Trung Quốc tại Việt Nam không được quay trở về nước bằng đường bộ.

6.000 xe container, xe tải của Việt Nam kẹt tại biên giới Việt – Trung

Tờ Thời báo Hà Nội của Việt Nam đã tweet rằng tính đến ngày 21/12, do các hạn chế COVID-19 nghiêm ngặt hơn của Trung Quốc, các xe container của Việt Nam đã bị mắc kẹt tại biên giới với Trung Quốc, và con số đã lên đến hơn 6.000 xe. Đây là một động thái đột ngột (của chính quyền Trung Quốc). Theo thỏa thuận biên giới song phương (Trung Quốc – Việt Nam), những thay đổi trong chính sách nhập khẩu phải được thông báo trước 10 ngày khi thực hiện.

Thành phố Móng Cái thuộc tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam đối diện với thành phố Đông Hưng tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc. Vài tuần trở lại đây, hàng ngàn xe tải chở nông sản của Việt Nam bị ùn ứ ở cửa khẩu khiến hàng hóa hư hỏng.

Trả lời phỏng vấn của Phòng Dịch vụ Việt Nam – Đài Á Châu Tự Do (RFA), một tài xế chở nông sản cho biết, anh và các tài xế xe tải rất lo hàng sẽ thối vì nhiều người và xe khác đã chờ ở cửa khẩu từ ngày 17/12.

Anh nói, “Tôi nghe nói có rất nhiều xoài và mít đã bị thối”.

Đơn vị thương mại Myanmar: Các nhà xuất khẩu ở biên giới đối mặt với tổn thất to lớn

Đây là vụ mới nhất chính quyền ĐCSTQ đóng cửa biên giới gây ra rắc rối cho các thương nhân Đông Nam Á. Trong 3 tháng qua, sau khi bùng phát dịch bệnh ở một số thị trấn nhỏ xung quanh Trung Quốc, ĐCSTQ đã áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt đối với biên giới và hải cảng của nước này, ngoài Việt Nam, các nhà xuất khẩu từ Myanmar và Lào cũng rơi vào tình cảnh khó khăn, các xe tải chở đầy hàng hóa phải xếp hàng dài ở biên giới và sản phẩm có nguy cơ hư hỏng.

Trong một cuộc phỏng vấn với Phòng Dịch vụ Myanmar – Đài Á Châu Tự do, một thương nhân đến từ Myanmar nói rằng các nhà xuất khẩu phải đối mặt với thiệt hại nặng nề ở biên giới do chính quyền Trung Quốc một lần nữa tăng cường hạn chế.

RFA đưa tin, ví dụ, chỉ cho phép xe tải Trung Quốc quá cảnh, dẫn đến việc bốc dỡ và vận chuyển hàng hóa ở phía biên giới Myanmar kéo dài thời gian. 

Chia sẻ với RFA, ông Sai Khin Maung, Phó chủ tịch Sở giao dịch hàng hóa rau quả ở hạt Muse, phía bắc bang Shan, cho biết, “Rất khó thực hiện các giao dịch trong thời kỳ COVID. Tôi phải kiểm tra và phải phun (chất khử trùng) lên (hàng hóa và xe tải), điều này gây ra sự chậm trễ. Khi hệ thống xử lý hải quan thay đổi, sẽ mất nhiều thời gian hơn (chờ đợi).” 

Ông nói, “Đối với nông dân của chúng tôi, toàn bộ quy trình là một mớ hỗn độn. Phải mất khoảng 10 ngày để đến được bên kia. Sự chậm trễ tại các điểm kiểm tra hải quan của Trung Quốc khiến một số hàng hóa phải mất tới 20 ngày mới đến nơi.”

Ông Min Thein, Phó chủ tịch Sàn giao dịch gạo biên giới huyện Muse, nói với RFA rằng hệ thống này đã gây ra nhiều chi phí không cần thiết, các thương nhân và chính quyền biên giới thường thương lượng các vấn đề lần lượt từng trường hợp, chứ không phải là theo quy định chính thức. “Thương mại bình thường nên được thực hiện theo luật thương mại biên giới. Nhưng bây giờ, các quy định mới khiến chúng tôi phải bỏ ra chi phí cao hơn”, ông nói.

Ông Min Thein nói, “Khi giá tăng, nó đã gây ra tổn hại. Mặc dù vậy, hàng hóa đã đến biên giới nên phải tiếp tục chuyển về phía trước nếu không sản phẩm sẽ bị thối rữa. Do đó, thương nhân chúng tôi đang nộp thuế tuân theo các quy tắc và quy định của họ”.

Trong năm tài chính 2019 – 2020, thương mại với Trung Quốc chỉ tính riêng qua biên giới Muse đã đạt 4,9 tỷ USD. Theo số liệu từ Bộ Thương mại của chính phủ quân sự Miến Điện, do việc đóng cửa biên giới, con số này đã giảm xuống còn khoảng 4 tỷ USD trong năm 2021.

Thành phố Tây An chuyển sang phong tỏa, người dân gặp nhiều khó khăn khi đi lại

Trung Quốc theo đuổi chính sách cực đoan “zero COVID”, điều này đã dẫn đến việc kiểm soát và cách ly biên giới chặt chẽ hơn, đồng thời thường các nơi ở khắp đất nước cũng thường xuyên phong tỏa. Sau khi đại dịch bùng phát ở Tây An, thành phố này cũng đã rơi vào trạng thái đóng cửa.

Thành phố Tây An tỉnh Thiểm Tây đã triển khai hệ thống “mã sức khỏe”, đây là một ứng dụng theo dõi dựa trên mã QR. Người dân phải xuất trình ứng dụng này trước khi vào các địa điểm công cộng hoặc đi lại. Vào thứ Ba, ứng dụng đã gặp sự cố sau khi quá tải vì lưu lượng truy cập.

Trên mạng xã hội, cư dân ở Tây An oán than rằng họ không thể đi phương tiện công cộng hoặc vào căn hộ của mình do hệ thống mã y tế gặp trục trặc.

Chính quyền Tây An đã yêu cầu tất cả cư dân rời thành phố xuất trình công văn của chính quyền địa phương trước rồi mới cho họ đi tàu. Một người dân mắc kẹt ở ga xe lửa Bắc Tây An đã mô tả một loạt các quy tắc khó hiểu và mâu thuẫn trên Weibo, và bài đăng này sau đó đã bị xóa.

“Đã đợi một giờ để xét nghiệm axit nucleic. Sau khi mua vé, tôi được thông báo rằng tôi cần một giấy chứng nhận đặc biệt từ văn phòng cộng đồng địa phương.” Bài đăng cho biết, “Sau một giờ đi xe buýt đến văn phòng đó, ai đó đã nói với tôi rằng không cần giấy chứng nhận. Lại ngồi một tiếng đồng hồ xe bus để quay về nhà ga xe lửa, nơi mà trước đó tôi được yêu cầu quay trở lại văn phòng cộng đồng. Khi tôi quay trở lại khu cộng đồng, xét nghiệm axit nucleic của tôi không còn hiệu lực. Tôi lại xếp hàng để làm xét nghiệm khác. Tôi mang kết quả đến văn phòng cộng đồng và văn phòng bảo tôi đi đến văn phòng khu phố để lấy giấy tờ đi đường. Nhân viên ở đó nói rằng các lãnh đạo đang thảo luận. Tôi đã chờ đợi và chờ đợi. Sau đó, xét nghiệm virus corona của tôi lại hết hiệu lực.”

Một người dùng Weibo khác ở Tây An cũng có nhìn nhận tương tự. Vị này viết rằng, “Những ngày này cảm thấy đau khổ, phẫn nộ và bất lực.”

Theo Diệp Tử Vi, Epoch Times

Xem thêm: